Bữa cơm gia đình
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/6/2010 | 8:52:55 AM
YBĐT - Trong những ký ức về gia đình, quê hương thì bữa cơm gia đình có lẽ là ký ức sâu đậm nhất trong tâm trí của chúng ta. Bữa cơm gia đình gắn liền với đời người ngay từ ngày con người còn tấm bé.
Ảnh minh họa.
|
Ngay từ ngày còn tấm bé trong bữa cơm gia đình, mẹ ta vừa ẵm ta vừa xúc bột cho ta ăn. Ta đã là thành viên trong bữa ăn gia đình ngay từ những ngày thơ bé ấy. Lớn lên tí nữa, ta biết bưng bát, cầm muôi chan canh, cầm đũa chọc chọc bát cơm, rồi xúc cơm ăn cùng với người lớn, có khi xúc được một hột cơm vào miệng thì chín hột rơi xuống đất, nhưng rồi ta cũng quen dần đi, những lần sau không đánh vãi nữa. Ta làm sao quên được những bữa cơm gia đình hồi khó khăn thiếu đói, mỗi người chỉ được xới một lưng cơm độn khoai nhưng bố mẹ, ông bà, anh chị đã nhường cho ta một bát cơm đầy trắng muốt. Ta làm sao quên được bữa cơm gia đình những trưa hè cả nhà trải chiếu dưới giàn mướp bên cầu ao.
Gió nam ngoài cánh đồng thổi về mang theo hương lúa, rung rinh những cánh hoa vàng. Dưới cầu ao, từng đàn mương nổi, mương chìm lượn lờ hớp hớp những cánh hoa mướp rụng. Bát canh cua mồng tơi với mướp hương mẹ nấu thơm phức, ngọt ngào. Quả cà nén giòn tan. Cơm gạo mới đầu mùa lại thêm món tôm kho cha ta ngày ngày xuống ao đổ bối. Những con tôm trứng được vặt râu kho lên co lại như hình chữ “sờ sỏ lợn”.
Quên làm sao được những bữa cơm gia đình mỗi chiều đông giá rét cả nhà quây quần bên ổ rơm. Cái mâm hồi ấy là cái mâm gỗ từ thời các cụ xưa để lại. Cũng có khi mâm là một cái sàng, cái mẹt. Mâm cơm có rau muống luộc chấm mắm tép ngọt lừ và một niêu cá quả, cá rô kho mặn. Mẹ bảo ăn cơm là chính, thức ăn chỉ để đưa cơm. Một miếng cá, một bát cơm cơ đấy! Thức ăn là phải ăn dè. Lúc ấy ta đã là anh học trò dài lưng tốn vải, ăn bốn năm bát chưa no. Cái cơm gạo mẹ nấu sao mà dẻo thơm làm vậy! Miếng cá mẹ kho vừa bùi vừa ngậy. Mẹ bảo rằng cá đừng có kho xác. Kho khô nhưng còn độ ẩm. Khi mở vung niêu cá ra ta vẫn còn nghe thấy tiếng xèo xèo nhưng nghiêng đi không thấy nước. Cá kho khô nhưng còn giữ được độ dẻo, độ ngậy mới ngon. Ôi, cái mùi thơm của cá rô đồng kho niêu đất với lá mơ thuở thiếu thời - dẫu ta có đi cuối đất cùng trời - vẫn có thể nhận ra.
Có thể nói rằng, đời người chính là sự tiếp nối của những bữa cơm gia đình đầm ấm. Con người ta lớn lên vì những bữa cơm ấy. Nếu không có những bữa cơm gia đình, chắc hẳn ta không thể lớn nổi thành người. Bởi vì những gì tinh tuý của đất trời, những gì chắt lọc từ đất quê, từ hương đồng gió nội, từ nắng sương và giọt mồ hôi mặn chát của ông bà, bố mẹ ta và của dân làng đã làm nên chất bổ dưỡng và hương vị thơm ngon, ngọt ngào trong những bữa cơm gia đình đầm ấm. Các cụ bảo rằng: “Ăn vóc, học hay”. Vâng, nhờ những bữa cơm gia đình, con người ta lớn lên về sức vóc. Cũng nhờ những bữa cơm gia đình, con người ta còn lớn lên cả về tâm hồn, trí tuệ.
Bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn. Bữa cơm gia đình còn là trường học đã dạy con người ta bao nhiêu điều nhân nghĩa ở đời. Ông bà, bố mẹ thường dặn con cháu: “Ăn phải nhai, nói phải nghĩ”, “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân...”. Trước bữa ăn phải mời người trên. Trong bữa ăn phải quan tâm đến mọi người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Phải làm sao để mọi người ai cũng được ăn những món ngon, ai ăn cũng được ngon miệng. Ăn uống phải ý tứ. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Đó là lễ giáo, đó là gia phong, đó là nét đẹp truyền thống của người Việt ta được truyền từ đời cha ông cho đến đời con cháu. Nhờ những bữa cơm gia đình đầm ấm mà các thành viên trong gia đình luôn luôn được cảm thông, chia sẻ, gắn bó với nhau hơn để an ủi nhau, động viên nhau, khích lệ nhau phấn khởi, vươn lên trong cuộc sống.
Gia đình, có thể là một xã hội thu nhỏ. Hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu gia đình thì thành một xã hội lớn. Có thể nói không ngoa rằng, bữa cơm gia đình góp phần xây dựng nên một xã hội lành mạnh, một xã hội không có ma tuý, mại dâm và các loại tội phạm khác, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Thiệt thòi biết bao cho những ai (vì lý do nào đó) mà không được hưởng những bữa cơm gia đình đầm ấm. Thiệt thòi biết bao cho những ai đang có một gia đình đầm ấm mà lại không biết chăm lo cho bữa cơm đầm ấm gia đình!...
Phạm Minh Giang
Các tin khác
Sau hơn một thời gian vận động và tuyển chọn, BTC cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010 đã thu hút được một lượng thí sinh đông đảo ở cả trong và ngoài nước nộp hồ sơ dự thi.
Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 2010-2020 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Nếu là người mê hoa và có dịp đến Rome vào tuần thứ hai của tháng sáu, bạn sẽ có cơ hội ghé thăm thị trấn Genzano nhỏ bé để tham gia Festival hoa vô cùng đặc biệt ở nơi đây.
YBĐT - Trong số ba cơ quan báo chí của tỉnh, hiện tại chỉ Tạp chí Văn nghệ Yên Bái là cơ quan báo chí không có phóng viên. Toàn bộ Ban biên tập là biên tập viên phụ trách các mảng: thơ, văn, nhạc, họa, ảnh, văn nghệ dân gian…, kiêm nhiệm làm Thư ký toà soạn, Tổng biên tập, Phó tổng biên tập Tạp chí. Nhiệm vụ phóng viên chỉ là phân công theo từng thời điểm, đề tài, phản ánh cụ thể nội dung do số tạp chí đặt ra. Cũng vì vậy, một biên tập viên – phóng viên văn nghệ, hiếm khi người ta bắt gặp tác giả có quá hai bài viết trong một kỳ xuất bản.