Dòng họ có 3 thế hệ chung niềm đam mê

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/9/2011 | 2:26:15 PM

YBĐT - Mảnh đất Xuân Lai huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã được mọi người biết đến là mảnh đất thấm đẫm mạch nguồn của dân tộc với các làn điệu hát khắp, hát then, hát cọoi. Và mảnh đất này còn có một gia đình với 3 thế hệ viết văn. Đó là gia đình nhà văn Hoàng Hạc.

Đang tải video về hoặc trình duyệt không hỗ trợ

Cố nhà văn Hoàng Hạc đã truyền ngọn lửa đam mê, tình yêu quê hương, đất nước, xứ sở, dân tộc cho các thế hệ con cháu, tạo thành một gia đình viết văn Hoàng Hạc.

Gắn bó sâu sắc với cuộc sống miền núi, với người Tày vùng Đông Hồ sông Chảy, cố nhà văn Hoàng Hạc đã tắm mình trong không gian đầy huyền thoại với thiên nhiên phóng khoáng và con người chất phác, bám rễ sâu vào mảnh đất cội nguồn dân tộc để khai thác và sáng tạo. Bởi vậy, khi nói đến Hoàng Hạc là nói đến một nhà văn mang đậm chất núi từ vóc dáng đến giọng điệu trong từng câu từ.

Những tác phẩm để đời của ông như Ké Nàm, Hạt giống mới, Sông gọi, Xứ lạ Mường Trên… được bạn đọc cả nước trân trọng và có vị trí xứng đáng trong nền văn học cách mạng Việt Nam. Cùng với viết văn, Hoàng Hạc còn là người sưu tầm văn hóa cần mẫn. Ông có nhiều đóng góp trên lĩnh vực sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu, giới thiệu kho tàng văn hóa dân gian Tày như: Khảm hải, Then Bách điểu và một số truyền thuyết, truyện nôm khác.

Lúc sinh thời, nhà văn Hoàng Hạc luôn trăn trở một điều là làm thế nào để gìn giữ và phát huy được vốn tinh hoa văn hóa của dân tộc mình, để những nét văn hóa đặc trưng đó mãi trường tồn trước dòng chảy của thời gian. Và một điều thật may mắn là tình yêu văn chương và những khát vọng còn dang dở của cố nhà văn đã được thế hệ con cháu của ông tiếp nối.

Và Hoàng Tương Lai – người con cả của cố nhà văn Hoàng Hạc đã được thừa hưởng cái “máu” văn chương, tình yêu quê hương, xứ sở của cha và đắm say trong những điệu hát khắp, hát cọoi, lời ngâm Khảm hải của mẹ ngay từ thủa nhỏ, bởi thế mà hồn văn hóa dân tộc Tày luôn âm ỉ cháy và thấm đẫm trong những trang viết của ông. Càng viết Hoàng Tương Lai càng say với những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Đến nay, ông đã có trên chục đầu sách được xuất bản và nhiều tác phẩm được đánh giá cao.

Tiếp nối công việc nghiên cứu còn dang dở của cha, Hoàng Tương Lai đã dồn hết tâm sức để hoàn thành cuốn sách hát “pựt” của dân tộc Tày có nhan đề “Tàng mừa pía lệ đẳm” (dịch ra nghĩa là đường lên dâng lễ tổ). Cuốn sách được Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải B (không có giải A). Đó chính là phần thưởng quan trọng dành cho một gia đình dân tộc Tày đã nỗ lực gìn giữ hồn dân tộc, không để những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc bị phai nhạt trước thời gian.

May mắn được sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa Tày Đông Hồ, ngay từ khi còn nhỏ, Nông Quang Khiêm – người cháu ngoại của cố nhà văn Hoàng Hạc đã được ông và bác truyền ngọn lửa đam mê văn hóa bằng những câu chuyện, những điệu hát then, hát khắp, hát cọoi. Và mạch nguồn dân tộc cứ âm ỉ cháy trong tâm hồn và được truyền lại qua những trang viết đầu tay của Nông Quang Khiêm. Trong làng văn Yên Bái, Nông Quang Khiêm đã bước đầu tạo được ấn tượng bằng nhiều tác phẩm như: Rừng Phamơ yêu dấu – Nhà xuất bản Kim Đồng 2007; Bù nhìn – thơ thiếu nhi; Tranh đá quý – tập truyện ngắn.

Với giọng văn hồn nhiên, trong sáng, Nông Quang Khiêm đã đưa người đọc đến với tình yêu bản làng, quê hương thật nhẹ nhàng mà hết sức tinh tế. Cây bút trẻ đã khẳng định mình bằng những giải thưởng như: Giải B Hội VHNT Yên Bái, giải C cuộc thi “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái”, Bằng khen của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Hiện, Nông Quang Khiêm đang công tác tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái, đây là điều kiện và cũng là cơ hội tốt để cây bút trẻ sẽ gìn giữ và phát huy được vốn văn hóa của dân tộc Tày qua những trang viết của mình.

Có những phát hiện mới và gìn giữ được bản sắc dân tộc trong từng trang viết là nét đặc trưng riêng của gia đình có tới ba thế hệ viết văn ở vùng Đông Hồ sông Chảy. Hoàng Hạc - Hoàng Tương Lai - Nông Quang Khiêm, mỗi thế hệ một phong cách riêng nhưng đều tạo được dấu ấn ở những trang viết trong dòng chảy văn học ở sự kết nối các giá trị văn hóa của dân tộc.

Thanh Chi - Đức Toàn

Các tin khác
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Ông Thành bên tượng Phật Thích Ca.

Tượng Phật Thích Ca này sẽ được cúng dường cho chùa Giác Hạnh ở phường 10, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

TS Ngô Phương Lan.

TP - TS. Ngô Phương Lan chính thức làm việc tại Cục Điện ảnh ngày 26-9, với cương vị Phó Cục trưởng Phụ trách, chia sẻ với phóng viên báo chí về công việc nặng nề chờ đón trong thời gian tới.

Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM) và Quỹ Bia châu Á - Thái Bình Dương (APB Foundation) vừa công bố 15 nghệ sĩ lọt vào chung kết cuộc thi nghệ thuật APB Foundation Signature Art Prize 2011, trong đó có đại diện Bùi Công Khánh của Việt Nam với tác phẩm "Quá khứ đã qua".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục