"Hu gầu" - Tiếng hát Mông
- Cập nhật: Thứ tư, 14/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Người Mông có một kho tàng văn hóa, văn học, nghệ thuật dân gian đặc sắc, độc đáo, bao gồm: thần thoại, truyện cổ tích, tục ngữ, ca dao... trong đó phải kể đến dân ca. Người Mông gọi là "Hu gầu". Ta hiểu nôm na là tiếng hát Mông.
Hát mời rượu trong thể loại “gầu xống”.
|
Thật vậy, người Mông có một kho tàng văn hóa, văn học, nghệ thuật dân gian đặc sắc, độc đáo, bao gồm: thần thoại, truyện cổ tích, tục ngữ, ca dao... trong đó phải kể đến dân ca. Người Mông gọi là "Hu gầu". Ta hiểu nôm na là tiếng hát Mông.
"Hu gầu" có nhiều loại. Mỗi loại lại có nội dung, đề tài khác nhau. Ví như loại tiếng hát tình yêu hay giao duyên (gầu lềnh), loại tiếng hát cưới xin (gầu xống), loại tiếng hát làm dâu (gầu va nhéng), loại tiếng hát mồ côi hay than thân (gầu tú dua) hoặc loại tiếng hát cúng ma (gầu tú ớ).
Tìm hiểu sâu thì loại tiếng hát tình yêu (gầu lềnh) là loại có nhiều làn điệu. Chúng thường xuyên xuất hiện vào các dịp lễ tết, hội hè, hay lao động trên nương rẫy, trong rừng, kể cả khi xuống chợ. Tiếng hát tình yêu đôi khi không dùng lời mà sử dụng giai điệu bài qua âm thanh của khèn, của đàn, của sáo...
Quá trình sưu tầm, thống kê thể loại này hiện có (ở tỉnh Yên Bái) trên dưới 140 điệu. Điệu nào cũng bố cục gọn, chặt chẽ. Âm giai lúc uốn lượn, lúc vút cao, đổ trầm theo 5 âm rất đẹp, rất quyến rũ. Cái chung thường thấy là kết cấu câu, đoạn tuy chưa rõ nhưng đều có điệp khúc nhắc đi nhắc lại. Điển hình ở các bài: "Yêu anh mất rồi" (cú dú pang cầu), "Nhớ anh" (cú nhả cầu thể), "Trong giấc mơ" (cú pư pang nhả cầu) hay "Yêu cô nàng" (cú nhả cầu), "Nhắn gửi" (cú pang cú), "Mong ước" (xi mùa ni), "Không lấy được nhau" (chi pâu xi dùa). Không phải tình yêu hay giao duyên trong thể loại này đều "thuận buồm xuôi gió". Vì vậy, trai gái Mông cũng có rất nhiều đôi lứa không lấy được nhau. Trường hợp ấy, họ chỉ còn biết sống bằng hoài niệm. Lúc này, bài nhạc trở nên buồn thảm, giai điệu da diết như trong "Kỷ niệm" (xai đa mùa):
"... Vì yêu anh, em dệt khăn này kỷ niệm.
Nhớ người em tặng, xa nhau bao tháng ngày
Khăn này bên người, người ơi...".
Trong thể loại tiếng hát tình yêu còn là những bài nói về tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu lao động, sản xuất; tình yêu cha mẹ, con cái như "Quê hương em" (mua trồng tê), "Bình minh trên núi" (xe tù trả trông), "Xa quê" (đê vè chê), "Ru con" (khổng mi nhùa)...
Ở một thể loại khác cũng chiếm số lượng nhiều không kém, đấy là tiếng hát cưới xin, tiếng Mông là "gầu xống". Lễ cưới của người Mông cũng phải qua 3 bước: bước dạm hỏi, bước đưa đồ cưới, bước đón dâu. Mỗi bước như thế lại có hàng loạt bài hát để hỏi thưa, đối đáp thay vì phải dùng lời nói. Độc đáo, đặc sắc (có một không hai chính là điểm này) và cũng là điều hiếm thấy ở các dân tộc khác. Đơn cử, ông bà mối đến nhà gái, phải hát bài "Xin mở cửa", mở đầu cho các bài sau.
..."Ông (bà) mối tôi xin thưa
Con gái lớn biết vỡ đám ruộng hoang
Con trai lớn biết vỡ thửa ruộng rậm
Trai lớn biết dựng nhà
Mối mai tôi xin bày tỏ...".
Nhà gái đáp và hát hỏi:
"Thịt thối có muối ướp
Muối thối lấy gì ướp?...".
Mối nhà trai trả lời:
"Gái hèn có chàng rể cộng sức
Rể làm không nên có nhà trai
Nhà trai không được có người mối...".
Khúc hát dạo đầu đã xong, mọi người cười nói vui vẻ, vào nhà. Từ đây, nhà gái nhận thuốc lào, nhận rượu ngon, rồi tất cả làm lễ so tuổi, mổ xem chân gà, định ngày nhận lễ, đón dâu...
Tiếng hát cưới xin có trên 20 bài. Đặc sắc và hay nhất có bài "Đón dâu":
"Họ cười vui khoác ô đi đón
Nàng dâu xinh đẹp, đẹp xinh
Mẹ cha hân hoan, vui cùng khách
Cạn chén rượu ngon...".
Như đã giới thiệu ở phần đầu, "Hu gầu" còn có những tiếng hát mồ côi, tiếng hát than thân, tiếng hát cúng ma...
Tóm lại thì dù ở thể loại nào, tiếng hát Mông vừa độc đáo vừa vượt khỏi các qui định, chức năng, đặc biệt với những điệu thuộc tình yêu (giao duyên), cưới xin... Nhất là hiện nay, trong cuộc sống ngày càng đổi mới, "Hu gầu" đang chuyển dần về với sinh hoạt đời thường, gắn với làng bản văn hóa mà bằng những lời ca mới, vui vẻ, thoải mái, tự do.
"Hu gầu" - tiếng hát Mông vẫn được cộng đồng người Mông duy trì.
"Hu gầu" là tiếng hát của đại ngàn, luôn được ưa thích, nhất là nam nữ thanh niên.
Bùi Huy Mai
Các tin khác
Cũng giống như khá nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật múa đang gặp phải khá nhiều khó khăn trong biểu diễn, đó là sự thiếu vắng những tài năng trẻ, sự nhàm cũ trong các tiết mục biểu diễn và đặc biệt là thiếu những phong cách múa để lại dấu ấn. Thực trạng này nếu không được nhanh chóng cải thiện sẽ khiến nghệ thuật múa ngày càng rời xa công chúng.
Một bé trai 12 tuổi chơi kèn trombon đã trở thành người trẻ nhất trong lịch sử giành giải thưởng Nghệ sĩ của năm do đài BBC của Anh tổ chức.
Đó là hai người mẫu nam Nguyễn Văn Thịnh và Ngô Tiến Đoàn. Họ vừa nhận được thư mời tham gia cuộc thi người mẫu nam lớn nhất thế giới Manhunt Internation và cuộc thi sắc đẹp nam giới Mister International.
UBND tỉnh Tuyên Quang vừa phê duyệt và công bố quy hoạch tổng thể Khu du lịch lịch sử - văn hóa và sinh thái Tân Trào trên diện tích xây dựng rộng hơn 42 ha, gồm 5 phân khu thuộc các xã: Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, Bình Yên (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Đạo Viện, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Phú Thịnh (huyện Yên Sơn), với tổng kinh phí đầu tư hơn 516 tỷ đồng.