Khắp “Báo sao” điệu hát giao duyên đặc sắc của người Thái

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/4/2010 | 9:37:28 AM

YBĐT - Lòng chảo Văn Chấn - Mường Lò, quê hương của người Thái cần mẫn và giàu tình cảm. Đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều bài dân ca đặc sắc và những điệu xòe tuyệt đẹp.

Trên sàn Hạn Khuống. (Ảnh: Thành Trung)
Trên sàn Hạn Khuống. (Ảnh: Thành Trung)

Văn Chấn - Mường Lò có trên 10 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc ở đây lại có một kho tàng âm nhạc với những sắc mầu độc đáo của riêng mình. Trước hết phải nói đến dân ca Thái. Dân ca Thái được gọi chung là khắp Thái (hát Thái), là những bài hát, những làn điệu trữ tình được các thế hệ lưu giữ, phổ biến và truyền khẩu, tồn tại, hiện hữu tại cộng đồng cho tới bây giờ. Khắp Thái có đến hàng chục loại. Tùy nội dung, đề tài với cuộc sống mà có tên gọi khác nhau. Ví như nói về lao động, sản xuất nông nghiệp, người Thái có điệu khắp “Loong tông” (hát xuống đồng). Loại hát “Loong tông” có đến năm, bảy làn điệu phù hợp, phản ánh công việc khác nhau. Cũng như vậy khắp Thái còn khắp “Sài peng” (hát tình tự); khắp “Bươn hai” (hát động viên); khắp “Bắc”, khắp “Chiêu” (hát dạng hò), rồi nữa khắp “Bái sư” (hiểu như ngâm thơ)... Dồi dào, phong phú là thế nhưng vẫn là chưa đủ nếu không kể đến một hình thức, một loại khắp nữa, đó là khắp “Báo sao”.

Khắp “Báo sao”, tiếng Thái là hát trai gái. Khác hẳn các loại khắp nói trên, khắp “Báo sao” là một loại hát chỉ dành cho trai gái giao lưu, gặp gỡ, lễ hội, mục đích tìm hiểu, giãi bày, tỏ tình, đôi khi để kể lại, than vãn với nhau khi gặp phải những oan trái, chia ly. Vậy nên, khắp “Báo sao” trở nên độc đáo, đặc sắc nhất, được giới trẻ ưa thích trong đời sống văn hóa tinh thần.

Khắp “Báo sao” cũng có nhiều làn điệu, tùy nội dung, hoàn cảnh, sự việc cần tâm sự, tỏ bày cùng bạn tình mà vận dụng. Quá trình sử dụng làn điệu, trai gái Thái có thể hát lời cũ, lời cổ, cũng có thể ứng tác lời mới để dễ cảm thông, dễ hiểu nhau hơn. Ví như muốn được yêu, họ mở lòng:

... “À ơi, hay chăng nàng, ước mong khát khao
Anh muốn cùng với em về cùng một mái nhà, nàng hỡi
Ta quấn quýt nhau như tằm kéo tơ
Cớ sao nàng còn chần chừ, hỡi nàng...”

(Theo điệu khắp “Sài peng” trong loại khắp “Báo sao”)

Thường thì các bài khắp được mở đầu bằng câu “À ơi, ầy dơ, xúm à ơi, các xúm ơi, panh ới v.v...”. Đó là tiếng lấy đà, tiếng đệm. Khi đã thương yêu nhau, tin ở tương lai hạnh phúc thì sự ví von trong lời tỏ tình được nâng lên. Điệu “Quắn khắp báo sao chôm căn” (lời hát trai gái mừng nhau) chẳng hạn:

“... Ầy dơ, anh như trái tơ hồng
Quấn cây non vươn tới
Ầy dơ, cây rau cải là em đấy
Biết chăng người thương ta ơi
Vươn lên như rừng xanh
Cải sẽ nở muôn hoa vàng chói...”

