Những ký ức về một thời lửa đạn

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngày quân và dân đất nước ta quét sạch đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 đã lùi xa trên 30 năm.

Hơn 30 năm đã qua tưởng như đã lâu, nhưng riêng tôi - một phóng viên quay phim mặt trận có nhiều năm lăn lộn ở chiến trường Trị Thiên Huế, nhiều ký ức, kỷ niệm về những ngày công tác chiến đấu ở chiến trường ấy, cứ hiện lên trước mắt như mới diễn ra ngày hôm qua vậy.

7 năm ở chiến trường miền Nam, Trị Thiên Huế, tôi đã trải qua những ngày vượt Trường Sơn đầy gian khổ ác liệt chứng kiến và ghi hình những trận ném bom rải thảm của máy bay B52 Mỹ ngăn chặn những đoàn xe ôtô; những đơn vị bộ đội ta ra trận. Cảnh những chiến sỹ bị bệnh sốt rét, hy sinh trên dọc đường Trường Sơn...

Những năm tháng ở Khu ủy Trị Thiên Huế, tôi cũng đã chứng kiến ghi lại được những thước phim phản ánh cảnh tàn phá, giết chóc của giặc; sự hy sinh anh dũng của cán bộ chiến sỹ và nhân dân các địa phương; sự đấu tranh anh dũng đối mặt với kẻ thù giành thắng lợi vẻ vang. Đó là các địa phương nổi tiếng như: A Sầu, A Lưới, Phú Lộc, Phu Vang, Di Tử, Cửa Việt, Đông Hà, Quảng Trị...

Tất cả những hình ảnh đó, chúng tôi đã ghi lại dựng lên những bộ phim nói về cuộc chiến đấu hy sinh anh dũng của quân dân miền Nam chống Mỹ và đã được chiếu rộng rãi không chỉ trong nước mà còn ra khắp thế giới góp phần để nhân dân thế giới hiểu rõ cuộc kháng chiến anh dũng chính nghĩa của nhân dân ta chống trả giặc Mỹ xâm lược, qua đó đã ủng hộ, giúp đỡ cuộc kháng chiến của dân tộc ta.

Đó là, các bộ phim tài liệu: “Đường chúng tôi đi” (Huy chương Bạc liên hoan phim Matxcơva); Chiến thắng đường 9 Nam Lào; Chiến thắng Đông Hà - Quảng Trị... Trong bài viết ngắn này, không sao kể hết được, xin kể một vài kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày gian khổ nhưng vô cùng tự hào ấy.

Đó là chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971, đoàn phóng viên chiến trường chúng tôi gồm 5 người, trong đó có 3 phóng viên quay phim, 1 phóng viên nhiếp ảnh và 1 phóng viên thông tấn xã được phân công cùng một trung đoàn chủ lực thuộc Sư đoàn 325B đánh và tiêu diệt tiểu đoàn Trâu Điên của quân ngụy Sài Gòn.

Tiểu đoàn Trâu Điên là đơn vị thủy quân lục chiến thiện chiến và khét tiếng ác ôn lì lợm của quân ngụy. Chúng chiếm đóng trong làng của đồng bào Pacô sơ tán, chúng chiếm những hầm chữ A của đồng bào làm công sự chiến đấu nên đây là trận đánh diễn ra khó khăn và ác liệt. Khi ra trận người chiến sỹ còn có vũ khí trong tay, đối mặt với quân thù, còn những nhà báo, những phóng viên chiến tranh khi ra trận vũ khí chỉ là chiếc máy ảnh, chiếc máy quay phim và lòng dũng cảm.

Biết vậy, những phóng viên mặt trận với lòng say mê nghề nghiệp bất chấp hiểm nguy đã cùng với các chiến sỹ đơn vị mũi nhọn xông vào quân thù ghi lại những hình ảnh anh dũng của bộ đội ta. Do ở chiến trường lâu lại thường xuyên tiếp xúc gần mặt trận, chúng tôi có kinh nghiệm khi nghe tiếng nổ đầu nòng pháo địch (bộ đội thường gọi tiếng “đê pa”) là có thể biết hướng pháo bắn đi đâu hoặc vào gần chỗ mình đóng quân.

Trong trận đánh với tiểu đoàn Trâu Điên ấy, giữa lúc đang quay những hình ảnh bộ đội ta triển khai chiến đấu, chúng tôi nghe thấy tiếng đê pa của pháo định bắn vào đúng vị trí mình đang ở. Phản xạ của chúng tôi chỉ kịp nằm xuống bên gò mối tránh đạn, sau đó là một tiếng nổ đinh tai nhức óc, cây cối, bụi bay mù mịt.

Rất may đúng lúc đạn rơi xuống có một đàn lợn của đồng bào chạy qua, đàn lợn đã hứng toàn bộ những mảnh đạn và chỉ có anh Lê Ngọc Thúy bị một mảnh pháo găm vào bắp chân bị thương nhẹ. Còn anh Châu Quảng (sau này là quay phim chính nhiều bộ phim truyện của Hãng phim truyện Việt Nam) bị mảnh pháo xuyên vào túi ngực bên trái. Nhưng rất may do Quảng có quyển lịch “Quân đội nhân dân” rất dày, nên mảnh đạn không xuyên thủng, Quảng bị thương nhẹ.

Ở trận chiến đấu đó, bộ đội ta hy sinh không đáng kể, còn tiểu đoàn Trâu Điên của ngụy bị xóa sổ.

Để ghi lại những hình ảnh của bộ đội ta tiêu diệt xóa sổ tiểu đoàn Trâu Điên, được sự đồng ý của bộ chỉ huy mặt trận, tổ phóng viên chúng tôi được bảo vệ đi lên một sân bay dã chiến của quân ngụy trên đồi không tên mà ta vừa chiếm được để bố trí ghi lại một số hình ảnh bộ đội ta tiêu diệt tiểu đoàn Trâu Điên. Để tránh địch phát hiện bắn pháo vào hiện trường, chúng tôi tổ chức, quay vào lúc trời chạng vạng khoảng 5 đến 6 giờ chiều.

Đoàn phóng viên chúng tôi sau khi leo lên được sân bay trực thăng ngụy đã chứng kiến ghi lại được xác máy bay trực thăng HU1A của ngụy còn bốc cháy, hàng chục xác lính ngụy còn nằm ngổn ngang, có xác mất đầu, mất tay, có xác lòi ruột ra ngoài, có những xác đã được bọc bao nilông... Mùi súng đạn cộng mùi thịt người cháy bốc lên nồng nặc.

Chúng tôi tổ chức quay gần xong những cảnh chiến đấu của bộ đội trời bắt đầu tối và ngay lúc đó ở phía xa địch phát hiện, thế là pháo của chúng bắn tấp nập vào đồi có sân bay dã chiến...

Chúng tôi bị bất ngờ chạy tán loạn, chui vào các căn hầm của tụi chúng bỏ lại để tránh pháo. Tôi chui được vào căn hầm xếp toàn bao cát, trong hầm có 4 đến 5 xác lính ngụy. Đêm đó tuy rất sợ, nhưng giữa cái sống và cái chết đành phải ở đó một mình. Không còn cách nào khác, tôi kéo tấm tôn đè lên xác ngụy để nằm.

Đêm nằm tay vẫn giữ khư khư chiếc máy quay, để khẩu súng lục trên bụng, tai nghe động tĩnh và sợ biệt kích địch nên cả đêm không chợp mắt tí nào. Bây giờ ngồi nghĩ lại không hiểu lúc đó động lực nào đã giúp mình vượt qua những khiếp sợ ấy?

5h sáng hôm sau trinh sát của bộ đội ta đã tìm thấy đông đủ anh em phóng viên và không ai bị thương. Chúng tôi tổ chức quay thêm một số cảnh bộ đội xung phong chiếm sân bay rồi rút xuống trước khi trời sáng rõ đề phòng địch bắn pháo tới.

Những hình ảnh chúng tôi ghi lại được cùng với những hình ảnh của các phóng viên ở các mũi khác đã dựng lên thành những bộ phim “Chiến thắng đường 9 Nam Lào” làm nức lòng nhân dân cả nước và nhân dân thế giới.

Phạm Ngọc Tuấn

Các tin khác
Lý Tiểu Long trong phim Long tranh hổ đấu

Cho dù là câu chuyện truyền kỳ thời xưa hay những màn đấm đá mang màu sắc hiện đại thì phim kungfu luôn là một phần không thể thiếu của điện ảnh. Dưới đây là 10 bộ phim thuộc thể loại này được đánh giá hay nhất từ trước đến nay.

Hoa khôi Nguyễn Thị Ngọc Hà.

Với nụ cười khả ái và hình thể khá chuẩn cùng câu trả lời "sạch sẽ", Nguyễn Thị Ngọc Hà đã đăng quang ngôi vị Hoa khôi cuộc thi Người đẹp Hạ Long 2008.

Một tác phẩm cổ động cho Việt Nam với hình ảnh anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

Hơn 100 bức tranh cổ động của nhân dân thế giới với nội dung ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước sẽ đón chào du khách khi đến Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trong dịp lễ 30.4.

Một cảnh trong Chạy án.

“Chạy án” phần 2 sẽ bắt đầu lên sóng vào 20h10 tối nay (28/4), trên kênh VTV1. “Đây mới thực sự là câu chuyện chạy án… Tôi gửi tất cả những mong muốn vào phần 2”, đạo diễn Hồng Sơn bật mí về phần 2…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục