Đặc sắc lễ cưới của người Xa Phó
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/1/2011 | 2:01:53 PM
YBĐT - Mùa xuân. Mùa hoa nở. Mùa của lễ hội. Mùa của bao gái trai người Xa Phó (xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên) tìm nhau... Và rồi, khi đã nhận ra một nửa của nhau, đã ưng nhau và khi tình yêu đã như ánh trăng hôm rằm, họ rủ nhau về xin phép mẹ cha để được chung sống dưới một mái nhà...
Thiếu nữ Xa Phó bên suối.
(Ảnh: Thanh Chi)
|
Với dân tộc Xa Phó, hôn nhân là việc hệ trọng, là bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi con người nên nghi lễ cưới rất cẩn thận, chu đáo. Nghi lễ này thực hiện theo ba bước: lễ dạm ngõ, lễ hỏi và lễ cưới.
Lễ dạm ngõ: Bố mẹ và ông mờ (ông mối) cùng người con trai đến nhà cô gái nói chuyện. Lễ vật có một con gà, hai lít rượu, một ống cá suối (phải là cá sỉnh hoặc cá gấu ở suối Vàng). Nếu nhà gái đồng ý, chàng trai sẽ đến nhà cô gái ở rể khoảng hai đến ba hôm để khẳng định tình yêu của mình.
Lễ ăn hỏi: Nhà trai chuẩn bị lễ vật là một con lợn, một đôi gà, một ống cá suối, gạo nếp, gạo tẻ và một ít rượu. Khi sang nhà gái, nhà trai phải tự chuẩn bị thực phẩm, gia vị để nấu nướng và nấu xong phải tự bưng lên mời nhà gái. Trong bữa ăn, ông bác họ của nhà gái sẽ thách cưới lễ vật đối với nhà trai.
Khi làm cơm, nhà trai phải chuẩn bị một mâm cơm riêng để đặt trước “cửa ma” nhà cô gái. Sau khi thách cưới xong, nhà trai và nhà gái sẽ cùng làm lễ trước "cửa ma". Mẹ chàng trai trao chiếc vòng tay mà mình đang đeo cho cô gái, có nghĩa là đã nhận con dâu. Bên nhà gái, chị dâu hoặc ông chú đeo chỉ vào cổ chàng trai, đánh dấu là con rể của gia đình và họ bên nhà trai cũng buộc chỉ vào cổ cho con dâu. Tiếp đó, chàng trai và cô gái cùng vào bàn thờ vái tổ tiên. Trước khi cưới, cô gái phải tự sắm chăn, màn, nồi xoong, gạo, thóc, lợn, gà... làm của hồi môn và nhà trai cũng phải sắm đủ lễ vật, nếu không nhà gái sẽ không đồng ý.
Lễ cưới: Nhà trai mang lễ vật đầy đủ đến nhà gái và mổ lợn làm mâm cơm mời nhà gái. Khi nhà trai đến gần cửa nhà gái, nhà gái đóng cửa lại và ông mờ sẽ phải hát đối đáp cho đến lúc nhà gái đồng ý mở cửa cho nhà trai vào. Vào nhà, nhà trai phải đứng để hát đối đáp với nhà gái đến khi nhà gái đồng ý mới được ngồi xuống chiếu sau khi chiếu đã được lật phải (trước đó, nhà gái trải chiếu mặt trái) và uống nước, nói chuyện. Khi ngồi vào mâm uống rượu, họ hàng nhà gái sẽ ngồi một mâm và nhận lễ vật của nhà trai, nếu nhà gái nhận đủ thì mới cho đón dâu.
Đến giờ đón dâu, nhà gái có một mâm cơm thịnh soạn và một chiếc bát đựng chỉ. Họ nhà trai sẽ buộc chỉ cho cô dâu và họ nhà gái buộc chỉ cho chú rể với ý nghĩa là con của ông bà thì ông bà phải giữ lấy, nếu đứt dây mà về nhà tôi thì tôi không chịu trách nhiệm. Rồi cô dâu và chú rể buộc chỉ cho nhau.
Buộc chỉ xong, nhà gái được ngồi vào mâm đó, mừng tiền cho cô dâu trước khi về nhà chồng để làm vốn. Khi dâu ra cửa, nhà gái đóng cửa lại, ông mờ nhà trai phải hát đối đáp cho đến khi nhà gái đồng ý cho nhà trai dẫn dâu. Cô dâu ra đến cửa, thanh niên nam nữ, bạn bè của cô được trêu bằng cách buộc hết những của cải mà cô dâu đem về nhà chồng lại với nhau, ý là chỉ còn được trêu đùa lần này thôi và khi cô gái đã có chồng sẽ không được trêu nữa. Lúc ấy, nhà trai dùng những con dao nhỏ mang theo để cắt dây buộc những đồ đó ra rồi tiếp tục rước dâu.
Những người đi đưa dâu khi qua cửa nhà gái phải uống hết một bát rượu to. Thức ăn nhà trai đem đến nhà gái làm cỗ, nhà gái gói vào lá dong và khi rước dâu, họ nhà gái sẽ ném theo sau với ý nghĩa đó là của nhà trai thì nhà trai đem về, thể hiện sự no đủ, dư thừa cũng như chúc cho cô dâu, chú rể an lành, hạnh phúc, ăn nên làm ra.
Trên đường về nhà trai, ông chú của nhà gái đem để ra giữa đường một chum rượu có cả bỗng rượu và ông trốn đi. Đợi lúc nhà trai đi qua, nhà gái ném bỗng rượu vào đoàn đưa dâu. Cũng trên đoạn đường đó, thanh niên trong làng treo một tổ kiến vống trên một cây ở dọc đường và đợi khi cô dâu, chú rể đi qua, họ đập cho tổ kiến rơi vào cô dâu, chú rể cùng đoàn đưa dâu. Làm như vậy là cầu mong cho đôi vợ chồng trẻ làm ra nhiều thóc, nhiều gạo, nhiều trâu, nhiều bò, nhiều gà và nhiều lợn...
Về tới nhà trai, cô dâu được đưa vào trong nhà nhưng của cải mà cô mang theo phải để ngoài cửa. Ông mờ thông báo với gia đình nhà trai là đã đưa cô dâu về nhà. Gia đình nhà trai đã chuẩn bị một mâm cơm và đón thầy cúng để cúng ở "cửa ma". Ông thầy cúng sẽ cúng cho hồn cô dâu nhập vào gia đình nhà trai, buộc chỉ cho cô dâu với ý nghĩa từ bấy giờ, cô đã là con cháu trong nhà này. Sau đó, cô dâu, chú rể ra vái ở "cửa ma".
Sau ngày cưới, nếu đôi vợ chồng trẻ ở cùng bố mẹ, người mẹ chồng sẽ nhường quyền cho người con dâu làm chủ gia đình trong việc chi tiêu, mua sắm, muốn mua đồ dùng gì thì mẹ chồng và mọi người trong nhà phải hỏi ý kiến con dâu. Bởi đối với các gia đình Xa Phó, người con dâu rất quan trọng. Họ quan niệm, cuộc sống no ấm hay nghèo đói phụ thuộc nhiều vào người con dâu.
Ngày nay, lễ cưới của dân tộc Xa Phó đã mai một dần nét bản sắc văn hóa riêng. Vì vậy, gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc này của đồng bào Xa Phó sẽ góp phần làm giàu thêm, phong phú hơn cho nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT – Chơi cây cảnh là một thú vui đòi hỏi người chơi phải lao tâm khổ tứ, phải có nhiều thời gian để tỉ mỉ chăm chút cho tác phẩm của mình. Theo ông Thi thì người chơi cây cảnh phải thực sự đam mê, phải có sự hiểu biết và đặc biệt có một tâm hồn, có óc thẩm mỹ để nuôi dưỡng ý tưởng thành hiện thực.
YBĐT - Người Dao quần trắng sống tập trung ở xã Tô Mậu, xã Trung Tâm, huyện Lục Yên, xã Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, huyện Yên Bình. Người Dao cũng như nhiều dân tộc khác, đều ăn tết vào dịp tết Nguyên đán, song mỗi nhóm người Dao lại có những nét văn hoá đặc sắc riêng để đón tết cổ truyền của dân tộc.
YBĐT - Dân tộc Dao bản Sài Lương, xã Nậm Búng (Văn Chấn) có tục cấp sắc - một nghi lễ công nhận người trưởng thành.
Bộ phim "The King's Speech" của Anh hiện đang dẫn đầu danh sách đề cử cho giải Oscar trong năm 2011.