Khắp “Báo sao” không chỉ giãi bày, tỏ tình mà còn là lời trách phận vì những bất hạnh cuộc đời khiến họ không được chung sống cùng nhau. Mượn giai điệu của khắp, vừa dễ thể hiện lại, vừa vơi bớt nỗi buồn chăng? Thành ra trong tình yêu trai gái, vui cũng hát, buồn cũng hát. Đây chính là nét độc đáo, đặc sắc, tạo nên những bài khắp phong phú, trữ tình đi vào lòng người. Xưa kia, người Thái bị bọn phìa, tạo áp bức, bóc lột, về phương diện quyền được yêu của nam nữ cũng bị chúng can thiệp, cướp đoạt. Người Thái đã phản ánh điều này trong “Xống chụ xôn xao”, trong “Tản chụ xống xương”.

Khắp “Báo sao” là loại hát trai gái, thể hiện trên nương, ngoài ruộng, đầu nhà sàn, cũng có thể ở nơi “Xên bản, Xên mường”, nơi có sàn “Hạn khuống”. Bây giờ, trai mường gái bản ít hát cặp mà họ thường giao lưu nơi cộng đồng, hát cùng lúc nhiều cặp, hình thức vì thế có đổi thay. Ví như sự tỏ tình thầm kín cá nhân trước đây thì tại cộng đồng ngày nay, lối hát chuyển sang thách đố, giải đố mang tính tập thể (phần nhiều chủ yếu là giao lưu, giải trí). Đi vào đặc điểm âm nhạc, khắp “Báo sao” thường cấu trúc một đoạn và hát đi hát lại nhiều lần, mỗi lần một lời khác nhau. Nếu ghi theo cách hát có nhiều nốt không nằm ở khoảng 1/2 cung mà nằm ở 1/4 cung - những nốt phụ hát mềm, nhanh, không nhấn mạnh như trong ký âm pháp phương Tây. Nhịp điệu khắp Thái không khuôn phép, vận dụng khá tự do. Khắp “Báo sao” mang chủ đề tình yêu. Vì vậy, tính chất âm nhạc đa dạng, phong phú, mượt mà, làm rung động tâm hồn giới trẻ.

Ở Văn Chấn - Mường Lò, những đêm  “Hạn khuống”, những dịp lễ hội “Xên bản, Xên mường” hoặc tết đến, xuân về, mừng nhà mới, cưới xin, đấy chính là nơi, là dịp những điệu khắp vang lên. Trong những điệu khắp đó không thể thiếu vắng khắp “Báo sao”, loại hát trai gái Thái đặc sắc nơi này.

Bùi Huy Mai

Các tin khác
Lễ hội Gióng tại đền Sóc, Hà Nội.

Ngày 20-4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong đời sống xã hội đương đại, trường hợp hội Gióng”.

Nghệ sĩ Đức Lưu và Bùi Cường trong vai Thị Nở và Chí Phèo (Phim: Làng Vũ Đại ngày ấy)

Hãng phim truyện Việt Nam và Phương Nam Phim vừa hợp tác phát hành đĩa DVD 50 tác phẩm điện ảnh kinh điển của lịch sử điện ảnh Việt Nam nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Lần đầu tiên, một bộ phim truyện nhựa (dài) của Việt Nam sẽ xuất hiện tại Cannes, LHP danh tiếng nhất thế giới. Bộ phim đầu tay của đạo diễn Phan Đăng Di, “Bi, đừng sợ!” sẽ trình chiếu tại hạng mục International Critics Week (Tuần phê bình quốc tế) trong khuôn khổ LHP này, diễn ra từ ngày 12-23/5.

Bộ phim Harry Porter phát hành DVD được bán khá chạy.

Sau khi phát hành thành công những bộ phim nổi tiếng của hãng Warner Bros, vào cuối tháng 4 này, Phương Nam Phim sẽ tiếp tục bắt tay phát hành DVD những bộ phim “ăn khách” thế giới của 20th Century Fox . 2 tựa đầu tiên là “Marley and me” và “Bride Wars”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục