Sự thuần hóa các con vật trong hát pựt của người Tày
- Cập nhật: Thứ ba, 7/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ xa xưa, dân tộc Tày ở vùng Yên Bình, Lục Yên (Yên Bái), Hàm Yên (Tuyên Quang) trong dịp đón xuân mừng năm mới thường đón các ông thầy Pựt về làm kỳ yên giải hạn. Đêm "biểu diễn", ông Pựt được rất nhiều người chú ý lắng nghe.
Lời hát của ông Pựt đóng vai quan sjay. Đạo quân của nhà Pựt đông tới 10 vạn: "... Ba vạn đội mũ sắt ra đường/Bảy vạn đội mũ gang hành lộ...". Quan sjay đã hóa phép cho đạo quân thu nhỏ lại: "... Ba vạn ngồi bẹ chuối không rung/Bảy vạn ngồi đồng tiền không kín/Ngồi hạt đỗ không đầy/Phi ngựa qua lỗ chôn kim đi lại...".
Toàn bộ đạo quân cùng nhạc ngựa dây cương, gồng gánh lễ vật là một cuộc hành trình lên trả nghĩa tổ tiên để cầu chúc cho người già sống khỏe sống lâu, trả ơn nghĩa bà mụ cho con cháu, mong cháu hay ăn chóng lớn. Thử xem, cuộc hành trình, dây cương nhạc ngựa, gồng gánh có nhiều không: "... Dây cương chở hai gánh ba khiêng/Nhạc ngựa mang ba khiêng hai gánh..."/"... Một gánh đi vun vía/Một khiêng đi đắp mệnh/Một gánh đi giải oan/Một khiêng đi giải hạn/Một gánh đi dâng trà/Một khiêng lên dâng rượu/Một nửa chở lên dâng nàng/Đem hoa lên dâng hồn mẹ sinh...".
Toàn bộ cuộc hành trình được ông Pựt "biểu diễn": lời hát nhộn vui cùng mũ áo, nhạc ngựa, người đang nhộn nhịp lên đường. Ông Pựt biểu diễn từ lúc ăn tối xong (khoảng 20h) đến 6 giờ sáng mới tạm xong. Cuộc hành trình qua mỗi bản, mỗi mường đều có nghỉ, mỗi lần nghỉ khoảng 10 phút.
Từ việc tạm biệt trần gian để lên mường trên, qua chỗ mồ mả tổ tiên, qua các mường gặp trai tài gái giỏi, lại qua mường có cả trai ngu, gái dốt. Đi mãi gồng gánh cũng vào trình được tổ tiên hiền. Đoàn nhà sjay 10 vạn quân tiến vào chợ Đường chu, qua chỗ quỷ cái "già dìn" để đoạt lấy cây gậy thần, vì có gậy thần mới "vượt biển" (khảm hải) được.
Theo lời ông Pựt nhà sjay lúc vào mường Ngũ cốc: ..."Ra roi phi ngựa bay lên đường/Mọi người mang mình vàng hành lộ/Nom thấy sứ ngũ rồng/Nhìn thấy mường ngũ cốc/Ngũ cốc đang vò đầu/Ngũ cốc tính sao đây/Lấy con gì cày nương nuôi nhà/Lấy con gì cày ruộng nuôi thân/Ngũ cốc lao xuống sàn/Ngũ cốc phóng xuống bãi/Ngũ cốc bắt gà đi mắc vạy/Gà mắc vạy chẳng đi/Gà thắng ách chẳng bước/Roi trong tay liền vụt/Gà bay vút vào rừng/Biến thành con gà cỏ..."/"Ngũ cốc lại vò đầu/Giờ biết làm sao đây/Lấy con gì làm nương nuôi nhà/Lấy con gì làm ruộng nuôi thân/Ngũ cốc bắt con mèo thắng ách/Mèo gì mèo mắc vạy không đi/Mèo gì mèo thắng ách chẳng bước/Roi trong tay liền vụt/Mèo chạy tót vào rừng/Hóa thành cáo bắt gà...".
Cứ thế, Ngũ cốc vò đầu. Ngũ cốc bắt từng con vật xung quanh nhà, nhưng con nào cũng "Mắc vạy chẳng đi, thắng ách chẳng bước". Ngũ cốc tức vụt roi thì:
- Con chó nhà chạy vào rừng thành chó sói.
- Con bò nhà chạy vào rừng thành con nai rừng.
- Con dê nhà chạy vào rừng thành con sơn dương.
- Con lợn nhà chạy vào rừng thành con lợn lòi.
- Con ngựa nhà chạy vào rừng thành con sói rừng...
Tính mãi rồi ngũ cốc: "... Ngũ cốc phóng xuống sàn/Ngũ cốc lao xuống bãi/Ngũ cốc bắt trâu đi mắc vạy/Trâu mắc vạy chẳng đi/Trâu thắng ách chẳng bước/Con chuột trong bụi chuối lên tiếng/Lấy dây về xiên mũi mới được/Con trâu hắt xì hơi ba cái/Trâu mắc vạy liền đi/Trâu thắng ách liền bước/Từ đó trâu ra ruộng trước chủ/Chủ chỉ biết vác cày theo sau/Cày bừa đến giờ Ngọ/Thả trâu lên lưng đồi ăn cỏ/Ăn hết đồi dây ngọt/Ăn hết rừng dây sắn/Trâu ăn hết giờ Dậu/Khác rủ nhau về chuồng/Con lớn chúng nghiêng sừng vào cửa/Con nhỏ chúng nghiêng tai vào bãi/Khác con khác cái cọc chúng chầu/Mỗi con mỗi chiếc cột chúng đứng/Từ đó mới nằm sấp đếm trâu/Nằm ngửa mà đếm của/Bờ ao trồng cây luồng/Ngọn buông gió đung đưa/Khi ấy gà nhìn vịt đùa phai/Trâu gọi trâu lặn nước...".
Cũng từ đó, người ta truyền tụng lại: tại sao loài trâu cứ thấy bụi chuối là muốn húc cho xơ xác đi, cũng tại con chuột mách nên trâu mới bị xiên mũi... Từ khi có con trâu giúp cày ruộng cày nương, con người làm ra hạt lúa.
"... Tháng Mười lúa vàng trải khắp đồng/ Người nhộn nhịp đầy mường liềm hái.../... Gánh về để bịch to trước cửa/Trời mưa hong gác bếp/Trời nắng đem phơi giàn/Khô tốt đem xuống máng đi choỏng/Đem xuống cối đi giã/Giã nhịp chày vung vẩy/Giã đu đưa uốn mềm/Xôi chín thành dẻo mềm/Mới thành đôi bánh dầy chiếc đẹp/Mới thành đôi bánh moọc chiếc xinh/Mới thành chiếc bánh dầy đắp vía/Mới thành chiếc bánh moọc bồi mệnh/Bánh dẻo mềm đuôi én/Bánh thơm ngọt đuôi xòe/Mười hai thứ bánh ngon/Bánh ngọt lên dâng cô/Bánh ngon lên dâng mẹ...".
Cả một cuộc hành trình lên trả nghĩa tổ - bản trường ca dài xuyên suốt cuộc hành trình đó thật sự là vốn quý. Xin trích dịch ra đây một đoạn để bạn đọc cùng tham khảo.
Hoàng Tương Lai (Sưu tầm và dịch)
Các tin khác
Ngày 6-10, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi công văn cho Công ty Elite chấp thuận danh sách đề cử 3 người đẹp Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là Hoa hậu Thùy Lâm, Á hậu 1 Hoàng Yến và Á hậu 2 Thiên Lý tham dự Miss World 2008.
Tối 6-10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội phối hợp 20 tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức Ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa các vùng, miền toàn quốc hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội).
Chỉ còn một buổi phát sóng nữa vào ngày 12-10, Đồ rê mí 2008 sẽ chính thức chia tay với khán giả nhí truyền hình.
Nhà báo Lại Văn Sâm, nhà báo Kim Ngân, biên tập viên Quang Minh và biên tập viên Thái Tuấn là chủ nhân của 4 giải thưởng được xướng lên trong lễ trao giải Người dẫn chương trình được yêu thích nhất, tổ chức tại trường quay S9, đêm qua (5/10)…