Hoa Xíp Xí
- Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2011 | 2:09:02 PM
YBĐT - Cây gỗ phách ở núi rừng Việt Bắc được nhà thơ Tố Hữu nói tới chính là cây mạy mí, vốn rất gần gũi với người Tày Trấn Yên quê tôi.
Mạy mí là loài thân gỗ lớn, lá đổ vàng vào độ cuối hè (giống như cây xà cừ thuộc loài cây thay lá sớm, cũng đổ lá vào dịp này). Hoa mạy mí nở từng chùm li ti màu tím, sáng cả những sườn đồi, lòng thung, ven suối. Gỗ mí có thể sử dụng trong việc làm nhà và đóng các vật dụng gia đình bởi thớ vặn chắc dẻo dai. Những cụ già quê tôi còn thường lấy vỏ từ những chiếc rễ mạy mí để ăn trầu vừa đặm ngọt lại vừa tươi đỏ.
Hoa mạy mí nở vào trung tuần tháng Bảy (Âm lịch). Thấp thoáng màu tím hoang dã trong làn sương sớm của tiết đầu thu. Nếu ở trung du, vào độ giêng hai “Hoa xoan tím ngát rụng tơi bời” làm xao xuyến bước chân của những chàng trai, cô gái trong ngày hội xuân, thì với người Tày Trấn Yên quê tôi, mỗi độ thu về, những chùm hoa mạy mí tím cả một vùng đồi luôn khiến lòng người bâng khuâng cái cảm giác của đất trời giao chuyển.
Thế là một nửa năm đã trôi qua. Khi hoa mạy mí nở, vịt trong chuồng cánh đã biếc xanh, trăng thượng tuần tiết thu vàng như trái bưởi trong vườn... Và đây cũng là thời điểm mọi nhà chuẩn bị làm tết Xíp xí vào ngày mười bốn tháng Bảy (Âm lịch). Xíp xí là một trong hai cái tết quan trọng trong năm của người Tày.
Từ sáng sớm ngày mười ba, khi những hạt sương thu còn đọng lại trên những tấm mạng nhện mỏng tang, các noọng trong bản đã rủ nhau lên rừng trong những bộ quần áo váy chàm xanh thẫm lấp lánh vòng xà tích ánh bạc để lấy lá dong, lá chuối và gióng nứa về gói bánh và làm cơm lam trong ngày tết Xíp xí.
Trong mâm lễ cúng tổ tiên ngày Xíp xí bao giờ cũng có cơm nếp lam, xôi lá đỏ “Khảu theo” gói lá dong xanh cùng với một con vịt luộc, nải chuối ngự vàng hương thơm phức và cả những cặp bánh chuối xinh xắn (tiếng Tày gọi là pẻng cuội). Sau khi thắp hương tổ tiên để tỏ lòng thành kính biết ơn của người sống với người đã khuất trong nội – ngoại tộc, cả gia đình cùng quây quần giữa sàn nhà thưởng thức hương vị của tết Xíp xí.
Trăng rằm tháng Bảy nhẹ bẫng lơ lửng trên ngọn mạy mí cổ thụ bên sườn dốc nơi đầu bản. Một thứ ánh sáng thanh khiết và huyền ảo tràn ngập ô cửa sổ nhà sàn. Nếu như trong dịp tết Nguyên đán, người Tày quê tôi thường cúng giao thừa bằng một con gà luộc miệng ngậm bông mẫu đơn hồng thì thịt vịt là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên ngày Xíp xí.
Cũng như những người phụ nữ trong bản, hai chị gái tôi lấy chồng cách nhà gần hai chục cây số nhưng Xíp xí năm nào cũng về tết bố mẹ đôi vịt béo nhất trong chuồng để tỏ lòng hiếu thảo ghi nhớ công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Ngoài ra còn hàm ý mong bố mẹ bỏ qua những lỗi lầm không tránh khỏi của con cái trong cuộc sống và do điều kiện ở xa với duyên phận dâu con nhà chồng nên không thường xuyên về chăm sóc mẹ cha được - ví như “cái nước rơi xuống đầu vịt, cái nước lại chảy xuôi”...
Trong tất cả các món ăn của ngày tết Xíp xí, tôi thích nhất là món bánh chuối bởi hình dáng, hương vị thơm thoảng và thanh ngọt rất tự nhiên của loại bánh đặc biệt này.
Nguyên liệu để làm bánh chuối gồm có: bột gạo nếp trộn lẫn bột chuối ngự chín phơi khô. Nhân được làm bằng đỗ xanh, lạc và vừng. Bánh được gói bằng lá chuối rừng như hình quả muỗm có xoắn hai đầu và kết lại với nhau thành từng cặp. Sau khi đồ chín, bánh có màu ánh đen trong như thạch, ăn vừa ngọt mát, vừa bùi ngậy và có hương thơm như dầu chuối.
Cùng với hương vị của các món ăn truyền thống, trong ngày Tết Xíp xí còn có cả âm thanh xao xuyến và thiêng liêng của cây đàn tính cùng các điệu nôm Tày từ những khung cửa sổ nhà sàn cứ lan tỏa mãi trong không gian huyền hoặc của núi rừng ngập tràn ánh trăng thu.
Bố tôi vốn là người nổi tiếng về ngón đàn nôm tính và hát then. Tiếng đàn của ông có lúc mảnh mền vương vấn như tơ lụa, có khi lại dào dạt như ngọn Đát Rào. Tuổi thơ tôi đã bao lần say nồng giấc ngủ trong tiếng đàn tiếng hát của cha.
Nơi đầu thích nhà sàn, cha cho tôi ngồi vào lòng mình, một tay cha nâng cần đàn, một tay khoan nhặt bật những tiếng trầm bổng trên sợi dây vốn đã thuộc từng đường vân trên ngón trỏ. Hình lưỡi liềm trên ngọn cần đàn cứ bảng lảng trong giấc mơ tôi như vầng trăng non lơ lửng trên cánh đồng xanh mướt.
Tiếng hát của cha tựa nhịp đưa nôi, đẹp những chiều thu nắng vàng như tơ óng. Mẹ đi ruộng về áo chàm còn quyện hương nếp thơm, cha dang tay đón tôi vào lòng và lấy ra từ trong “ớp” cho con từng chùm bồ quân chín đỏ và cả những chú muồm muỗm béo tròn với cái miệng tươi rói màu son. Trong tiếng hát của cha còn có cả làn gió thu xôn xao nơi những triền đồi tím màu hoa mạy mí - thứ hoa báo hiệu tết Xíp xí lại về.
Công tác xa nhà, mỗi bận về quê trong dịp tết Xíp xí gặp lại màu hoa mạy mí nở tím ven suối, lòng tôi không khỏi bồi hồi xao xuyến nhớ về những kỷ niệm thời ấu thơ. Nhớ tiếng đàn, tiếng hát nơi đầu thích nhà sàn của cha. Nhớ màu tươi đỏ của trầu vôi kèm với rễ mạy mí mẹ thường ăn tuổi xế chiều. Rồi cả hương vị ngọt thanh của những chiếc bánh chuối ngày Xíp xí.
Và tôi thầm đặt thêm cho loài hoa hoang dã nhưng rất đỗi thân thương ấy theo cách gọi riêng của mình: Hoa Xíp xí.
Thanh Tửu
Các tin khác
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Trái đất Nhật Bản 2011 với kết quả chung cuộc người đẹp Tomoko Maeda đến từ Tokyo đã đăng quang danh hiệu cao nhất.
Người họa sĩ chỉ tốn vài nghìn USD để hoàn thành những tác phẩm có giá bán lên tới cả trăm triệu USD.
21 giờ tối 3-7, tại Cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội đang diễn ra đêm chung kết xếp hạng cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ 2011 của ba thí sinh Thủy Tiên, Thu Minh và Nguyên Vũ.
Thí sinh đăng quang cuộc thi Ngôi sao tuổi Teen Việt Nam năm nay sẽ nhận giải thưởng trị giá 100 triệu đồng.