Giữ mãi hồn Đường thi

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Câu lạc bộ Unesco Thơ Đường tỉnh Yên Bái được thành lập vào đầu tháng 5 năm 2007 và trực thuộc Câu lạc bộ Unesco Thơ Đường Việt Nam. Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có 13 hội viên nhưng qua hơn 1 năm hoạt động con số hội viên đã lên tới gần 30 người, đa phần hội viên là giáo viên nghỉ hưu. Người nhiều tuổi nhất đã 83 và ít cũng tới 60 tuổi nhưng mỗi nội viên của câu lạc bộ đều mang nặng tình yêu với văn chương, đặc biệt là tình yêu với một thể loại rất kén chọn người sáng tác và thưởng thức như thơ Đường.

Hoạt động văn nghệ của Hội người cao tuổi phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ.(Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy)
Hoạt động văn nghệ của Hội người cao tuổi phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ.(Ảnh: Nguyễn Ngọc Thủy)

Thơ Đường xuất hiện ở Việt Nam đã vài ba thế kỷ và được giới trí thức Nho học xưa rất ưa chuộng. Tuy bị ràng buộc chặt chẽ về niêm, luật nhưng thơ Đường vừa ngắn gọn, hàm súc mà ý tứ sâu xa. Trong quá khứ, thơ đường rất phát triển và cũng đã có nhiều hình thức sinh hoạt "chơi thơ Đường", trong đó nổi bật là hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông. Ngày nay, trong khi thú chơi này ít nhiều bị mai một vì không còn nhiều người tâm huyết thì sự ra đời của câu lạc bộ Unesco Thơ Đường tỉnh Yên Bái là một dấu hiệu đáng mừng trong việc giữ gìn nét văn hóa này.

Làm thơ không dễ, làm thơ Đường càng khó bởi từ câu chữ, vần luật đến kết cấu, đối ngẫu đều phải theo những quy định hết sức nghiêm ngặt. Do vậy, ngoài cảm xúc người làm thơ cần nắm rõ lý thuyết của thể thơ bác học này. Ngay từ ngày đầu thành lập, Câu lạc bộ đã xác định rõ mục đích, nhiệm vụ là góp phần khôi phục lại diện mạo thơ Đường, khuyến khích những người yêu và biết sáng tác thơ Đường đến với thể loại này nhiều hơn nữa.

Câu lạc bộ Unesco Thơ Đường tỉnh Yên Bái hoạt động rất tích cực với hình thức và nội dung sinh hoạt phong phú. Câu lạc bộ chia làm 4 tổ ở huyện Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ và 2 tổ ở thành phố Yên Bái với lịch định kỳ 1 tháng sinh hoạt tổ 1 lần và cứ 3 tháng thì tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ. Sôi nổi và thân mật là không khí quen thuộc trong mỗi buổi sinh hoạt của câu lạc bộ. Nội dung buổi sinh hoạt là đọc thơ, bình thơ, xướng họa rồi cùng trao đổi, góp ý và học tập lẫn nhau, quan trọng hơn là sự hiểu biết và gắn bó với thơ Đường của mỗi hội viên ngày càng sâu sắc...

Tạp chí "Thắp sáng thơ Đường" - ấn phẩm định kỳ của Câu lạc bộ Unesco Thơ Đường Việt Nam là một địa chỉ quen thuộc để mỗi hội viên câu lạc bộ gửi bài cộng tác. Dù hội viên nữ chiếm số lượng rất nhỏ trong câu lạc bộ nhưng tác phẩm của những tác giả này lại có tiếng nói rất riêng. Các hội viên nữ thường xuyên có những buổi trao đổi, học tập kinh nghiệm, bổ sung kiến thức cho nhau để làm thơ đúng niêm luật. Khi đến với câu lạc bộ, mỗi hội viên đều có mong muốn thể hiện cảm xúc, tiếng nói của mình gửi gắm vào trong thơ.

Bà Nguyễn Thị Gấm, hội viên mới của Câu lạc bộ tâm sự: "Tôi rất vui khi trở thành hội viên của câu lạc bộ vì có điều kiện trau dồi thêm hiểu biết về thơ Đường và thể hiện lòng say mê, yêu thích thơ Đường của mình với bạn bè". Có thể nói, những hoạt động của câu lạc bộ Unesco Thơ Đường Yên Bái vừa thiết thực trong việc gìn giữ một nét văn hóa lại vừa là một sinh hoạt bổ ích với những ai yêu thích thơ Đường.

Sau hơn 1 năm hoạt động có hiệu quả, Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ Unesco Thơ Đường Yên Bái quyết định tổ chức lễ ra mắt câu lạc bộ vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác hồ lên thăm Yên Bái. Sản phẩm tinh thần của toàn thể hội viên Câu lạc bộ là cuốn "Yên Bái Đường thi" đã được phát hành trong buổi ra mắt. 188 bài thơ được lựa chọn từ 380 bài thơ Đường luật của gần 40 tác giả xa gần trong tỉnh gửi về là những bài thơ tiêu biểu ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người Yên Bái. Hồ Thác Bà, dòng suối Thia, hang Thẩm Lé, cánh đồng Mường Lò, rừng ban Nghĩa Lộ... đã đi vào thơ Đường luật bình dị, tự nhiên mà vẫn đẹp lạ thường.

Hình ảnh cô gái vùng cao xuống núi cùng tiếng khèn gọi bạn khi mùa xuân đến hay hình ảnh lao động hăng say, miệt mài của người công nhân, nông dân là minh chứng cho sức sống mới đang từng ngày từng giờ thay da đổi thịt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một ánh trăng, một tia nắng sớm, một chút gió thu man mác se lạnh khiến mặt hồ lăn tăn gợn sóng đều gợi cảm xúc, thi hứng cho mỗi tác giả thơ Đường. Mượn xưa để nói nay, cũ để nói mới, các tác giả thơ không ngoài mục đích phê phán cái xấu, tôn vinh cái đẹp và mong muốn bản thân mình cùng con cháu sống tốt hơn, sống đẹp hơn. Có thể nói, nhân đạo là giá trị bao trùm tập "Yên Bái Đường thi".

Ngoài nội dung ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người Yên Bái, tập thơ "Yên Bái Đường thi" có số lượng không nhỏ những bài thơ ca ngợi công đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của con cháu, nhân dân các dân tộc Yên Bái đối với Bác. Bác không chỉ là người mang độc lập - tự do cho dân tộc mà còn là người thầy trên thi đàn. Chính vì thế mà mỗi hội viên trong câu lạc bộ luôn tâm niệm học tập và làm theo tấm gương của Người. Có thể thấy rõ điều đó trong nhiều bài thơ như: "Nhớ Bác Hồ" của Quang Bách; "Về thăm quê Bác", "Lòng dân nhớ Bác" của Đào Thị Nghi Dung; "Tháng năm nhớ Bác" của Nguyễn Văn Đính; "Bác về Yên Bái", "Nhớ Bác Hồ về thăm" của Hoàng Trọng Hiếu; "Nhớ lời Bác khuyên" của Phạm Sỹ Quang, "Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ thăm Yên Bái" của Nguyễn Văn Chiêu...

Chặng đường hơn 1 năm chưa phải là dài nhưng cũng đã đủ để đánh giá những thành công của Câu lạc bộ. Trong lời giới thiệu cuốn "Yên Bái Đường thi", đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã đánh giá: "Các tác giả thơ Đường không chỉ tập trung phản ánh niềm vui, phấn khởi, những thành quả đã đạt được mà còn tập trung ca ngợi công ơn to lớn của Đảng, Bác... và tập thơ còn mang ý nghĩa nghệ thuật là làm kho tàng thơ ca đa sắc màu dân tộc của tỉnh nhà phát triển phong phú hơn...".

Từ những kết quả đã đạt được, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã xác định kế hoạch và phương hướng hoạt động trong thời gian tới nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn nữa ảnh hưởng của thơ Đường đến với mọi người, đặc biệt là đến với các trường trung học phổ thông trong tỉnh - nơi giảng dạy thơ Đường trong chương trình Ngữ văn.

Với sự nỗ lực, cố gắng và lòng yêu mến thơ Đường của các hội viên, chắc chắn Câu lạc bộ Unesco Thơ Đường tỉnh Yên Bái sẽ đơm hoa, kết trái. Chính họ sẽ là những người lưu giữ và nuôi lớn tình yêu với Đường thi, để hồn Đường thi thấm đượm cùng vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Yên Bái.

Anh Thư

Các tin khác

Đồng hành cùng với Hoa hậu thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu quốc tế cũng là một trong những cuộc thi sắc đẹp lớn của hành tinh nhằm tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ. Mỗi một cuộc thi đều tìm kiếm những tiêu chí riêng, và với Hoa hậu quốc rế, các thí sinh sẽ là đại diện của sự hòa bình, của vẻ đẹp tâm hồn của tình bạn và tình hữu nghị.

Dương Tử Quỳnh trong chuyến đến Việt Nam tháng 3 vừa qua.

Ngày 30/10, diễn viên Hong Kong Dương Tử Quỳnh đến TP HCM với vai trò đại sứ thiện chí cho chiến dịch an toàn giao thông. Dự kiến, cô sẽ cùng đi với vị hôn phu Jean Todd, cựu giám đốc điều hành đội đua F1 Ferrari.

Từ trái qua: Triệu Vy, Trương Chấn, Kim Thành Vũ trên thảm xanh của LHP Tokyo lần 21.

Tác phẩm điện ảnh Xích Bích của Ngô Vũ Sâm đã được trình chiếu mở màn cho Liên hoan phim (LHP) Tokyo lần thứ 21 (18 đến 26-10-2008) tại Nhật Bản.

Ca sỹ Ngọc Anh đang tràn ngập hạnh phúc.

Với bài hát Hầu Xá Thượng - Mẫu cô bé Thượng Ngàn ở bảng phong cách âm nhạc dân gian, nghệ sỹ ưu tú Hồng Ngát đã đoạt Huy chương vàng một cách thuyết phục. Còn ở dòng nhạc nhẹ, ca sỹ Nguyễn Ngọc Anh cũng đã giành vị trí cao nhất với ca khúc Saving all my love for you.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục