Bếp lửa trong sinh hoạt và văn hoá tâm linh của người Khơ Mú

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/2/2010 | 3:15:11 PM

YBĐT - Dân gian có câu “Thái ăn theo nước, xá ăn theo lửa” có nghĩa là trong cuộc sống của người Thái nước là quan trọng, còn với người Khơ Mú (hay còn gọi là dân tộc Xá) thì lửa là quan trọng. Xuất phát từ truyền thống săn bắn hái lượm của tổ tiên người Khơ Mú mà trong cuộc sống của họ lửa đóng một vị trí quan trọng. Chính vì vậy mà bếp lửa là một phần quan trọng trong sinh hoạt và văn hoá tâm linh của người Khơ Mú.

Nhà sàn của người Khơ Mú là “nhà ba gian, bếp ba chiếc”. Ba chiếc bếp đặt ở những vị trí khác nhau trong nhà với những quy định, những điều kiêng kị hết sức nghiêm ngặt và thiêng liêng.

 

Chiếc bếp ở gian đầu tiên là bếp được sử dụng nấu ăn phục vụ cho nhu cầu trong sinh hoạt hằng ngày. Tại bếp lửa này, người Khơ Mú kiêng đồ xôi, nấu cơm phục vụ cho lễ Tết.

 

Chiếc bếp thứ 2 được đặt ở gian giữa, trung tâm ngôi nhà. Bếp này nhỏ hơn bếp phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Bếp được đặt dưới chân cột giữa nhà. Đây chính là nơi thờ tổ tiên của người Khơ Mú, hay còn gọi là bếp thờ. Bếp này là bếp quan trọng nhất trong 3 chiếc bếp của người Khơ Mú. Bếp thờ chỉ được châm lửa vào những ngày lễ Tết, ngày trọng đại trong gia đình như lễ sửa nhà, lễ cưới… Bên trên bếp thờ có một gác bếp nhỏ, theo quan niệm của người Khơ Mú thì đây chính là nơi ngự của tổ tiên. Có một cây tre, trúc nhỏ được nối từ bếp thờ lên gác bếp. Cây tre được buộc chính giữa bếp lửa, tại đây đặt rượu cần mỗi khi cúng tổ tiên.

 

Hôm nay, gia đình ông Vì Văn Nhàn ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn tổ chức lễ cưới cho con gái. Đây là lễ cúng rượu cần tại bếp thờ trong lễ cưới của gia đình ông. Trong khi ông cất lời khấn thì vợ ông ngồi bên cạnh để rót nước từ sừng trâu vào chum rượu.

 

Báo cáo với tổ tiên, ma nhà. Hôm nay là ngày tốt giờ đẹp, chúng tôi làm lễ rượu cần để báo cáo với các ông các bà, hôm nay con cháu nó về nhà chồng, từ giờ nó không còn thuộc ma này nữa…

 

Sau bài khấn của chủ nhà, mọi người trong gia đình, họ hàng uống rượu cần ngay tại gian bếp thờ cùng cầu chúc hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

 

Còn tại nhà trai, sau khi đón cô dâu về được đưa ngay vào gian bếp thờ, nơi những người có vị trí cao trong dòng họ đang ngồi để trình diện. Trước tiên là với tổ tiên của gia đình chồng – rằng từ nay đã là người trong gia đình để tổ tiên biết, phù hộ cho mạnh khoẻ, sinh được con trai con gái, làm ăn phát đạt. Sau là trình diện với gia đình và họ hàng nhà chồng.

 

Trong sinh hoạt của gia đình người Khơ Mú, tất cả những việc trọng đại của gia đình đều được tổ chức tại gian bếp thờ. Còn những ngày thường thì người Khơ Mú kiêng kỵ người lạ bước vào gian bếp thờ vì theo quan niệm của họ là dễ mang đến những điều không may mắn.

 

Ngày xưa, bếp thờ của người Khơ Mú luôn đỏ lửa. Họ quan niệm, như vậy mới thể hiện sự quan tâm của con cháu tới tổ tiên, và như vậy tổ tiên sẽ thường xuyên phù hộ cho gia đình. Giờ đây, hằng ngày, họ phải đi lao động, để đảm bảo không xảy ra hoả hoạn, họ không thắp lửa liên tục mà chỉ thắp lửa mỗi khi có lễ cúng.

 

Cũng chính tại bếp thờ này, những áng sử thi, những câu chuyện cổ, những làn điệu dân ca, những điệu múa của người Khơ Mú được họ truyền dạy nhau từ đời này qua đời khác, dưới sự chứng kiến của tổ tiên.

 

Chiếc bếp thứ 3 trong nhà người Khơ Mú nằm ở gian trong cùng. Bếp này dùng để đồ xôi, nấu cơm khi nhà có việc trọng đại. Xôi và cơm trong lễ cúng của người Khơ Mú chỉ được nấu trong gian bếp này. Chính vì vậy mà bếp có tên gọi là bếp xôi cơm. ở gian bếp này luôn có một chiếc ninh đồng dùng để xôi cơm. Chiếc ninh đồng này chỉ được dùng trong bếp xôi cơm mà không được sử dụng vào bếp nấu ăn trong sinh hoạt hằng ngày. Bếp này là thể hiện mong ước sung túc cho gia đình.

 

Quan niệm bốn góc nhà, ba góc bếp vẫn được người Khơ Mú gìn giữ cho đến ngày nay. Mỗi góc bếp đều có những luật tục riêng thể hiện trong đó là văn hoá rất riêng không lẫn với bất cứ dân tộc nào khác của người Khơ Mú.

 

Thanh Ba

Các tin khác
Diễn viên Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao Lục Yên học chơi đàn tính. (Ảnh: Thu Hạnh)

YBĐT - Câu lạc bộ dân ca Hương Quê - thị xã Nghĩa Lộ được thành lập từ những năm 2001 – 2002, đến nay đã có gần 20 hội viên. Đó là nơi gặp gỡ, giao lưu, học hỏi của những người yêu dân ca và các bộ môn nghệ thuật truyền thống, có mong muốn gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hoá tinh thần của cha ông.

“Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8, tại Văn Miếu - Hà Nội vào đúng ngày rằm tháng giêng, tức 28-2, sẽ là đại lễ hội thơ ca kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khẳng định như trên tại buổi họp báo được tổ chức chiều qua 23-2.

Cảnh trong phim

Tăng Thanh Hà cho biết, nếu như không có gì thay đổi, cô sẽ tiếp tục vai Trúc trong “Bỗng dưng muốn khóc” phần 2.

Đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy), tuyến đường mới phía tây thành phố Hà Nội.

Để Thủ đô sạch đẹp trước ngày Đại lễ và phục vụ các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Thủ tướng vừa có Công văn gửi các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương, các Tổng công ty và các cơ quan có trụ sở, nơi làm việc trên địa bàn TP Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục