Khèn bầu của người Phù Lá
- Cập nhật: Thứ bảy, 6/2/2010 | 8:38:27 AM
YBĐT - Người Phù Lá hiện còn rất ít ở Việt Nam, chỉ sống tập trung ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc. Riêng ở Yên Bái có hơn 600 người sống tập trung ở Châu Quế Thượng, một xã nghèo vùng sâu, vùng xa của huyện Văn Yên (Yên Bái).
Thiếu nữ Phù Lá với cây khèn bầu.
(Ảnh: H.N)
|
Người Phù Lá có nhiều nét văn hoá độc đáo, từ trang phục, nết ăn, nết ở, đến sinh hoạt văn hoá. Người duy nhất biết làm khèn ma nhí đã mất, cả bản giờ chỉ còn duy nhất một chiếc khèn ma nhí, mà nó cũng mọt và không thổi được nữa.
Người ta không chỉ biết đến dân tộc Phù Lá (còn gọi là Xa Phó) ở Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên với nhiều loại nhạc cụ thuộc bộ hơi khá độc đáo là sáo tiêu, sáo cúc kẹ (sáo mũi), đặc biệt còn có khèn bầu (ma nhí) - đó là loại nhạc cụ mà âm sắc mang âm hưởng chung của miền núi phía Bắc, sôi động, da diết như khèn Mông, không trầm như đàn bầu. Khi tiếng khèn bầu vang lên như hoà với không gian kỳ bí và quyến rũ của thiên nhiên tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc.
Không biết khèn bầu (ma nhí) của người Phù Lá có từ bao giờ, có lẽ từ rất lâu rồi và xuất phát từ trong lao động sản xuất, sáng tạo. Bởi nơi cư trú của đồng bào Phù Lá xưa kia ở trên vùng núi cao, xa xôi cách trở. Hơn nữa, với đặc thù đồng bào Phù Lá sống du canh, du cư và tục bỏ mả. Do vậy, những lễ hội truyền thống lâu đời đã dần bị mai một nên chỉ tồn tại lễ nghi truyền thống trong các ngày lễ tết, cưới hỏi, ma chay... mà nhạc cụ được dùng chủ yếu trong những dịp này là khèn ma nhí.
Để làm được hoàn chỉnh một chiếc khèn bầu cần đòi hỏi rất công phu: hai quả bầu thuộc giống bầu đắng rất khó sưu tầm, 5 ống sậy hay còn gọi là cây sặt rỗng, khi làm phải chọn lựa ống kỹ lưỡng. Sau đó được các nghệ nhân chọn lựa, gọt giũa, đặt các lam đồng theo từng âm sắc riêng gắn với sáp ong ruồi vì nó có thể giãn nở ít ảnh hưởng theo thời tiết.
Bên cạnh đó, các quả bông làm đai gắn kết các ống sậy, những quả bông ngũ sắc trang trí gắn kết thành bè tam hợp (xanh, đỏ, vàng theo triết học cổ đại). Quả bầu hợp âm được thiết kế bé hơn quả bầu bè trầm.
Đặc biệt, để làm ra khèn bầu đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và sáng tạo của các nghệ nhân vì ở đó họ còn gửi vào những tình cảm của con người với thiên nhiên, con người với con người để khi ngân lên với những điệu múa, lễ nghi đầu xuân, tạ lễ, điệu múa cầu mùa (xesi), cầu năm mới (kêximá) hoà quyện vào thiên nhiên tạo nên một dòng chảy văn hóa tuyệt vời. Bên cạnh đó, khèn bầu được sử dụng trong ma chay, cưới xin nên việc khoét lỗ trên quả bầu gắn liền với tín ngưỡng dân gian, theo Nho giáo đó là ngũ hành âm dương. Khèn ma nhí dài 43 cm, cao 23 cm, đường kính của quả bầu to là 7cm, quả bầu nhỏ là 5 cm.
Khèn ma nhí cùng với sáo cúc kẹ là một trong những nét văn hoá độc đáo riêng của người Xa Phó ở Châu Quế Thượng. Là nhạc cụ thuộc bộ hơi, âm thanh phát ra do tác động của hơi vào các lưỡi lam đồng, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng chúng một cách thành thạo.
Hiện có nghệ nhân Đặng Thị Thanh ở thôn Nhầy, xã Châu Quế Thượng là người duy nhất có thể thổi được loại khèn này. Chị đến với khèn bầu thật tình cờ. 15 tuổi, mỗi buổi làm nương vất vả, chị phải ở lại lều canh nương. Trong những đêm như thế, chị vẫn thường nghe âm thanh gì đó rất lạ như lời của cây, của lá… thủ thỉ bên tai. Chính những âm thanh lạ mà quen đó đã đưa chị đến với một bà lão.
Chị không ngờ âm thanh huyền ảo bao ngày được nghe phát ra từ đó. Tò mò, háo hức, chị xin làm thử. Thấy chị có khiếu, bà cụ đã truyền dạy lại cho cách thổi. Từ đó, không một lễ hội nào trong bản, ngoài xã mà không có chị Thanh và cây khèn ma nhí. Tiếng khèn của chị còn bay xa, lan ra cả vùng Tây Bắc… Và nhờ đó, nhiều người Phù Lá ở Châu Quế Thượng, nhiều người dân ở Yên Bái và các tỉnh Tây Bắc biết đến một nhạc cụ rất độc đáo là khèn ma nhí.
Các dân tộc miền núi phía Bắc dùng khèn nhiều hơn, đặc biệt với người Mông, khèn như cơm ăn nước uống. Nó theo họ khắp nơi, lúc lên nương, xuống chợ hay lúc vui lúc buồn… Đối với người Phù Lá, chiếc khèn ma nhí cũng vậy.
Minh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Ai có dịp ghé qua vùng núi Tây Bắc, chắc hẳn sẽ được thấy những chiếc lướng của các bản người Thái. Bên dòng suối, những chiếc lướng nhẹ nhàng nâng lên hạ xuống hết ngày này sang ngày khác như một người nông dân hết mực cần mẫn.
YBĐT - Chưa từng qua một khoá học nào về nhạc lý, thẩm âm chỉ bằng cảm giác, nghệ nhân Cầm Văn Ngoan ở bản Viềng Công, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn đã chế tác ra những chiếc khèn bè của dân tộc Thái như thế. Nhiều người nói ông có cái tài hoa của người nghệ sĩ, có chất đặc biệt của người nghệ nhân, nhưng ông chỉ dám nhận mình là người yêu văn hoá dân tộc Thái của ông.
Chuẩn bị cho quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng năm 2010 sắp diễn ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chịu trách nhiệm hoàn thiện Đề án tổ chức sự kiện này trình Chính phủ.
YBĐT - Lời ca trong điệu Phưn được người xưa sáng tác và truyền lại thật ví von, sâu lắng, trữ tình và mang đậm tính nhân văn sâu sắc.