Vài ý kiến với một bài viết Về di tích Hắc Y - Đại Cại

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tôi đọc một bài viết trên Báo Yên Bái, có tiêu đề: "Cần tiếp tục làm sáng tỏ giá trị lịch sử - văn hóa di tích Hắc Y" của tác giả Nguyễn Quang - Hội Kiến trúc sư Yên Bái. Là người đã ba lần được dự các hội thảo khoa học sau những đợt khai quật khảo cổ ở Khu Di tích Khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại (xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên), tôi xin có vài ý kiến trao đổi về bài viết này.

Trước hết, tôi thực sự trân trọng tác giả tự nhận mình “không có chuyên môn ngành khảo cổ học, lịch sử, chưa có nhiều thời gian nghiên cứu” song theo suy nghĩ của tác giả là "điếc không sợ súng" nên đã “mạnh dạn” nêu lên một số ý kiến của mình góp phần cùng làm sáng tỏ các giá trị lịch sử - văn hóa khu di tích này.

Tôi đồng cảm với ý kiến của tác giả Nguyễn Quang cho rằng, quần thể kiến trúc này có từ thời nhà Lý. Bởi vì, thông qua các hiện vật ở đây và nguồn sử liệu bằng thư tịch, đã có một số chuyên gia nghiên cứu lịch sử cũng sơ bộ nhận định như vậy.

Tác giả đã nêu những dẫn luận dựa trên hiện vật trong kiến trúc ở đây như: bệ thủy ba cách điệu, chân tảng cánh hoa sen, lá đề, tiền cổ (tiền nhà Lý và nhà Tống) để lý giải mối quan hệ bang giao giữa nhà Lý với nhà Tống và những mối quan hệ của con người lúc bấy giờ tại khu di tích này.

Tác giả cũng cho rằng ngoài vai trò của một trung tâm Phật giáo thì khu vực này còn là một căn cứ quân sự. Điều đó được phản ánh qua việc trong tâm tưởng của người dân vùng này luôn nhớ về đình Bến Lăn và đình trạm là nơi nghỉ của những người chuyển công văn, thư tín của triều đình đến các dinh trấn của phủ, huyện.

Đồng thời cho rằng, năm 1075, Lý Thường Kiệt đánh vào châu Ung, châu Lý và để đánh trả thù thì nhà Tống đã cho quân do thám trước và cách do thám hiệu quả nhất là giao cho thương nhân, điều này lý giải những đồng tiền của nhà Tống cùng thời với nhà Lý có mặt ở Hắc Y. Quân Mông sau khi diệt được nhà Tống đã lập nên đế quốc Nguyên - Mông. Nhà Trần đã nhận rõ âm mưu của nhà Nguyên muốn thôn tính nước ta nên đã cử Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trấn giữ châu Thu Vật (Lục Yên, Yên Bình ngày nay).

Trần Nhật Duật là nhà ngoại giao và là nhà quân sự tài ba, có tầm chiến lược sâu sắc. “Tôi tin chắc rằng, sau khi khảo sát thực địa nhận thấy khu vực Hắc Y - Tân Lĩnh là nơi đắc địa làm "hành cung" tiền phương đánh địch từ xa" - nguyên văn của tác giả. Tuy nhiên, ngay sau đó tác giả lại nói rằng: “Việc xác định cụ thể vị trí của đình trạm có từ thời nhà Lý và "hành cung" tiền phương của Trần Nhật Duật cần phải tiếp tục khai quật khảo cổ để có thêm di vật và nghiên cứu thêm các nguồn tư liệu minh chứng cho nhận định này”.

Về những vấn đề tác giả nêu trên, xin được có một số ý kiến rằng, có thể ở đây đã từng tồn tại một ngôi đình nhưng hiện chưa tìm thấy dấu vết kiến trúc này và mãi tới thời Nguyễn, người ta vẫn xây dựng đình như đình Tân Trào (Tuyên Quang) chẳng hạn. Đình không chỉ mang ý nghĩa như tác giả Nguyễn Quang đã nêu ở trên, đó còn là nơi nghỉ ngơi của vua quan khi đi tuần du, là nơi hội họp của làng.

Khái niệm đình với người vùng cao trước đây còn là sự đồng nhất của cả đền, đình, chùa, miếu thông qua nghi thức phối thờ của người Việt. Tiền của nhà Tống và Lý phát hiện được ở đây không có nghĩa là nó được dùng song song giữa hai triều đại này. Bởi vì, nhà Tống ở Trung Quốc tồn tại qua cả nhà Lý và nhà Trần ở Việt Nam thì có thể đồng tiền Tống cũng sẽ được tiêu ở thời Trần.

