Nặng tình quê hương

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/2/2010 | 2:56:04 PM

YBĐT - Câu lạc bộ dân ca Hương Quê - thị xã Nghĩa Lộ được thành lập từ những năm 2001 – 2002, đến nay đã có gần 20 hội viên. Đó là nơi gặp gỡ, giao lưu, học hỏi của những người yêu dân ca và các bộ môn nghệ thuật truyền thống, có mong muốn gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hoá tinh thần của cha ông.

Diễn viên Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao Lục Yên học chơi đàn tính. (Ảnh: Thu Hạnh)
Diễn viên Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao Lục Yên học chơi đàn tính. (Ảnh: Thu Hạnh)

“Mường Lò gạo trắng nước trong” vốn là cái nôi sinh sống, quần tụ bao đời nay của đồng bào dân tộc Thái với đời sống văn hoá tinh thần rất phong phú và đặc sắc. Đó là quê hương của những điệu xoè, câu khắp nồng say khiến bao người mê đắm.

Cùng với thời gian và sự giao thoa văn hóa giữa những người miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới trên miền đất Tây Bắc, đất Mường Lò ngày nay đã vang lên những làn điệu dân ca quan họ, chèo, chầu văn… đậm chất dân ca đồng bằng Bắc bộ.

Xuân này, đất Mường Lò trở nên rộn rã hơn bởi trong dòng người trẩy hội xuân Tây Bắc có tiếng hát thiết tha gọi mời của những hội viên Câu lạc bộ (CLB) dân ca Hương Quê. Họ là những người từ các vùng quê Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang… lên Tây Bắc - Mường Lò công tác, sinh sống, cùng chung tay xây dựng quê mới từ những năm 1960, 1970. Song, điều gắn kết những con người ấy với nhau, cùng lập ra CLB dân ca Hương Quê là dù có đi đâu, làm gì thì trong tâm khảm họ vẫn có một quê gốc, nơi nuôi dưỡng tuổi thơ họ bằng những câu dân ca mượt mà, đằm thắm. “Một chốn hai quê”, những thành viên của CLB dân ca Hương Quê từ những vùng đất khác nhau tụ hội lại nhưng giờ đây, quê hương nào cũng gắn bó thân thiết.

Trên quê hương thứ hai – quê hương của đồng bào Tày - Thái, họ đã thực sự trở thành người con của đất Mường. Nếu không gắn bó, không yêu tha thiết mảnh đất này thì làm sao viết nên những câu hát gọi: “Mùa xuân này anh có vào Nghĩa Lộ / Đến với làng nghề dệt thổ cẩm quê em / Bên nếp nhà sàn em quay tơ dệt lụa / Em dệt tình đời, em dệt ước mơ”.

Gần 10 năm kể từ khi thành lập, đến nay, CLB dân ca Hương Quê đã trở thành mái nhà chung thân thiết của gần hai mươi hội viên. Tuy mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh, nhưng đến với CLB, mọi người vừa được toại nguyện sở thích hát dân ca, vừa là nơi có thể bộc bạch, chia sẻ những vui buồn, khó khăn vất vả.

Ban đầu, có người đến với CLB chỉ bằng niềm yêu thích câu hát chèo, thích câu quan họ giao duyên; có người đến để thỏa nỗi nhớ quê, để trau dồi thêm kiến thức, hiểu biết về dân ca, tự học chơi các nhạc cụ sáo, nhị, bầu hay đặt lời mới dựa trên các làn điệu dân ca ca ngợi cuộc sống, con người và những đổi thay trên quê mới. CLB thường xuyên tham gia các đợt biểu diễn do Trung tâm Văn hóa thể thao thị xã tổ chức...

Những hoạt động tích cực của CLB đã được ghi nhận qua nhiều bằng khen, giấy khen của Phòng, Trung tâm Văn hoá thị xã và những giải thưởng cao gặt hái được ở nhiều cuộc thi...

Ngoài lịch luyện tập “chuyên môn” cố định hàng tuần, CLB thường xuyên họp bàn, trao đổi để chuẩn bị tốt các chương trình tham gia giao lưu, biểu diễn. Trung tâm Văn hoá thể thao thị xã cũng thường xuyên cử cán bộ họp bàn với CLB, giúp đỡ về chuyên môn và động viên anh chị em tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương.

Điều dễ nhận thấy là các hội viên đều rất nhiệt tình và luôn mong muốn được gắn bó lâu dài với CLB. Để hội viên nào cũng có điều kiện tham gia sinh hoạt đều đặn, Ban chủ nhiệm và các hội viên thường xuyên tới từng gia đình thăm hỏi, động viên, giúp nhau ổn định kinh tế…

Niềm vui có được khi tham gia CLB đã giúp họ có đời sống tinh thần phong phú và có thêm động lực phấn đấu trong công việc cũng như trong cuộc sống. Dịp tết đến xuân về, nhớ quê xưa, họ lại cùng hát lên những câu dân ca quê nhà thắm nghĩa đượm tình.

Trong tiếng hát ấy có tấm lòng thương nhớ làng quê xưa và cả tình yêu với quê mới đang từng ngày thay da đổi thịt. Là một hội viên có nhiều tâm huyết và gắn bó với CLB ngay từ những ngày đầu, ông Nguyễn Đình Điệt - Phó chủ nhiệm đã có nhiều đóng góp trong việc gây dựng và phát triển CLB. Tuy bận rộn với công việc kinh doanh nhưng ông vẫn dành thời gian cho CLB, bởi tình yêu tha thiết với dân ca.

Là người chuyên đặt lời mới cho các tiết mục biểu diễn của CLB, ông Điệt đã đặt lời cho hàng trăm ca khúc theo các làn điệu chèo, quan họ, hát xẩm, chầu văn… Những lời mới ấy không đơn thuần là để ngợi ca cuộc sống, con người mà đó là tình cảm sâu nặng của những người con miền xuôi dành cho quê hương thứ hai của mình.

“Ai lên thị xã miền Tây
Đất trời sông núi cũng say lòng người…”

 Theo câu hát mời gọi ấy, xuân này vào với thị xã miền Tây, không chỉ để vui hội xòe hoa mà còn vui với câu hát dân ca thắm nghĩa đượm tình của những con người xa quê vẫn nhớ giữ lại “hương quê”.

Anh Thư

Các tin khác

“Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8, tại Văn Miếu - Hà Nội vào đúng ngày rằm tháng giêng, tức 28-2, sẽ là đại lễ hội thơ ca kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khẳng định như trên tại buổi họp báo được tổ chức chiều qua 23-2.

Cảnh trong phim

Tăng Thanh Hà cho biết, nếu như không có gì thay đổi, cô sẽ tiếp tục vai Trúc trong “Bỗng dưng muốn khóc” phần 2.

Đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy), tuyến đường mới phía tây thành phố Hà Nội.

Để Thủ đô sạch đẹp trước ngày Đại lễ và phục vụ các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Thủ tướng vừa có Công văn gửi các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương, các Tổng công ty và các cơ quan có trụ sở, nơi làm việc trên địa bàn TP Hà Nội.

Mùng 7 Tết là ngày mà theo truyền thuyết dân gian, người ta hạ nêu vì đã hoàn thành việc xua đuổi, bày trừ các thế lực xấu ra khỏi lãnh thổ của mình. Sau ngày mùng 7, mọi người phải ra sức, trở lại lao động bình thường, tạm chấm dứt

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục