Phục dựng lễ cưới của người Giẻ-Triêng
- Cập nhật: Thứ năm, 9/7/2009 | 12:00:00 AM
Ngày 9.7, Ông Phạm Cao Đạt, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại tỉnh Kon Tum cho biết, ngành văn hóa tỉnh đã lần đầu tiên phục dựng được lễ cưới của người dân tộc Giẻ-Triêng (nhánh Triêng) tại làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum.
Đoàn nhà trai đi đón dâu.
|
Lễ cưới của người Triêng được chia thành 2 phần chính: lễ đám hỏi (Ta Vuy Treng) và lễ cưới (Che Chia). Theo phong tục của dân tộc Triêng, lễ hỏi được tổ chức vào ban đêm lần lượt từ nhà trai sang nhà gái và phải bí mật (chỉ có những người thật gần gũi với chú rể và cô dâu).
Theo quan niệm người Triêng vì sợ những người xấu bụng “lời ra tiếng vào”, tác động xấu đến tình cảm của đôi trẻ mà lễ hỏi mới phải bí mật. Tại lễ hỏi, người mai mối (Chekaăm la) khấn xin phép thần linh, bắt chéo hai cần rượu đưa cho đôi trai gái uống phép cùng với một con gà lớn là vật hiến sinh, và việc cắt cổ gà ở nhà trai phải được trao cho cô gái đảm nhận.
Sau khi tiến hành xong đám hỏi ở nhà trai, nhà gái đón nhà trai và người mai mối làm đám hỏi ở nhà mình. Theo phong tục, nếu đôi trẻ không ở cùng làng thì đám hỏi bên gái sẽ tiến hành vào đêm hôm sau. Từ đây, đôi trẻ sẽ có quyền gọi cha mẹ của 2 bên và xem người thân của 2 bên như của mình.
Lễ cưới được diễn ra sau lễ hỏi từ 7 - 10 ngày dưới sự giúp đỡ của cả cộng đồng trong làng. Theo tục lệ của người Triêng, thanh niên trong làng cùng vào rừng sâu, lên rẫy, ra sông bắt con dơi, con chuột, con chim, con mang, con cá… để chế biến, phơi khô chờ ngày đám cưới. Các cô gái thì thay nhau đi hái đọt măng, rau dớn, cây chuối non… và giúp cô dâu lấy củi.
Cô dâu chuẩn bị củi hứa hôn |
Theo quan niệm của người Triêng, đây là những thanh củi tình yêu, là tài sản hồi môn đặc biệt của cô dâu dành để sưởi ấm cho cha mẹ chồng khi giá rét.
Theo phong tục người Triêng, đám cưới không được đánh cồng chiêng. Đám cưới phải được tổ chức vào ban ngày, mở đầu bằng việc chuyển củi từ nhà gái sang nhà trai.
Lễ cưới được chính thức diễn ra dưới sự điều hành của người mai mối. Lợn phải do nhà trai chuẩn bị và đại diện nhà gái chọc tiết.
Cô dâu và chủ rể trong trang phục truyền thống Giẻ-Triêng |
Tại nghi thức này, mọi người đứng sau chạm tay vào áo người đứng trước và chạm vào người giữ con dao chọc tiết lợn với ý nguyện chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ và bản thân mình cũng được khỏe mạnh, hạnh phúc, no đủ.
Nhà trai tặng cho nhà gái một đùi sau của con lợn, ít gạo, muối, ớt và 1 bầu rượu để nhà gái gùi mang về.
Sau khi ăn uống no say, người mai mối tiếp tục tiến hành lễ Tặng lễ vật và nhà trai, nhà gái chúc nhau bằng hình thức đối đáp, giao duyên (còn gọi là Ning).
Theo phong tục, sau đám cưới nhà trai sẽ là đám cưới ở nhà gái. Nếu đôi trai gái không ở chung làng thì sau đám cưới nhà trai, 2 bên nghỉ 1 ngày rồi qua nhà gái tổ chức. Mọi lễ thức diễn ra tương tự ở nhà trai nhưng riêng lợn nhà gái chuẩn bị phải do nhà trai chọc tiết.
Sau khi tổ chức đám cưới, chú rể phải ở lại nhà gái 1 thời gian rồi mới đưa cô dâu về nhà mình ở hẳn.
Ngày đưa cô gái về nhà chồng, gia đình nhà gái thường tặng cho nhà trai 3 món quà gồm: cây cài cửa (Tạc hleng plo), giỏ muối để bếp (Bo tô plo) và con chó đưa chân (Cho yan Jôông).
(Theo TNO)
Các tin khác
YBĐT - Cũng như nhiều dân tộc anh em sinh sống trên dải đất hình chữ S, đồng bào Mông sinh sống ở vùng cao của phía Bắc Tổ quốc cũng có những tín ngưỡng riêng của mình. Một trong những tín ngưỡng đặc sắc và tiêu biểu đó là tục cúng “Ôn chít", có nghĩa là cúng tạ ơn xin lộc.
YBĐT - Đất quê bắt đầu khởi nghiệp từ ven sông Hồng, bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của tổ tiên, ông cha ta mà có. Ở mỗi miền quê trên đất nước Việt Nam hình chữ S này, người ta rất quý đất quê. Tuổi thơ tôi đã từng biết có những người sinh ra ở quê, lớn lên cũng ở quê, nhưng không hề có đất quê, hay nói cách khác: không có tấc đất cắm dùi. Đó là những người nghèo, rất nghèo của làng quê miền Trung nắng gió. Quanh năm họ làm ruộng thuê, ở nhờ đất của người ta lay lắt cho qua ngày đoạn tháng bằng cuộc sống khốn khó.
Con gái Paris Katherine của vua nhạc pop nức nở trên sân khấu và gọi anh là "người cha tuyệt vời nhất thế giới". Lễ tưởng niệm huyền thoại âm nhạc thế giới diễn ra tại sân vận động Staples Center (Los Angeles, Mỹ) lúc 10h35 phút ngày 7/7 (0h35 phút ngày 8/7 giờ Hà Nội).
Đến ngày 7-7, hạn chót bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới (giai đoạn 2) do Tổ chức New Open World khởi xướng qua website http://www.New7wonders.com, vịnh Hạ Long vẫn giữ vị trí đầu bảng G (gồm các di sản, danh thắng ở biển, bãi biển).