Hoặc trước khi các thương gia nhà Tống trở thành do thám thì phải xác định vai trò thương gia của họ đã có trước đó, nên thương gia cũng có thể "đánh rơi tiền" ở đây chứ không phải chỉ khi làm nhiệm vụ do thám mới "đánh rơi tiền". Hơn nữa, khi khai quật di tích chùa tháp Hắc Y - một kiến trúc nằm trong cùng khu di tích này đã tìm thấy 163 đồng tiền, trong đó có 8 đồng tiền Việt (1 đồng thời Lý, 7 đồng thời Trần), còn lại là tiền Trung Quốc từ thời Đường (thế kỷ VIII) cho đến tiền thời Tống, vậy thì giải thích như thế nào về mối liên hệ giữa tiền nhà Đường với di tích này?

Và tại sao một "hành cung" tiền phương đánh địch nhưng dấu tích công trình quân sự chưa tìm thấy mà lại toàn thấy các kiến trúc tôn giáo? Tại sao người ta lại không xây dựng những công trình kiến trúc tôn giáo tuyệt mỹ này ở hậu phương mà lại xây ở nơi "hành cung" tiền phương rất dễ xảy ra nạn binh đao?   

Theo chúng tôi, tiền xuất hiện ở đây nên được hiểu nhiều theo khía cạnh, đó là một thứ lễ vật trong nghi lễ chiêm bái chùa chiền của người theo đạo Phật hoặc đó là chứng tích của hoạt động giao lưu thương mại tại một khu vực sầm uất trên tuyến đường thủy sông Chảy với vùng chợ Ngọc, chợ Ngà ở khu vực này.

Tác giả Nguyễn Quang cũng đặt ra câu hỏi: "Vật liệu xây dựng được sản xuất ở đâu để xây dựng nên quần thể di tích kiến trúc Hắc Y rộng lớn này?". Đồng thời, tác giả không đồng nhất ý kiến với các tác giả và phần lớn các giáo sư khảo cổ học nhận định vật liệu xây dựng và các đồ gia dụng, đồ thờ cúng đều được sản xuất tại chỗ do tìm được dấu tích của hai lò gốm.

Tác giả cho là: "Nếu nhận định như vậy là thiếu căn cứ khoa học và cảm tính vì do nguyên liệu đất ở đây không đảm bảo tiêu chuẩn hóa - lý cho sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là đồ dùng và đồ thờ cúng bằng sứ". Tác giả lại cho rằng: “Bằng chứng là các hiện vật tìm thấy đã nói lên điều đó: "phần lớn các hiện vật ở đây đều không thật quy chuẩn, gạch, ngói thì cong vênh... bở và dễ vỡ (trang 39 báo cáo của đồng tác giả Nguyễn Văn Quang và Phạm Như Hồ) và tại trang 11 trong báo cáo của ông Quang cũng viết: "các mảnh gốm sứ bị dính với nhau, bị méo, nhiều viên ngói bị cong vênh..."”.

Tiếp đó, tác giả Nguyễn Quang lại đặt vấn đề: "Để khẳng định đất ở đây có làm được vật liệu xây dựng và các loại đồ dùng khác không, ta chỉ việc đem mẫu đất đi thử nghiệm tại Viện Vật liệu xây dựng hoặc các phòng thí nghiệm của các trường đại học và Viện Nghiên cứu về cơ lý - hóa đất xem có đảm bảo tiêu chí cho sản xuất vật liệu xây dựng và đồ gốm sứ không?". Cách nói như trên, chúng tôi đồ rằng, tác giả cũng chưa từng làm thử nghiệm và nếu làm rồi thì sẽ đưa ra được những dẫn chứng về khoa học.

Theo tác giả Nguyễn Quang “thì chắc chắn người xưa có ý định sản xuất vật liệu xây dựng và các đồ vật khác tại chỗ nhưng do không thành công (sản xuất thử) nên đã dùng đá làm vật liệu thay thế gạch xây với tỷ lệ khá lớn, còn một phần gạch, ngói và các đồ dùng khác thì đem từ nơi khác tới”. Tác giả viết: "Và thực tế cũng đã chứng minh là ngành xây dựng đã khảo sát ở vùng Tân Lĩnh không tìm được đất để sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng thị trấn Yên Thế nên đành phải đem vật liệu từ Yên Bái lên". Loại vật liệu xây dựng mà tác giả Nguyễn Quang nói ở đây chắc là gạch chứ ngói thì Yên Bái chưa nơi nào làm!

Phần cuối bài, tác giả viết: "Để có kết luận khách quan, khoa học, biện chứng, cần phải mở rộng nghiên cứu sâu hơn nữa trên cơ sở các nguồn tài liệu về sử học đã có, kết hợp với mở rộng khai quật khảo cổ và sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành. Cần tiếp tục hội thảo trên cơ sở có nhiều tham luận với những kiến giải khoa học. Hội thảo khoa học mà chỉ nghe "một chiều" với ý kiến "gợi ý" do thời gian hội thảo có hạn thì e rằng không "tâm phục, khẩu phục"!”.

Với những vấn đề mà tác giả Nguyễn Quang nêu trên, chúng tôi cho rằng, thời gian hội thảo thì ngắn nhưng các báo cáo tham luận thì khá đầy đủ, cụ thể. Hơn nữa, các nghiên cứu khoa học tại đây, nhất là nghiên cứu khảo cổ học thì chỉ có thể đưa ra ý kiến của mình dựa trên cơ sở những thông tin từ vật thật (hiện vật) và các nguồn tư liệu khác chứ không thể tự ý suy diễn mà nói thiếu căn cứ.

Những vật thật ở đây chính là việc đã phát hiện ra lò nung, khuôn đúc chim uyên ương, ắc bàn xoay làm gốm, loại hình hoa văn có nhiều điểm khác biệt và hàng loạt các hiện vật lạ với các di tích Trần khác đã được khai quật và nghiên cứu ở Việt Nam... Những mảnh gốm sứ bị dính với nhau, bị méo, gạch ngói cong vênh, bở, dễ vỡ cũng là những thông tin gợi ý rằng nó được sản xuất tại chỗ.

Khu Di tích Hắc Y có cả dấu tích của triều Lê sau này và phát hiện được cả gốm Chu Đậu (Hải Dương). Làng Quang Ánh, huyện Gia Phúc xưa của tỉnh Hải Dương có nghề gốm mỹ nghệ nổi tiếng xuất khẩu cùng gốm Chu Đậu (thời Lê). Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật - người ở làng Ba Đông liền kề làng Quang Ánh, vào đầu thế kỷ XVI lên đây lập căn cứ chống nhà Mạc qua mấy đời, rất có thể họ cũng mang theo cả nghề làm gốm.

Tác giả cho rằng, chủ nhân của các công trình kiến trúc ở đây dùng đá làm vật liệu thay thế tỷ lệ gạch xây khá lớn. Có lẽ, tác giả đã không quan sát kỹ hiện trường khai quật và đọc kỹ các báo cáo khai quật ở đây? Bởi vì, những chân tảng (hòn kê cột) ở di tích chùa Bến Lăn đã cho thấy, đây là một kiến trúc cột gỗ. Đá chỉ thấy dùng để xây chân tường bao xung quanh di tích, còn phía mặt bằng bên trong chỉ có gạch ngói ken dày và một ít đá dùng để gia cố bậc lên xuống hoặc chân cột.

Việc tác giả Nguyễn Quang cho rằng, ngành xây dựng đã khảo sát ở vùng Tân Lĩnh không tìm được đất để sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng thị trấn Yên Thế. Chúng tôi không biết ngành xây dựng khi đó đã mải miết tìm tính chất cơ lý - hóa của đất như thế nào nhưng ngay gần trung tâm xã Tân Lĩnh, từ lâu người dân ở đây đã mở mấy lò gạch cung cấp rất nhiều gạch cho huyện Lục Yên. Mấy lò gạch này cũng chỉ cách di tích chùa Bến Lăn khoảng 200m và người dân nhận xét chất lượng gạch tốt, được dùng để xây cả nhà cao tầng trên.

Thiển nghĩ, Khu Di tích Khảo cổ Hắc Y - Đại Cại mới khai quật hai điểm trên không rộng lắm của khu di tích này. Những nghiên cứu khoa học lịch sử và nhân văn về nơi đây cũng mới chỉ khởi động những bước đầu tiên. Quy mô khai quật nghiên cứu sau này được đầu tư mở rộng thì chắc còn nhiều bí ẩn sẽ được giải mã. Khoa học là vấn đề mà công tác nghiên cứu luôn phải nỗ lực dành thời gian, trí lực, vật lực để tiếp cận các giá trị của nó. Điều đó khác hẳn với trò hát ví đối đáp dân gian, hoặc sới vật hội làng...

Nếu đòi hỏi sự "tâm phục, khẩu phục" từ những nghiên cứu khoa học bước đầu ở di tích này, liệu có thỏa đáng hay không?

Sơn Nam

Các tin khác
Ai sẽ là người đại diện quốc gia tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới?

Tiếp tục thông tin về việc Hoa hậu Trần Thị Thùy Dung chưa tốt nghiệp THPT được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, người mẫu Thúy Hạnh – Giám đốc chuyên môn Công ty Elite Việt Nam, đơn vị đưa người đẹp Việt Nam tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới (HHTG) 2008 đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Viện Goethe tại Hà Nội cho biết từ ngày 15-22/9 sẽ có 45 nghệ sĩ đến từ châu Á và châu Âu sẽ tham dự Liên hoan Âm nhạc Quốc tế 2008 tại Việt Nam.

Đương kim Hoa hậu Việt Nam có thể bị tước vương miện?

Trước sự vi phạm của BTC cuộc thi HHVN 2008- tự ý thay đổi thể lệ thi mà không báo cáo với cơ quan quản lý - và dư luận về cuốn học bạ “lèm nhèm” của tân Hoa hậu Trần Thị Thùy Dung, ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đơn vị cấp phép) đã trở lời báo chí về quan điểm của Bộ trước sự vi phạm của BTC.

Lễ trao giải MTV Video Music Awards (VMAs) lần thứ 25 vừa kết thúc với cú lội ngược dòng ngoạn mục của công chúa nhạc Pop một thời: Britney Spears (ảnh).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục