Về Hưng Khánh “Dậm then” cùng người Tày

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/3/2011 | 2:36:07 PM

YBĐT - Cứ mỗi độ tết về, vào ngày mùng 3 tháng Giêng (Âm lịch), ngôi nhà sàn của thầy then Hà Tiến Xuân, thôn 11, xã Hưng Khánh (Trấn Yên) lại vang lên lời then ngọt ngào, du dương.

Thầy then Xuân (người cầm đàn) chỉ đạo và dẫn xướng trong suốt buổi “Dậm then”.
Thầy then Xuân (người cầm đàn) chỉ đạo và dẫn xướng trong suốt buổi “Dậm then”.

Pi nưng thíp thong bươn đã chai
Bươn nưng tham thíp mự đã chai
Đắp pi cáu mưa phạ
Mả pi cắu ma thâng

Dịch là:

Một năm 12 tháng đã hết
Một tháng 30 ngày đã qua
30 cuối năm đã về
Năm mới đã đến

Lời then kết thúc cũng là lúc tục “Dậm then” chính thức được bắt đầu. Tục “Dậm then” gồm 2 phần chính. Phần mở đầu là tổng kết năm cũ; phần 2 là để mọi người cùng nhau chúc mừng năm mới. Không biết tục “Dậm then” của người Tày có từ khi nào, nhưng 4 đời làm then của dòng họ Hà nhà ông Xuân và những người làm then đều tin rằng tục lệ này có nguồn gốc, xuất xứ từ thời Đường, khi pháp sư Huyền Trang đi lấy kinh.

Trước đây, tục “Dậm then” của người Tày thường được tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy và lễ cơm mới, nhưng dần dần để tiết kiệm thời gian và tiền bạc nên tục lệ này được chuyển vào ngày mùng 3 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Ông Xuân cho biết: “Dù mùng 3 tháng Giêng mới chính thức bắt đầu, nhưng mọi công việc phải được chuẩn bị từ 25 tháng Chạp”. Ngôi nhà sàn được gia cố lại chắc chắn bằng những cây trống để đảm bảo cho lễ "Dậm then" được diễn ra an toàn. Bên cạnh đó, bàn điện và các vật dụng phục vụ cho "Dậm then" cũng được làm mới và ngâm phẩm đỏ như: gậy, gươm, hoa, cờ… Với mỗi thầy then, trong nhà bao giờ cũng phải có một chiếc bàn điện, vừa là nơi để thờ cúng vừa là để mọi người đến trả lễ.

Từ sáng sớm mùng 3, khi  tiếng gà vẫn còn văng vẳng gáy, trên con đường làng dẫn vào ngôi nhà sàn của ông Xuân, lác đác đã có vài người đến tham dự. Trên tay họ lỉnh kỉnh nào tấm bánh, chai rượu, cân thịt đến góp vui cùng gia chủ. Cứ thế, người đến mỗi lúc một đông, chẳng mấy chốc căn nhà đã chật kín. Khi mọi người đã tụ họp đông đủ, tục "Dậm then" mới chính thức bắt đầu. Thầy then Xuân, người  chỉ đạo, dẫn xướng trong cả buổi lễ ngồi bên phải của bàn điện, đầu quấn khăn khăn đỏ, dây vải buộc ngang lưng trông thật uy nghiêm.

Phía bên đối điện, một hàng gồm 3 người đầu quấn khăn đỏ, tay ôm đàn tính cùng phối hợp với thầy then tạo thành một giàn đồng ca phục vụ cho buổi "Dậm then". Phần tổng kết năm được bắt đầu bằng điệu “Dậm hương”. Tiếng đàn tính và lời then vang lên dẫn xướng cho những người tham gia điệu dậm này. Sáu cụ bà đầu quấn khăn đỏ, khăn thắt ngang bụng, tay phải cầm nhạc và khăn, tay trái cầm 2 que hương. Họ xếp thành 2 hàng ngang đồng loạt vái 3 lần rồi dậm theo điệu nhạc.

Với sự dẫn xướng của thầy then, 6 người nhún nhảy uyển chuyển theo điệu nhạc. Tiếng nhạc trên tay từng người cũng cũng rung lắc cùng nhịp theo từng lần dậm và tiếng đàn dẫn xướng của thầy then. Theo điệu nhạc, những người tham gia "Dậm hương" nhập lại thành hàng và di chuyển theo vòng tròn, sau đó lại linh hoạt tách ra thành 2 hàng học. Đồng thời, với mỗi điệu dậm, tay và nhạc cũng phải múa và rung theo lời then và nhịp của đàn tính. Với mục đích là đón các vị tiên trên trời xuống bàn điện chơi và cùng con cháu chúc mừng năm mới, "Dậm hương" đòi hỏi từ lời then, điệu nhạc đến người dậm phải thể hiện được sự trang nghiêm, tôn kính với các vị tiên. Kết thúc điệu "Dậm hương" là “Dậm trầu cau”.

Lúc này, một nhóm khác gồm sáu người lại tiếp tục xếp hàng chuẩn bị tham gia dậm. Đầu quấn khăn đỏ, tay phải cầm nhạc, tay trái là những miếng trầu, 6 người đồng loạt cung kính dâng lên cho các vị tiên đang ngự ở bàn điện. Cũng như dậm hương, dưới sự dẫn xướng của thầy then và cây đàn tính người dậm lại nhún nhẩy theo nhịp điệu của lời then.

Trong phần tổng kết năm, có cả thảy 7 điệu dậm. Với mỗi điệu dâm lại tương ứng với một vật dụng, lời then, nhịp điệu và ý nghía khác nhau. Trái với sự trang nghiêm, tôn kính ở hai điệu dậm đầu, cả 5 điệu dậm còn lại là “Dậm kiếm”, “Dậm gậy”, “Dậm roi”, “Dậm cờ” và “Dậm mời rượu” đều mang âm hưởng hùng hồn, mạnh mẽ thể hiện lòng biết ơn chân thành với các vị tiên, những người đã có công giữ làng, giữ nước, không cho giặc ngoài xâm chiếm. Các điệu dậm kéo dài trong suốt 2 tiếng đồng hồ.

Kết thúc phần tổng kết năm, mỗi người vừa dậm, vừa cầm trên tay chén rượu mời các cụ và chúc mừng nhau. Sau phần mở đầu sôi nổi, hào hứng, dường như nhiều người đã thấm mệt, thầy then Xuân cùng mọi người nghỉ ngơi, uống nước chuyện trò để lấy sức cho phần chúc mừng năm mới. Đây là phần kéo dài nhất và cũng có số lượng người tham gia nhiều nhất.

Thăm khăm ngái bươn chiên ma thâng
Thẳng booc lỉn tăm oe
Dương ngân the tâm pe
Chứng mi nọng mà phương
Chứng mi A má phương...

Dịch là:

Mùng 3 tháng Giêng đã đến
Bàn điện được vui chơi
Bàn điện được vui chơi từ bây giờ
Có con gái đến chơi
Có con trai con gái về chơi...

Thầy then cất lời hát dẫn xướng cho mọi người vào phần chúc mừng năm mới. Không giống như phần tổng kết năm, các điệu dậm trong phần chúc mừng năm mới là tổng hợp các điệu dậm, không phân thành từng loại rõ ràng nhưng vẫn phải tuân theo sự dẫn xướng của thầy then. Đối tượng tham gia cũng đông hơn. Nếu như ở phần trước đòi hỏi với người tham gia phải là người có tuổi, có kinh nghiệm thì ở phần này, những người trẻ được tham gia. Cứ như vậy, lời hát then hòa lẫn tiếng đàn, tiếng nhạc làm cho không khí trong căn nhà ấm hẳn lên, xua tan đi cái lạnh nơi xứ núi. Tiếng đàn, lời then cứ thế vang lên suốt đêm đến tận sáng hôm sau.

Trời sáng, cũng là lúc cuộc vui sắp tàn, mọi người ngồi lại quây quần với nhau bên mâm cơm, chén rượu cùng chúc mừng nhau những điều tốt đẹp trong năm mới và hẹn nhau ngày nay sang năm tụ hội, cùng nhau bảo tồn và gìn giữ một nét đẹp và ý nghĩa của dân tộc mình.

Hùng Cường

Các tin khác
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”.

Tại chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông", Trung ương Đoàn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chính thức phát động cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”.

'Ông già và biển cả' là một tác phẩm văn học kinh điển, được đánh giá cao bởi cả giới phê bình và công chúng.

Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố và 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Thành phố Yên Bái dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay tưng bừng các hoạt động văn hoá văn nghệ khắp địa bàn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phầndần hình thành nên nét văn hóa đặc trưng riêng có của thành phố tỉnh lỵ.

Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục