Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ!
- Cập nhật: Thứ tư, 28/4/2010 | 9:32:46 AM
YBĐT - Tôi lấy câu thơ trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên để làm tiêu đề cho bài viết - kết quả chuyến đi Tây Bắc của mình trong đầu năm 2010 này. Cho đến giờ phút này, nhớ lại cuộc hành trình Tây Bắc, tôi càng thấm thía câu thơ của Chế thi sĩ. Tây Bắc, có biết bao điều khiến lòng người xúc động. Những tên gọi gợi lên trong tôi cả một bề dầy văn hoá và lịch sử.
Đoàn văn nghệ sĩ Yên Bái bên tượng đài chiến thắng Mường Phăng.
|
Từ vùng đất bốn mường
Nói đến Tây Bắc có lẽ không ai không nhắc tới câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Bốn địa danh được xếp loại ấy là 4 cánh đồng. Có lẽ dân gian đã lấy tiêu chí về rộng, hẹp để xếp loại nhất, nhì…Còn riêng tôi, tôi thấy mường nào cũng đều xứng đáng nhất cả. Bốn mường ấy là kết quả của một công cuộc khai thiên lập địa vĩ đại của người dân Tây Bắc, đồng thời cũng là nơi tích tụ cả một bề dầy văn hoá và lịch sử của người Thái Tây Bắc.
Theo một câu chuyện cổ Thái thì ải Lậc Cậc (Bố khổng lồ) đã khai phá Mường Thanh làm ruộng mạ, sau đó vỡ thêm 3 mường (Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc) làm ruộng để cấy lúa. Bốn mường ấy nay được chia đều cho 4 tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La. Từ đó mà người Thái có ruộng để cấy, dân tộc Thái sinh sôi, phát triển và tạo nên cả một bề dầy văn minh lúa nước khác với nền văn minh lúa nước của vùng châu thổ sông Hồng. Câu tục ngữ “Thái ăn theo nước” có lẽ phát tích từ đó.
Trải qua quá trình lịch sử, người Thái có sự hội nhập trong cộng đồng các dân tộc Việt
Đến xứ sở Hoa Ban
Nói đến Tây Bắc không ai là không nói tới hoa ban. Tôi lên Tây Bắc lần này đúng vào mùa hoa ban đang nở rộ. Những bông hoa 5 cánh màu trắng, nhị màu hồng, gân màu tím, búp hoa như búp tay của người con gái Thái tuổi trăng tròn. Một vẻ đẹp vừa sáng trong, vừa dịu mát, trữ tình. Nhưng muốn hiểu hết hoa hoa ban thì phải biết hoa ban đã gắn bó thân thiết đến như thế nào với con người Tây Bắc. Câu chuyện tình yêu vừa lãng mạn, thuỷ chung vừa bi thương của người con trai, con gái Thái được tưởng tượng thành nguồn gốc hoa ban. Không biết hoa ban có từ bao giờ, là loài hoa nội địa hay ngoại nhập? Nghe các nhà khoa học nói, hoa ban có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc kéo dài tới tận ấn Độ. Nhưng kể cả là như thế đi thì khi hoa ban nhập tịch vào Tây Bắc Việt Nam nó đã trở thành thứ hoa mang đầy bản sắc Tây Bắc. Người Thái Tây Bắc coi dân tộc mình đã sinh ra thứ hoa này. Không mấy loài hoa lại có một truyền thuyết hay như thế về nguồn gốc của nó. Không những thế, hoa ban còn đi vào đời sống thường nhật của con người. Người Tây Bắc còn gọi đó là hoa rau, hoa thuốc. Bát canh hoa ban ngọt ngào, vị thuốc hoa ban thơm thảo phải chăng cũng đã góp phần làm nên cái điệu tâm hồn riêng của người con gái Thái. Vậy thì sao không gọi Tây Bắc là xứ sở hoa ban, cũng như thế giới đã từng gọi nước Nga là xứ sở Bạch Dương, nước Nhật là xứ sở của Anh Đào, Hà Lan là xứ sở của tulíp, Bungari là xứ sở của Hoa Hồng…
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay dạt dào chín trái đầu xuân
Đó là cảm giác của tôi khi đến thăm nhà ngục Sơn La và công trình thuỷ điện Sơn La. Nhà ngục Sơn La đã đi vào lịch sử như một vết nhọ trên khuôn mặt của chủ nghĩa thực dân và như một vết son chói lọi của những người cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù xâm lược. Thực dân Pháp đã xây dựng nhà ngục này từ năm 1908 để giam cầm những người tù cộng sản. Trong vòng 15 năm (từ năm 1930 đến 1945), đã có 1013 lượt chiến sỹ cộng sản bị giam cầm tại nhà ngục này. Nhìn những gì còn sót lại của nhà tù sau hơn một thế kỷ: những bức tường đá dầy cộp, những xà lim tăm tối, những bệ xi măng nhỏ hẹp, những chiếc cùm sắt đủ nói lên nơi đây thực sự là một địa ngục trần gian, một thứ “quan tài nắp mở” để thủ tiêu ý chí đấu tranh giành độc lập tự do của những người cộng sản. Nhưng chúng không thể ngờ rằng chính cái địa ngục trần gian này lại trở thành trường học cách mạng vĩ đại, bồi dưỡng cho Đảng ta những chiến sỹ cộng sản ưu tú. Ngay cả những người đã ngã xuống thì phẩm chất và ý chí kiên trung vẫn sống mãi như cây đào mang tên Tô Hiệu giữa nhà ngục vẫn lên xanh, tươi tốt.
Công trình thuỷ điện Sơn La, cách trung tâm thành phố chỉ vài chục cây số, bao gồm một hồ chứa khổng lồ với diện tích 224km2 đủ sức nước cho 6 tổ máy với công suất 2.400MW tạo nên một nguồn điện hàng năm tới 96,429 tỷ KWh, thuộc loại nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam á. Hai hình ảnh: Nhà ngục và nhà máy thuỷ điện tưởng chừng như trái ngược nhau ấy lại thực sự cùng toát lên một bản lĩnh, một ý chí Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ và lao động xây dựng đất nước.
Và chỉ ngần ấy thôi, Tây Bắc đã làm rung động trái tim tôi với biết bao cung bậc. Tôi sẽ trở lại, nhất định sẽ trở lại, để được như “Nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai/ Chim én gặp mùa…”.
Hiền Lương
Các tin khác
Người đẹp đăng quang cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 năm nay sẽ sở hữu giải thưởng trị giá 500 triệu. Tuy nhiên, Hoa hậu và Á hậu sau khi đăng quang sẽ phải trích 20% giá trị giải thưởng ủng hộ quỹ từ thiện hoặc quỹ khuyến học của tỉnh Quảng Ninh và các hoạt động xã hội khác của ban tổ chức.
“Nếu anh muốn những tấm ảnh của anh rung động lòng người thì trước hết anh hãy nhỏ vào đó những giọt mồ hôi, thậm chí cả những giọt máu của mình nữa”. Câu nói nổi tiếng được một khán giả nhắc lại có lẽ cũng là cảm nhận của nhiều người sau khi đến xem triển lãm Những khoảnh khắc lịch sử diễn ra từ nay đến hết 30-4 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Tác phẩm điện ảnh “Nhìn ra biển cả” - bộ phim về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được chiếu khai mạc đợt chiếu phim kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, do Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL tổ chức, bắt đầu từ ngày 29-4 đến 20-5 tới.
Sáng 23-4 (tức mùng 10 tháng Ba năm Canh Dần), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết làm Chủ lễ đã diễn ra trọng thể theo nghi lễ cấp Nhà nước.