Tự hào sông quê
- Cập nhật: Thứ hai, 25/1/2010 | 2:46:47 PM
YBĐT - “Trong tim ai cũng có một dòng sông cho riêng mình…” - Câu hát ngọt ngào trong bài hát “Nhớ về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp khiến bao kỷ niệm thuở ấu thơ, nơi có con đò nhỏ sớm chiều đưa đón người dân quê qua sông, gắn với bờ ngô bãi mía và khúc sông quê yên ả bỗng ùa về sống lại trong tôi.
|
Thuở còn đi học, mỗi lần đi qua bến sông ấy, tôi được nội kể cho nghe những câu chuyện về sông quê, về bến sông đã đi vào lịch sử dân tộc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Những dấu tích của bến đò năm xưa vẫn còn đó và người lái đò đưa đoàn thuyền qua sông năm nào vẫn còn đây như một nhân chứng sống.
Ông Nguyễn Văn Điền, lão thành cách mạng ở thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, dù đã ở tuổi 85, song ký ức về thời trai trẻ vẫn luôn in đậm trong ông. Lật giở từng kỷ vật, ông Điền kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm trên bến sông quê lịch sử ấy.
Ngày đó, dưới thời đô hộ của thực dân Pháp, người dân quê ông đói nghèo và cơ cực. Trai làng bị bắt đi phu đi lính, nhiều thanh niên được giác ngộ đã sớm đi làm cách mạng, tham gia dân công, du kích và lực lượng chủ lực của địa phương. Người dân một lòng theo cách mạng, một lòng hướng về Bác Hồ.
Ông Nguyễn Văn Điền - lão thành cách mạng tham gia phân đoàn thuyền nan đưa bộ đội qua sông trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Làng Vạn Lâu thuở ấy (nay xã Âu Lâu) có vài chục gia đình. Cái làng chuyên sống bằng nghề chài lưới trên sông, không một tấc đất cắm dùi chẳng có mấy người được đi học, hay biết chữ.
Vậy mà ngày xã động viên nhân dân tham gia đưa đón bộ đội qua sông, cả làng không ai bảo ai đều đưa thuyền phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng. Làng Vạn Lâu khi đó thành lập ra 5 phân đoàn gồm: phân đoàn thuyền nan, phân đoàn xe ngựa, phân đoàn thợ may, phân đoàn lò rèn và công đoàn phà.
Hưởng ứng lời hiệu triệu toàn dân kháng chiến, khi mới 20 tuổi, ông Điền đã tham gia vào phân đoàn thuyền nan của xã làm nhiệm vụ đưa bộ đội qua sông. Không kể ngày đêm, mỗi khi có lệnh, phân đoàn thuyền nan lại sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ban ngày, người dân trong xã và bà con làng Vạn Lâu vẫn ngược xuôi kiếm sống trên khúc sông này, khi đêm xuống, cả một khúc sông dài hàng trăm mét lại tấp nập thuyền nan, lấp loá đèn dầu. Đoạn trên là bến thuyền đò của nhân dân đón đưa bộ đội; đoạn dưới là bến phà của đơn vị Cầu phà Yên Bái chuyên chở xe pháo, đạn dược. Mùa nước cạn, đêm đêm bộ đội, công nhân, dân công chung tay đẩy phà. Rạng sáng, những chiếc phà được giấu chìm sát bờ, thuyền đò của bà con lại ngược xuôi lo chuyện mưu sinh. Bến sông quê lại trở về với vẻ đẹp bình yên thơ mộng vốn có.
Chiến thắng Điện Biên Phủ, người dân Vạn Lâu tự hào có công mình đóng góp sức cho tiền tuyến. Bến sông quê năm nào nay đã vắng bóng những chuyến phà qua lại, thưa vắng đò ngang, nhưng bến Âu Lâu đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của quân và dân cả nước.
Phía tả ngạn sông Hồng, chính nơi bến phà lịch sử xưa, một tượng đài chiến thắng uy nghi đã được dựng lên ở đó như nhắc nhở con cháu hôm nay thêm tự hào về lịch sử dân tộc. Lớn lên trong cảnh đất nước thanh bình, lịch sử quê hương đi vào tiềm thức tôi lung linh như một huyền thoại. Sông quê vẫn mãi là niềm ngưỡng vọng của người dân quê tôi.
Thanh Lê
Các tin khác
Quà tặng cuộc sống là chương trình phim truyền hình thể loại hoạt hình ngắn nhất ở Việt Nam, thời lượng mỗi tập không quá 5 phút, sẽ phát sóng vào 21h20 hằng ngày trên VTV1, bắt đầu từ 25/1.
Khẳng định thương hiệu đặc sắc của mình, Festival Huế 2010 sẽ có sự góp mặt của hơn 40 đoàn nghệ sỹ đến từ 31 quốc gia trên khắp 5 khu vực. Lễ hội bắt đầu khai mạc từ ngày 5/6 đến 13/6/2010.
YBĐT - Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, "Ngày thơ Việt Nam 2010" năm nay sẽ được tổ chức với qui mô lớn hơn, địa điểm tổ chức nhiều hơn ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế…
Sáng 20-1, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và UBND TP Hà Nội đã chính thức công bố dự án “Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội”.