7 chuyện chưa kể về đêm diễn của NSND Y Moan
- Cập nhật: Thứ hai, 9/8/2010 | 8:10:25 AM
Như chẳng hề có căn bệnh hiểm nghèo đang tàn phá trong ông, NSND Y Moan trong đêm nhạc “Ngọn lửa Cao Nguyên” đã cháy bùng mãnh liệt, lan tỏa đến tất cả người xem và đặc biệt là bạn bè, đồng nghiệp xuất hiện bên cạnh ông.
1. Vị khách đặc biệt. Một vị khách đặc biệt yêu cuồng nhiệt giọng ca Y Moan đã in phóng hình tấm vé đêm liveshow đầu tiên và cũng có thể là cuối cùng của người NSND lên tấm bạt khổ lớn.
Người khách này đến đêm diễn khá sớm và gây chú ý ngay từ bên ngoài lối vào Nhà hát Âu Cơ, với việc căng tấm bạt ngang ngực. Sau một hồi, ông gọi nhạc sĩ Nguyễn Cường lúc đó cũng đang có mặt ở sân và nhắn: “Tôi làm tấm bạt này đấy, tí nữa có việc”. Nguyễn Cường ngắm một hồi rồi vỗ tay. Có một điểm đáng chú ý trên tấm bạt này là hình nhà sử học Dương Trung Quốc. Nhiều người nhìn mà cứ nghĩ mãi không hiểu vì sao nhà sử học cũng "tham dự" vào "tấm vé"…
Vị khách đặc biệt được nhạc sĩ Nguyễn Cường vỗ tay khen ngợi về ý tưởng in tấm bạt của mình. |
2. Màn nhung mở ra. Lê Minh Sơn một bên, Y Moan một bên nhưng tiếng guitar và lời hát thì quyện lẫn. Giấc mơ Chapi ngân vọng bằng cả âm thanh hình thể vóc dáng một người nghệ sĩ đã bao lần ôm đàn lên đỉnh núi Chư Prông
Y Moan lại bắt đầu đi tìm lời ru, đi tìm nữ thần mặt trời bằng giọng ca khỏe khoắn, rực lửa như lúc còn ngực căng vạm vỡ.
Cuộc hành trình với nghệ thuật 35 năm của ông không sợ hao gầy, không ngại gian khổ, không ngán những bước đường rừng hoang vu... Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Tất cả dậy tiếng vỗ tay ca ngợi. Y Moan nói: Đây không chỉ là vinh dự cá nhân ông, mà còn là của cả cộng đồng người Ê đê, Gia Rai đã sinh ra ông, cưu mang ông, đọng vào hồn ông, đọng vào lời hát ông.
Y Moan được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. |
Đêm 6/8, giữa Thủ đô Hà Nội, nơi đã dạy cho ông “biết ăn đũa hai đầu, biết nói, biết nhìn thấy ánh sáng”, ông có một liveshow đầu tiên trong cuộc đời, liveshow mà chưa cần vén màn nhung tất cả đã phải nghiêng mình trước tình yêu âm nhạc và những cống hiến của ông.
3. Siu Black. “Em xin lỗi anh Moan. Có thể đêm nay là đêm… mình hát cùng nhau, nhưng mà em mong rằng anh sẽ làm thêm một đêm nữa. Anh không cần hát, anh chỉ cần ngồi đấy thôi, em nhìn thấy anh là được”. Siu nói mà lời nghẹn ứ. Có một chữ “vực” (vực bệnh) mà chị nói đứt quãng và một hồi mới kết lại được: “Em mong anh bình an”!
Với Siu Black, Y Moan là ngọn lửa cao nguyên không bao giờ tắt. |
|
4. Mỹ Linh. "Anh Moan đã làm được điều phi thường. Một người khỏe mạnh hát được một đêm diễn đã là khó nhưng anh Moan đang mang bệnh mà còn hát hay hơn bình thường, bình thường anh ấy hát đã vô cùng hay".
"Bài hát Em hát Ayray anh em mình đã hát cách đây 14 năm ở Trung tâm Giảng Võ. Sau 14 năm anh Moan vẫn hát hay, rực lửa và nồng nàn. Hãy hô to lên Y Moan, Y Moan...!”, Mỹ Linh khơi dậy, cả ngàn người dưới ghế đỏ cũng hô lên: “Y Moan, Y Moan…!”
NSND Y Moan và ca sĩ Mỹ Linh với ca khúc Em hát Ayray. |
5. Phương Thanh. "Ai cũng xúc động, nếu xúc động như thế này, anh Moan sẽ phải cười bởi trong mỗi trái tim ai cũng hơi nặng nề vì rất là thương anh Moan. Phương Thanh sẽ phá không khí một chút xíu cho đỡ nhìn nhau khóc cười, buồn lắm! Nói chung Phương Thanh rất vui khi anh Moan đang rất hạnh phúc. Nhưng ngược lại Phương Thanh hơi buồn một chút. Em buồn vì điều gì? Vì hồi nãy anh Cường (nhạc sĩ Nguyễn Cường) hát hơi chệch nhạc”, Phương Thanh nói và tất cả phá lên cười. Vâng, vui buồn lẫn lộn!
6. Nhạc sĩ Nguyễn Cường. "Rất nhiều nhà báo đã thắc mắc hỏi tôi một câu: Anh là người Hà Nội sao anh lại đam mê với Tây Nguyên, đến với Tây Nguyên với một tình yêu mạnh mẽ như thế? Và tôi đã viết bài hát Đến với Cao Nguyên như một sự trả lời cho câu hỏi đó. “Vì một bình minh rừng thu sương tan, vì một trường ca, trường ca Đam San. Vì một tình yêu, tình yêu miên man, qua mênh mang đồng cỏ, tôi đến đây với Cao Nguyên, Cao Nguyên”. Và bài hát sau khi được viết ra, thì người hát xuất sắc nhất đó chính là Y Moan. Anh hát như một điệu hát ru, rất mạnh mẽ và cũng rất dịu dàng. Tôi đã viết 3 lời cho bài hát này. Nếu hôm nay viết thêm một lời nữa, tôi sẽ viết rằng: "Vì một bình minh rừng thu sương tan, vì một trường ca, trường ca Đam San. Vì một giọng ca, giọng ca Y Moan, qua mênh mang đồng cỏ, tôi đến đây với Cao Nguyên, Cao Nguyên”.
Vì Y Moan, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã đến với Cao Nguyên.
7. Nhà sử học Dương Trung Quốc. Hết giờ diễn tất cả quây lại bên Y Moan, tặng hoa, ôm hôn… Ông bạn già có tấm bạt in hình Y Moan cầm bạt đi khắp sân khấu, ông xin từng chữ ký của những người bạn của Y Moan, những người tham gia đêm diễn cùng Y Moan. Và đến khi Nhà sử học Dương Trung Quốc ký lên tấm bạt ấy cũng là lúc mọi người hiểu vì sao trên tấm bạt có hình ông Quốc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc ký lên tấm bạt của người khán giả đặc biệt. |
Ông Dương Trung Quốc đến đêm diễn không chỉ vì sự mến yêu dành cho giọng ca đại ngàn mà còn vì những kỷ niệm với Y Moan. Ông nói: “Khi Y Moan ở nhà Nguyễn Cường, tôi là em rể Nguyễn Cường, thì Y Moan đã từng bế con gái tôi. Cháu nay đã lớn, có gia đình riêng và rất tiếc là cháu đã không có mặt để xem liveshow đặc biệt này của Y Moan. Nếu bạn thấy mắt tôi ngấn lệ thì cũng là điều bình thường thôi mà, ai ở đây cũng có chung cảm xúc đó dành cho Y Moan".
Giọng ca của NSND Y Moan sẽ mãi ngân vang cùng đại ngàn Tây Nguyên. |
|
Hết giờ diễn, Y Moan lùi sâu vào cánh gà rồi lặng lẽ phải sớm chia tay mọi người vì sức khỏe không cho phép ông ở lại thêm. Nhưng nhiều người yêu ông thì vẫn ở lại. Để tiếp tục say với tình yêu Cao Nguyên...
(Theo VTC)
Các tin khác
Cô gái quê Thái Bình sinh viên ĐH Thương mại đã bất ngờ vượt qua 36 thí sinh Hoa hậu Việt Nam, giành ngôi vị cao nhất cuộc thi Người đẹp biển diễn ra tối 7/8 tại Tuần Châu, Quảng Ninh.
Ngày 6/8, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của 923 đại biểu nhà văn trên cả nước. Đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đến dự và chỉ đạo Đại hội.
Cả gia đình ca sĩ Y Moan Enuol đã tề tựu đông đủ ở Hà Nội. Nhiều bạn bè nghệ sĩ nổi tiếng tham gia trong chương trình ca nhạc đặc biệt mang tên “Ngọn lửa cao nguyên” tặng riêng ông cũng đang lần lượt có mặt để chuẩn bị cho buổi diễn công phu, xúc động, vào đêm 6-8 sắp tới.
Hội nghị thường niên của Ủy ban di sản thế giới của UNESCO diễn ra từ ngày 25-7 đến ngày 3-8 (giờ Sao Paolo, Brazil), đã công nhận 21 di sản thế giới khác, trong đó có Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam.