Xòe Thái - vũ điệu nồng say

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mỗi nơi, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng tạo nên “đặc sản” của mỗi vùng, miền, dân tộc. Nhắc đến Bắc Ninh là người ta nhắc đến những làn điệu dân ca quan họ đắm say lòng người, còn người Thái, Mường Lò níu chân du khách bằng những điệu múa xoè nhịp nhàng, duyên dáng. Trong tiếng trống nhịp xoè, mọi người xích lại gần nhau thân ái hơn, khi đã vào vòng xoè, cầm tay nhau múa thì không phân biệt trên, dưới, giàu nghèo, dòng họ, trai gái cùng nắm tay nhau bình đẳng vui chơi.

Vòng xòe đêm hội.
(Ảnh: M.T)
Vòng xòe đêm hội. (Ảnh: M.T)

Có lẽ từ lâu lắm rồi, người Thái đã gửi gắm sự duyên dáng của thiếu nữ và những áo cỏm, khăn piêu; gửi sự tinh tế khéo léo của bàn tay lao động vào đường kim mũi chỉ dệt thêu thổ cẩm; gửi thành quả lao động sản xuất vào hương cốm đầu mùa, vào sự dẻo thơm của xôi ngũ sắc; và gửi gắm tình yêu cuộc sống, tình yêu thương con người với con người, ước mơ, khát vọng vào từng nhịp trống điệu xoè. Chỉ một động tác, một dáng đi, cách đứng, cách xếp đội hình, cách chuyển động cũng là những cung bậc, sắc thái, những ý nghĩa khác nhau mà điệu xoè thể hiện. Điều gần gũi nhất với cả người Thái và du khách khi đến Mường Lò là điệu xoè vòng.

Theo sử sách ghi chép và nhiều phong tục tập quán cho rằng: Trước đây, người Thái di cư từ Mường Ôn, Mường Ai (thuộc Vân Nam - Trung Quốc) đến ở đất Tây Bắc (Việt Nam) từ thế kỷ XI và đã đến Mường Lò sinh sống cho đến ngày nay. Và từ đó, nơi đây là cái nôi đầu tiên của người Thái cổ ở Việt Nam, mang đậm những phong tục tập quán truyền thống dân tộc Thái. Vùng đất Mường Lò đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, người Thái còn giữ được nhiều nét văn hoá của cha ông như ở Mường Lò. Vì thế, nơi đây còn lưu giữ lại nhiều phong tục tập quán, cũng như những điệu xoè cổ của người Thái. Cho đến bây giờ, người Thái Mường Lò vẫn giữ gìn và khôi phục những điệu xòe của dân tộc mình. Người Thái Mường Lò có thể diễn 6 điệu xoè được coi là những điệu xoè cổ nhất trong đời sống của người Thái cổ. Những điệu xoè được thể hiện trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng không vì thế mà mà ý nghĩa của nó khác đi.

Đến với Mường Lò là đến với các điệu xoè nồng say. Đó cũng là cái nôi của sáu điệu xoè cổ, khởi nguồn của hơn 30 điệu xoè nổi tiếng. Trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, tiếng khèn bay bổng thiết tha, những bước xoè làm cho con người gần gũi, chan hoà nhau hơn trong hành trình thiên-địa-nhân với bao ý nghĩa sâu xa về cuộc đời, tình người, để rồi thấm thía hơn câu ca tự ngàn xưa mà ông cha truyền lại: “Không xoè không vui”, “không xoè cây lúa không trổ bông”, “không xoè cây ngô không ra bắp”, “không xoè thóc cạn bồ”, “không xoè trai gái không thành đôi”. Bởi vậy, dù là ngày vui nhỏ của gia đình hay ngày lễ lớn của cả làng: Lễ hội Rằm tháng Giêng, Tết Xíp xí, lễ hội hái hoa ban… thì những điệu xoè của người Thái đất này lại nhộn nhịp, uyển chuyển cùng lời ca. Một cảm giác thật lạ khi hoà mình vào những điệu xoè, những phụ nữ Thái múa điệu xoè Khẳm khăn mơi lảu, là nâng khăn mời rượu. Như chính cái tên gọi của nó, người xòe hai bàn tay nhẹ nhàng uyển chuyển nâng chiếc khăn, mời chén rượu đầy bằng tất cả tình cảm trân trọng, tấm lòng mến khách, nhất là cái nồng ấm trong hơi rượu, sự thân tình trong điệu múa… Không ai nỡ khước từ.

Sự tươi vui, phấn khởi khi mùa màng bội thu được thể hiện bằng điệu xoè Nhôm khăn. Đó là điệu xoè sôi động với chiếc khăn thổ cẩm sặc sỡ quàng qua cổ, hai tay tung khăn theo nhịp trống. Điệu xoè Đổn hôn lại khẳng định rằng: Dù trời đất có đổi dời, cuộc sống có lúc nghiêng ngả nhưng lòng người vẫn nguyên vẹn. Ta bắt gặp ở điệu xòe Phá xí (xòe bổ bốn), tức là vòng xoè được tách ra thành nhóm bốn người, có ý nghĩa thật là sâu xa: dù có đi bốn phương trời, mười phương đất, mỗi người có lúc phải chia xa nhưng vẫn luôn hướng về nhau, về nguồn cội.

Trong ánh lửa bập bùng rực cháy giữa vòng xoè, tất cả mọi người tay nắm tay, vai sát vai, chân bước theo chân, vòng xòe cứ quay mãi, quay mãi và đến lúc đông người trở thành đại xoè. Đó là một trong những điệu xoè của người Thái Mường Lò, có tên là điệu xoè vòng và điệu xoè vòng là phổ biến nhất, bởi chỉ cần hai, cũng có thể hàng trăm người một vòng xòe, rồi có thể một hay nhiều vòng xòe. Vòng xoè ngày càng thêm rộng mà vẫn ấm tình đêm hội. Ở đó người ta bắt gặp một tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, lúc buồn, lúc vui cùng say đắm trong điệu xòe. Cũng khởi nguồn từ điệu xoè vòng đã phát triển lên thành những tiết mục dân vũ của dân tộc Thái, như: múa hái bông dệt vải, múa quạt… Và cũng từ điệu xoè vòng còn phát triển ra điệu xoè Ỏm lọm tốp mư (vỗ tay múa vòng tròn), chỉ khác là khi xoè không nắm tay nhau mà hai tay vỗ vào nhau lúc bên phải, lúc bên trái.

Cuộc sống của người dân Mường Lò ngày một đổi mới. Để giữ gìn tài sản vô giá những điệu xoè - hồn dân vũ người Thái, những cô gái Thái, đang tiếp nhận hồn của từng điệu múa bằng chính tình yêu quê hương, đất nước. Ai đã một lần đến Mường Lò cùng với thiếu nữ Thái hoà mình vào những nhịp trống, bước chân rộn ràng của những điệu xoè, thưởng thức hơi rượu nồng ấm, cay cay và để câu hát “Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang về theo” sẽ còn quyến luyến mãi không rời!

Trần Minh

Các tin khác

Ngày 14-10, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, 100 tập phim sitcom mang thông điệp bảo vệ môi trường dưới góc nhìn giới trẻ với tên gọi “Hành trình xanh” sẽ được lần lượt phát sóng trên VTV1.

Ngày 15/10, được sự đồng ý và cho phép của Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hoà, và công ty RAAS sẽ tổ chức Lễ đón nhận và công bố quyết định của Văn phòng Chính phủ về việc được tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới năm 2010 (Miss World) tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Cao Thùy Dương đã từng tham dự một số cuộc thi sắc đẹp trong nước.

Bất ngờ trở thành đại diện cho Việt Nam tham dự Hoa hậu Quốc tế - cuộc thi sắc đẹp lớn thứ tư trên thế giới, Cao Thùy Dương tỏ ra rất tự tin khi biết mình sở hữu một vẻ đẹp lạ và những kinh nghiệm quý báu qua các cuộc thi nhan sắc trong nước.

Tưng bừng Lễ trao giải chương trình Đồ Rê Mí tối 12/10.

Đồ Rê Mí 2008 – Chương trình do Ban Thể thao – Giải trí – Thông Tin Kinh tế (VTV3) Đài Truyền Hình Việt Nam và Công Ty MultiMedia phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Công Ty Cổ Phần Sữa Việt Nam Vinamilk đã tạm chia tay khán giả với Lễ Trao Giải tưng bừng đêm 12/10.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục