Nơi dòng sông gặp biển
- Cập nhật: Thứ tư, 26/5/2010 | 8:49:23 AM
YBĐT - Bạn đọc Yên Bái biết đến Ngọc Chấn qua tập thơ “Vĩ thanh người lính”, “Miền đất tôi yêu”, bây giờ lại được đón đọc tập thơ mới của anh: “Nơi dòng sông gặp biển” (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin - năm 2010).
Ba mươi chín bài thơ, vẫn cái giọng điệu “lơ ngơ” của người thơ “phiêu diêu chiều mơ” ta gặp ở các tập thơ trước:
Sương giăng, trăng mơ, mờ đồng nội
Cõi người, cõi Phật, đất trời cỏ cây
Chộn rộn bước chân vương vương tóc mềm
Lá đêm thơ thới bay vào nhân gian.
(Tưởng tượng)
Phiêu diêu mà rất tỉnh, chiêm nghiệm cuộc sống giúp anh nhận ra rằng “Đất quá nhiều dâu bể, Núi sao nhiều truân chuyên”. Nhưng không phải vì thế mà chán nản, từng là sĩ quan xe tăng rồi đi làm báo, chứng kiến bao vui buồn nhân gian để càng thêm tin “Đã qua mùa hạ, Vẫn còn mùa đông, Đò bơi sang sông, Vẫn còn bến lở, Dấu xưa còn đó, Để ta tìm về”. Thơ Ngọc Chấn nói nhiều đến sông, một dòng chảy trong tâm tưởng dẫu cạn lòng còn lắng lại phù sa cho đời. Yêu sông, hiểu sông “Đến tột cùng sóng dữ, mới thấy sông hiền hoà” và nguyện:
Suốt đời sông mải miết
Đến tận cùng biển khơi.
(Nơi dòng sông gặp biển)
Là người đi nhiều, mỗi miền đất đặt chân đến hầu như đều được ghi lại: “Gửi Sài Gòn”, “Gửi mùa thu Hà Nội”, “Lên thành Tuyên”, “Một chút gì Đà Lạt”, “Ghi ở Cần Thơ”… Đa tình và sâu nặng lắm, ngọt ngào như người yêu nói với người yêu:
Anh không ngủ để nghe Sài Gòn thức
Trong sâu thẳm của một miền ký ức
Tim nói được điều gì trước im lặng của người xa.
(Gửi Sài Gòn)
Còn nơi chôn rau cắt rốn - làng Nhuế, phủ Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ thì sao mà da diết. Hai bài thơ “Làng” và “Làng Nhuế” dường như tác giả nói đã thành thơ. “Làng như con thuyền nhô ra mặt sông”, “Ngoảnh mặt về phía biển ta gặp làng bên trái”, “Ta lớn lên từ làng nhờ bờ bãi, bắp ngô non lót dạ trưa hè”.
Hiện thực pha chút lãng du, thơ Ngọc Chấn nhiều câu tình tứ “Tre xanh sao cứ la đà, Đong đưa một chút cho ngà ngà say” hay “Nắng mưa một chút ưu phiền, Để cây mượn cớ trao duyên cỏ mềm”. Dẫu đôi khi thật đến thô tháp mà cái tình vẫn cứ vượt lên, như để khẳng định một giọng điệu riêng, một hồn thơ gắn bó với đời.
Thế Quynh
Các tin khác
Ngày 24-5, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ VH-TT-DL cho biết, cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP - Liên đoàn Ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam 2010, bộ 10 ảnh đen - trắng của Việt Nam mang chủ đề “Vượt khó” đã đoạt huy chương vàng với tổng số 269 điểm, xếp sau bộ ảnh đoạt Cúp vàng của Scotland (275 điểm), tiếp đến là bộ ảnh đoạt huy chương bạc của Australia (250 điểm) và bộ ảnh đoạt huy chương đồng của Ukraine (249 điểm).
Ngày 24-5, Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội tổ chức hội nghị báo cáo tình hình triển khai thực hiện chương trình kỷ niệm 1.000 năm và nghe trình bày kịch bản hoạt động kỷ niệm trong đêm đại lễ 10-10.
Các tác phẩm điện ảnh tiêu biểu sẽ được trình chiếu trong dịp này, nhằm giới thiệu những giá trị văn hoá đặc trưng của đất nước Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
LHP Cannes danh giá lần thứ 63 năm 2010 đã khép lại với những tiếng ngợi khen của bạn bè quốc tế giành cho châu Á nơi Cành Cọ Vàng thuộc về một bộ phim của Thái Lan.