Chi hội Văn hoá dân gian: Nòng cốt bảo tồn văn hoá và phát triển du lịch
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/7/2010 | 2:46:38 PM
YBĐT - Chi hội Văn hoá dân gian (VHDG) trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái hiện có 27 hội viên. Hầu hết các hội viên là dân tộc ít người hoặc số ít là người Kinh, nhưng tất cả đều đã và đang làm công tác liên quan đến nghiên cứu bảo tồn VHDG.
Truyền dạy chữ Dao cổ cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Dao ở Văn Chấn.
|
Số hội viên không phải là cán bộ thuộc lĩnh vực văn hoá thì hầu hết là các nghệ nhân VHDG hoặc dân tộc ít người, có hiểu biết sâu rộng về vốn văn hoá truyền thống, có niềm đam mê nghiên cứu sưu tầm và bảo tồn VHDG. Những nét đặc thù ấy đã tạo lợi thế rất quan trọng trong nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn văn hoá và đưa VHDG tham gia vào phát triển du lịch.
Những hội viên là người dân tộc Tày có thể coi như những chuyên gia nghiên cứu bảo tồn văn hoá Tày, phải kể đến các ông: Hà Đình Tỵ, Hà Lâm Kỳ, Hà Bích Thảo, Hà Ngọc Thuỷ, Nguyễn Thự, Hoàng Tương Lai, Mã Đình Hoàn…Hội viên có những nghiên cứu chuyên sâu về VHDG tộc người Thái gồm có: Lò Văn Biến, Phạm Đức Hảo, Hoàng Thị Hạnh, Bùi Huy Mai, Trần Vân Hạc, Điêu Thị Xiêng, Lù Thị Pầng. Mảng văn hoá dân tộc Nùng có Địch Ngọc Lân; VHDG Mông có nghệ nhân dân gian Giàng A Su; văn hoá dân tộc Dao có Lý Kim Khoa, Đặng Phương Lan; bảo tồn VHDG của người Xa Phó có nghệ nhân dân gian Đặng Thị Thanh…
Từ những hạt nhân văn hoá này đã để lại nhiều công trình đầy giá trị trong nghiên cứu bảo tồn VHDG và phát triển du lịch. Vùng Mường Lò với nét đặc sắc của 6 điệu xoè Thái cổ, nhiều loại hình dân ca dân vũ khác và lễ hội được khôi phục đã có sự góp công rất lớn của nghệ nhân Lò Văn Biến. Ông Lò Văn Biến còn là trường hợp hiếm hoi ở vùng này biết các dạng văn tự Thái cổ và có công dịch nhiều thư tịch Thái cổ, truyền dạy chữ Thái cổ cho thế hệ trẻ ở Mường Lò. Các lễ hội hay dân ca, dân vũ, dân nhạc của người Mông ở Trạm Tấu được phục dựng nhờ có sự góp công đắc lực của ông Giàng A Su. Nhiều công trình biên soạn, dịch thuật quan trọng của các hội viên Chi hội VHDG phải kể đến các tập: “Dân ca dân tộc Tày”, “Mo đẳm”, “Mo khoăn”, “Khắp thống Tày”, “Nôm Tày” của Hà Đình Tỵ; Hà Lâm Kỳ chủ biên các tập: “Mỗi nét hoa văn”, “Từng vuông thổ cẩm”; Phạm Đức Hảo có tập “Suối nước mắt”; Bùi huy Mai có tập “Cay húc Nậm Xia”, “Văn hoá dân gian các dân tộc ở Văn Chấn”; Hoàng Việt Quân với tập “Tìm hiểu dân ca Mông”; Hoàng Thị Hạnh với các tập: “Lễ cúng vía của người Thái”, “Văn hoá ẩm thực của người Khơ Mú”, “Văn hoá ẩm thực của người Thái”.
Về sưu tầm dịch thuật nôm Tày phải kể đến tập “Lượn pụt Mường Lai” của Nguyễn Thự; dịch nôm Tày “Hát quan làng” và “Trường ca Khảm hải” của Hoàng Tương Lai. Nghệ sỹ ưu tú, biên đạo múa Hà Bích Thảo đã sưu tầm múa dân gian và dàn dựng được 15 tiết mục múa dân gian đoạt giải tại nhiều hội diễn. Hội viên Hoàng Vân Mai đã làm luận án thạc sỹ khoa học về “Địa danh cổ của dân tộc Thái ở Mường Lò”. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn đơn lẻ khác về VHDG của nhiều tác giả được đăng tải trên báo, tạp chí chuyên ngành.
Trong những năm gần đây, các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai đang xúc tiến mạnh mẽ chương trình “Du lịch về cội nguồn” và chính các hội viên của Chi hội VHDG đã trở thành lực lượng nòng cốt cho tỉnh phác hoạ nên toàn cảnh tiềm năng VHDG gắn với du lịch về cội nguồn. Bản thân nhiều hội viên đã có công lớn, trực tiếp làm nên sức hấp dẫn, sức sống cho du lịch văn hoá ở một số tuyến du lịch như tuyến phía đông hồ Thác Bà; tuyến du lịch sinh thái, văn hoá dọc theo sông Hồng mà tâm điểm là khu vực Văn Yên; tuyến du lịch Mường Lò (Văn Chấn, Nghĩa Lộ) đang là điểm đến hấp dẫn du khách bởi cảnh quan và yếu tố đa sắc màu văn hoá; vùng văn hoá Mông ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải cũng đang tạo nên sức hút kỳ thú bởi những bí ẩn văn hoá đang được khám phá…
Trong tương lai, nếu như có một chiến lược phù hợp trong sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn VHDG, đặc biệt là có cơ chế chính sách thoả đáng trong phát huy vai trò nòng cốt của các hội viên Chi hội VHDG, những người yêu thích nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn VHDG, chắc chắn sẽ có thêm nhiều gam màu tươi sáng hơn cho “bức chân dung VHDG” các dân tộc ở Yên Bái. Đồng thời, nó cũng sẽ tạo nên động lực góp phần làm cho du lịch Yên Bái cất cánh bay xa.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Cùng với 24 chân dài trong cả nước, á hậu Việt Nam toàn cầu Hương Giang đã lọt vào đề cử Giải thưởng Người mẫu Việt Nam (Viet Nam Models Award - VMA) lần 3 - 2010. Cô cũng được đánh giá là ứng viên "nặng ký" nhất cho giải thưởng năm nay.
Kế hoạch này vừa được thay đổi sau khi Hà Nội nghiên cứu các yếu tố liên quan. Khai mạc Đại lễ 1.000 năm, Hà Nội sẽ bắn đại bác chào mừng, cùng với đó là một chương trình diễu binh, diễu hành có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Dự án phim 3D đầu tiên của Việt Nam vừa được công bố. Đó sẽ là một phim chiếu tết 2011 do Galaxy studio kết hợp với LBT Film thực hiện.
Sáng nay, 14-7, Báo Tiền Phong - đơn vị chủ quản, Thường trực Ban tổ chức Cuộc thi tiến hành họp báo công bố những thông tin mới nhất về sự kiện văn hóa lớn trong năm: Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam – Nghìn năm hương sắc”.