Người lưu giữ khèn bè Thái bằng tình yêu dân tộc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2010 | 5:42:25 PM

YBĐT - Chưa từng qua một khoá học nào về nhạc lý, thẩm âm chỉ bằng cảm giác, nghệ nhân Cầm Văn Ngoan ở bản Viềng Công, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn đã chế tác ra những chiếc khèn bè của dân tộc Thái như thế. Nhiều người nói ông có cái tài hoa của người nghệ sĩ, có chất đặc biệt của người nghệ nhân, nhưng ông chỉ dám nhận mình là người yêu văn hoá dân tộc Thái của ông.

Sinh ra từ bản, lớn từ bản, tiếng khèn bè Thái đã thấm vào máu thịt của rất nhiều người Thái như ông. Nhưng có lẽ hơn 30 năm chứng kiến bàn tay khéo léo của người cha chế tác ra những chiếc khèn bè đã thôi thúc ông sau khi cha mất phải tiếp tục kế thừa và lưu giữ cách chế tác khèn. Chưa kịp học hết kỹ thuật làm khèn từ cha, sau khi ông cụ mất, ông Ngoan đã tháo chiếc khèn của cha để lại, tự mày mò nghiên cứu tìm hiểu từng chi tiết, cách xử lý làm sao để âm thanh phát ra đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật.

 

Chế tác khèn bè đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo, và sự cầu kì trong khi làm cũng như sự tinh tường trong thẩm âm. Chỉ có một tình yêu đặc biệt với văn hoá Thái mới khiến người ta đủ kiên nhẫn chế tác khèn. Để có được những vật liệu làm nên chiếc khèn bè, nghệ nhân Cầm Văn Ngoan đã giành nhiều thời gian, công sức tìm kiếm những thân nứa tép làm mảy pao cho khèn. Có được những đoạn nứa chỉ vài chục phân này ông phải đi tới tận Suối Bu, Cát Thịnh, Đồng Khê lấy về. Từ những ống nứa tép đã được ông kỳ công chọn lựa mang về phới khô, hơ qua ngọn lửa, rồi bằng bàn tay khéo léo uốn thẳng ghép thành khèn thật không đơn giản. Kỹ thuật dùi 12 lỗ bấm đối xứng và khoét các lỗ thoát hơi với kích cỡ khác nhau trên những đoạn mảy pao cũng đòi hỏi sự chính xác đến tuyệt đối. Chiếc khèn có đủ 14 ống nứa tép, 1 bầu gỗ thừng mực và những lam đồng ghép lại. Khó nhất có lẽ là cách xử lý các lam đồng, từ độ dầy, độ dài, độ cong của lưỡi gà tới độ bóng của bề mặt, mới đảm bảo được âm thanh lúc trầm, lúc bổng, lúc da diết đến nao lòng. Chỉ nhỏ xíu như vậy thôi nhưng nghệ nhân phải mài đi rũa lại rồi thử, rồi lại tiếp tục rũa cho tới khi ông thấy chuẩn mới thôi, nhiều khi cả buổi sáng ông mới chỉ làm xong được 1-2 chiếc lam đồng.

 

Chiếc khèn bè của người Thái như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, dân tộc của người nghệ nhân. Nó là sản phẩm minh chứng cho sự phát triển trong lĩnh vực âm nhạc, là biểu tượng văn hoá tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào dân tộc Thái. Khèn bè được sử dụng làm nhạc cụ đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái. Mỗi khi tiếng khèn bè cất lên làm người nghe thấy da diết sâu lắng như tình yêu cháy bỏng mà người con trai gửi tới người con gái, lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo, tiếng gió hát. Tiếng khèn bập bùng như ngọn lửa làm xao xuyến lòng người. "Dậy đi em! Dậy đi em!/ Anh hồi hộp nâng khèn/ Trăng vàng sóng sánh/ Đầu khèn chạm vào hò hẹn/ Sao hôm đậu xuống mái nhà/ Đêm trở mình da diết nhớ sàn hoa/ Đầu khèn chạm vào đợi chờ/ Sao mai lung linh cửa sổ/ Đầu khèn chạm vào nỗi nhớ/ Trăng neo khau cút bâng khuâng/ Em như nàng tiên mùa xuân/ Bước ra từ câu khắp... ".

Ở vùng Mường Lò người biết chơi khèn bè rất nhiều nhưng chỉ còn duy nhất nghệ nhân Cầm Văn Ngoan nắm được cơ bản kỹ thuật chế tác khèn bè. Giữa bộn bề của cuộc sống hiện đại, ở một góc nhỏ tại bản làng của người Thái, nghệ nhân Cầm Văn Ngoan vẫn miệt mài lưu giữ chiếc khèn bè của người Thái bằng tình yêu dân tộc lớn lao.

 

Hoa Thuỷ Tiên

Các tin khác

Chuẩn bị cho quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng năm 2010 sắp diễn ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chịu trách nhiệm hoàn thiện Đề án tổ chức sự kiện này trình Chính phủ.

Các nghệ nhân truyền dạy hát Phưn cho lớp trẻ.

YBĐT - Lời ca trong điệu Phưn được người xưa sáng tác và truyền lại thật ví von, sâu lắng, trữ tình và mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

Dù nhận được số phiếu bình chọn khá cao ở trên mạng với 35%, nhưng người đẹp Hương Giang vẫn chỉ dừng lại ở Top 10 gương mặt đẹp của năm 2009 do Global Beauties bình chọn.

Cuộc khai quật này có ý nghĩa nhằm đánh giá và bảo vệ những giá trị lịch sử của kinh thành Hoa Lư xưa, một kinh đô tồn tại 42 năm, gắn liền với ba triều đại: Vua Đinh, vua Lê và vua Lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục