Giỗ tổ Hùng Vương 2010: Quy mô nhất từ trước đến nay

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/2/2010 | 8:21:41 AM

Dù chưa vào dịp chính hội, ngay những ngày đầu xuân này tại Đền Hùng thiêng liêng, ngày cao điểm có tới 11.000 người đổ về đây dâng hương.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ lạc quan, về ngày quốc giỗ sẽ được tổ chức trang trọng, quy mô nhất từ trước đến nay.

Ngay sau khi Đền Hùng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2009, hàng loạt hạng mục công trình của khu di tích đã được đẩy nhanh tốc độ thi công phục vụ Quốc Giỗ và lễ hội mở đầu các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Khu sân vườn đền Thượng, nơi có đền thờ các Vua Hùng, các lối lên xuống và lan can bảo vệ được mở rộng, gia cố vững chắc hơn.

Khu vực thường được tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí ở chân núi Nghĩa Lĩnh đã hoàn thành hệ thống đường dạo, nhà ăn dịch vụ (có thể phục vụ cùng lúc 400 người). Hệ thống thùng rác, điện thoại công cộng, điện, nước, nhà vệ sinh, tất cả đã sẵn sàng phục vụ khách hành hương.

Hệ thống camera giám sát trật tự lễ hội, màn hình điện tử chiếu tư liệu về Đền Hùng và hướng dẫn du khách (do Viettel tặng) đã được lắp đặt. Các bãi gửi xe máy, ôtô đã được cơ quan chức năng và Công an Phú Thọ rút kinh nghiệm từ những năm trước, được kiểm soát giá vé, và tạo thuận tiện cho người gửi xe ngay tại các lối dẫn vào chân núi.

Trẩy hội Đền Hùng. Ảnh: Phạm Yên

Tại ngã năm đền Giếng, vườn hoa, đường dạo, hồ sen cảnh quan cũng vừa hoàn tất, cùng nhiều công trình văn hóa nghệ thuật độc đáo, trong đó có khu vườn tượng với những tác phẩm điêu khắc giàu chất tâm linh của các nghệ nhân trong nước và quốc tế.

Các tuyến giao thông chính từ chân Đền Hùng tỏa ra như đường Âu Cơ, đường Tả Thao, đường 32C, quốc lộ 70 đã hoàn thành sớm hơn dự kiến. Được biết, việc xây đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân giai đoạn 2, Quảng trường Hùng Vương giai đoạn 1, xây dựng Bảo tàng Hùng Vương và việc hạ giải tu tạo đền Trung sẽ hoàn thành trong ít ngày nữa.

Trong lúc những phần việc cuối cùng của cơ sở hạ tầng đi vào giai đoạn hoàn tất, hàng loạt hoạt động văn hóa, biểu diễn chuẩn bị phục vụ cho lễ hội cũng bắt đầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh: “Phú Thọ đã sẵn sàng cho ngày Quốc Giỗ”
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Doãn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho hay: “Chỉ còn hơn một tháng sẽ đến ngày khai hội. Tuy nhiên UBND tỉnh sẽ không để cho bất kỳ đơn vị thi công nào để lại chất lượng tồi ở mọi hạng mục. Chỉ có điều, giờ này nhiều phần việc quan trọng do Bộ VH-TT-DL đảm nhận vẫn chưa có câu trả lời mặc dù chúng tôi đã có văn bản đề nghị cho biết rõ.

Ban tổ chức và nhân dân Phú Thọ mong được biết lãnh đạo nào sẽ đứng chủ lễ (Tổng Bí thư hay Chủ tịch nước), trang phục, kịch bản ra sao. Là đồng trưởng ban tổ chức cấp nhà nước với Bộ trưởng VH-TT-DL, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị phương án cho mọi tình huống”.

Ông cho biết thêm, được đầu tư cho thiết chế tới hàng trăm tỷ đồng, và chỉ riêng việc tổ chức Quốc Giỗ năm nay tới gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ tu bổ Đền Hùng sau vài tháng thành lập đã gom được 100 tỷ đồng.

Chính vì giá trị văn hóa tâm linh nằm trong miền đất cội nguồn dân tộc, đồng bào cả nước và kiều bào nước ngoài hướng về Đất Tổ bằng đạo lý, bằng tinh thần, tình cảm đặc biệt. Con số gần 4 triệu lượt người hành hương về đây chỉ trong mười ngày lễ hội năm ngoái đã cho thấy nhiều điều.

Đền Hùng và Giỗ tổ Hùng Vương thực sự là ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Những năm tháng chiến tranh, chúng ta không có nhiều cơ hội để sắc lệnh năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh về Giỗ Tổ Hùng Vương đi vào hiện thực.

Năm nay, 63 tỉnh, thành sẽ góp giỗ, càng thể hiện tình cảm đặc biệt của cả nước với cội nguồn. “Với một tỉnh còn nghèo, tôi tin Phú Thọ sẽ sớm đuổi kịp nhiều tỉnh bạn với sự góp sức từ kinh tế du lịch. Trọng điểm từ không gian văn hóa Hùng Vương, tới rừng Xuân Sơn, sinh thái Thanh Thủy... đang được đầu tư khá mạnh, đã có dấu hiệu làm kinh tế du lịch thành công”, ông Nguyễn Doãn Khánh phấn khởi.

* Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Doãn Khánh cho biết, không gian văn hóa Đất Tổ Hùng Vương hy vọng trở thành di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2015.

Có nhiều căn cứ để hy vọng điều đó trở thành hiện thực sớm hơn ba năm. Hát Xoan đã được Hội đồng Di sản Nhà nước đánh giá cao, cần phải bảo vệ khẩn cấp. Hồ sơ sẽ sớm được gửi tới UNESCO, trong đó đủ tư liệu khẳng định Việt Trì là “thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” (duy nhất ở nước ta).

* Bắn pháo hoa đêm mùng 9-3 (âm lịch) tại hai địa điểm với thời lượng 15 phút sẽ được quân đội đảm nhận. Tỉnh Đoàn Phú Thọ cho biết có 300 đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia phục vụ dịp lễ hội cùng lực lượng nhiều ngàn người của những cơ quan chức năng khác.

* Trung tâm báo chí phục vụ các nhà báo trong dịp lễ hội đã được hoàn thiện với cơ sở hạ tầng hiện đại, đặt tại Sở Thông tin - Truyền thông.

(Theo TPO)

Các tin khác

Liên hoan Xiếc quốc tế Anbacete lần thứ ba diễn ra tại Tây Ban Nha từ ngày 18 đến 22-2, có 80 nghệ sĩ đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Người dân và du khách đến Đà Nẵng sẽ có cơ hội thưởng lãm các tiếc mục đặc sắc nhất của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

“Trong vòng 3 năm tới, tại TP Đà Nẵng sẽ hoàn tất công trình rạp xiếc hiện đại bậc nhất khu vực Châu Á” - NSƯT Phạm Văn Xuyên, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết.

Trong 100 chiếc trống đồng này, một chiếc có hình 1.000 con rồng sẽ được đúc tại Đền Hùng vào ngày Giỗ tổ năm 2010 với đường kính mặt trống 1 m, chiều cao 83 cm.

Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp đang tích cực chuẩn bị cho Hội báo Xuân Việt Nam 2010 tại Pháp. Hoạt động này do Bộ Thông tin và Truyền thống tổ chức từ chiều 27/2 tới 7/3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục