Khai khẩn và canh tác ruộng bậc thang: Các nghi thức và tín ngưỡng
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) nổi tiếng với ruộng bậc thang. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, việc khai khẩn và canh tác ruộng bậc thang gặp không ít khó khăn đã hình thành các nghi thức và tín ngưỡng liên quan. Với các nghi thức và tín ngưỡng ấy, người Mông tin rằng sẽ hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro tác động đến con người nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
|
Đồng bào quan niệm động, thực vật xung quanh con người đều có phần hồn và phần xác. Phần xác là thực thể hiện hữu, bằng giác quan con người có thể nhận biết được; còn phần hồn cư trú trong phần xác là thế giới của ma, thần, Giàng… mà con người không thể nhận biết được bằng giác quan. Hai thế giới hồn, xác này tương phản nhau như ban ngày và ban đêm, sáng và tối. Đồng bào cũng quan niệm khác nhau về ma lành và ma dữ, bởi vậy các nghi thức, tín ngưỡng trong quá trình khai khẩn và canh tác ruộng bậc thang cũng khá phong phú và đa dạng.
Trong quá trình khai khẩn ruộng, không ít người gặp những tai nạn rủi ro như: bị đá lăn vào chân, vào người, bị rắn cắn, bị lợn rừng húc, bị dao phát vào chân… Những trường hợp như vậy, người ta quan niệm cái hồn của mình đã bỏ đi, do đó phải mời thầy cúng gọi hồn về. Thầy cúng người Mông phải là người già, được học nghề từ khi còn bé. Lễ vật chuẩn bị gồm có: một bát gạo, một chén rượu, một quả trứng, một que hương. Lễ vật được đặt ở góc ruộng của gia chủ có người bị nạn, đặt lên một mâm gỗ, con gà đặt ở giữa, xung quanh bày các thứ khác. Thầy cúng cầm que hương hua lên trời đọc bài cúng gọi hồn về nhập lại vào người bị hại để người đó tiếp tục công việc làm ăn. Cúng xong, bài cúng được thầy cúng nhúng vào rượu và đốt ngay tại ruộng.
Từ khai khẩn sang canh tác là bước chuyển biến quan trọng trong quá trình trồng lúa. Canh tác bao giờ cũng là khâu gặp nhiều khó khăn do các điều kiện bất lợi của thời tiết gây ra. Trong quá trình canh tác này, người Mông hình thành các hình thức tín ngưỡng giúp đồng bào ổn định về mặt tâm lý. Đầu tiên là nghi thức cầu mưa.
Canh tác ruộng bậc thang, người ta phải chờ mưa xuống đầy suối để qua mương máng dẫn nước vào ruộng thì mới có thể canh tác được. Năm mưa nhiều, năm mưa ít, năm cấy sớm, năm cấy muộn ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Năm nào quá tháng 4 âm lịch mà mưa chưa xuống thì người ta tổ chức lễ cầu mưa. Hình thức cầu mưa khá đơn giản: người đứng đầu bản thường là người già, quyên góp trong bản mỗi người một ít tiền, gạo. Sau đó, họ đi mua đồ cúng gồm có: gà, xôi, rượu, hương, giấy bản và làm lễ cúng tại chân ruộng hạn nhất. Khi bắt đầu làm lễ, tất cả các gia đình trong bản đều phải có người đại diện. Thầy cúng đọc bài cúng tấu nguyện vọng lên tới Giàng, cầu Giàng phù hộ cho tới đây có mưa sớm để canh tác, cày cấy. Năm nào trời hạn, người ta tiến hành lễ này để sớm có nước.
Cả năm làm mùa đến khi có bát cơm dẻo thơm, gia chủ dâng lên tổ tiên hưởng trước, người Mông tổ chức lễ mừng cơm mới. Lễ mừng cơm mới thể hiện sự kính trọng của con người đối với tổ tiên, ông bà. Sau vụ thu hoạch lúa vào tháng 10 âm lịch, gia đình nào cũng phải làm lễ. Việc tổ chức đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Những gia đình có nhiều ruộng, nhiều gia súc có thể giết trâu, mổ lợn, gà, mời tất cả những người thân tộc tới dự. Những gia đình chỉ đủ ăn, đủ mặc thì làm đĩa xôi, con gà để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, ông bà. Gia đình nào ít ruộng, đông con, cuộc sống không dư giả thì chỉ có bát gạo tẻ mới, chén nước, thẻ hương cũng được dân bản thông cảm. Và chỉ sau lễ cúng cơm mới, người ta mới có thể sử dụng thóc vào công việc khác.
Khi dâng lễ vật lên bàn thờ tổ tiên, người ta thể hiện sự thành kính, hiếu lễ rất cao và cầu mong sự phù hộ của tổ tiên, ông bà để vụ mùa tiếp theo no đủ.
Ngoài ra, người Mông còn quan niệm có ma bảo vệ hồn lúa và thường trú ngụ trên gác bếp - nơi để thóc, ngô. Ma này có nhiệm vụ phù hộ cho được mùa hoặc làm mất mùa, tùy theo thái độ của gia chủ. Con dâu và những người phụ nữ khác dòng họ không được lên gác. Khi chuẩn bị thu hoạch phải cúng ma để cầu mong ma che chở cho hạt lúa không bị vương vãi, về tới nhà cất lên gác không bị hư hỏng.
Trong tết Mông, lúc giao thừa, đồng bào cúng tổ tiên đồng thời cũng dán giấy đỏ vào các công cụ nông nghiệp như: cày, bừa, cuốc… cúng hồn các công cụ này năm qua đã giúp gia chủ làm ăn vất vả, đến nay màu đã được thu, gia chủ ăn tết và cúng "trả công" đồng thời cầu mong năm tới sẽ giúp gia chủ nhiều hơn nữa trong canh tác. Đồng bào Mông còn có nhiều kiêng kị liên quan đến mùa màng trong ngày tết như: không đổ nước vào bếp, vào chảo đun nấu vì sợ mưa nắng thất thường; ăn cơm không được chan canh vì sợ mưa nhiều hỏng lúa; không được khâu vá vì sợ sâu đục thân cây lúa.
A.T (sưu tầm )
Các tin khác
Ngôi sao Hollywood Meg Ryan vừa được thông báo nhận giải thành tựu trọn đời trong khuôn khổ giải thưởng Bambi uy tín của Đức, dành cho nữ diễn viên quốc tế xuất sắc nhất và sẽ nhận bức tượng của giải trong đêm gala 27-11.
Thật bất ngờ khi hiện nay 7 nhà cái đặt cược về cuộc thi HHTG 2008 đều có tên của người đẹp Dương Trương Thiên Lý (Việt Nam) ở Top 5.
Bộ phim Harry Potter and the half-blood prince (Harry Potter và hoàng Tử lai) hiện dẫn đầu danh sách 50 phim điện ảnh lớn nhất của năm 2009.