Di tích Phù Nham: Đôi điều cảm nhận và suy nghĩ
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/11/2011 | 11:00:12 AM
YBĐT - Những ngày cuối tháng 10 năm 2011, Hội Khảo cổ học Việt Nam do giáo sư Hoàng Xuân Chinh - Chủ tịch Hội Khảo cổ học dẫn đầu đã có chuyến đi công tác đến tỉnh Yên Bái cùng với đầy đủ thành viên của Trung tâm Khảo cổ học ứng dụng do nghệ nhân Nguyễn Đình Bướng làm Giám đốc.
Ngày đầu tiên đặt chân lên Yên Bái, đoàn công tác đã được lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Bảo tàng Yên Bái, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh đưa đi thăm di tích Phù Nham, huyện Văn Chấn.
Hiện nay, huyện lỵ Văn Chấn và những xã xung quanh đã trở thành những làng bản đông vui, trù phú chẳng kém gì miền xuôi. Nhưng trước đây, khu này là vùng sâu, vùng xa và xa xưa hơn nữa là vùng biên viễn của Tổ quốc. Nơi đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Thái, một số rất ít người Hoa và sau này có thêm người Kinh lên xây dựng kinh tế mới.
Là một vùng biên viễn nên ít ai có thể nghĩ rằng, chính nơi đây lại tồn tại một quần thể di tích kiến trúc cổ rộng lớn. Chỉ một điều tra sơ bộ, cán bộ Bảo tàng Yên Bái đã phát hiện ra ba cụm di tích lớn:
1. Pú Chìa Chùa thuộc Bản Noong.
2. Khu Lò gạch thuộc Bản Đao.
3. Pú Tre thuộc Bản Ỏ.
Các di tích nằm cách nhau chưa đầy 1 km và đều thuộc địa phận xã Phù Nham, huyện Văn Chấn.
Vừa qua, được sự cho phép của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Bảo tàng Yên Bái đã cho thăm dò theo diện rộng khu di tích Pú Tre nằm ở khu vực giáp ranh giữa Bản Ỏ và Phù Ninh. Đợt khai quật vừa mới kết thúc được ít ngày, hiện trường khai quật vẫn còn để nguyên và đoàn công tác của Hội Khảo cổ học đã được đến tận nơi thăm quan, nghiên cứu. Tuy chưa có điều kiện đi khảo sát cả ba khu di tích nhưng chỉ riêng khu di tích Pú Tre cũng đã đủ cho chúng tôi cảm nhận: đây là một khu di tích kiến trúc cổ cực kỳ to lớn vì khối lượng gạch, ngói, đá cuội trải rộng, dày đặc một khu đồi hàng vạn mét vuông, ngay trên khu trồng chè của nhân dân địa phương.
Điều đáng để chúng tôi quan tâm hơn cả chính là những vật liệu xây dựng nên khu di tích. Người xưa đã sử dụng cuội sỏi để gia cố nền móng, dùng sỏi nhỏ để làm đế kê chân cột. Toàn bộ gạch ngói ở đây mang phong cách Trần điển hình gần giống như di tích Hắc Y ở huyện Lục Yên đã khai quật. Nếu có khác thì là ở di tích này còn có cả loại vật liệu xây dựng thời Lê như các loại ngói âm dương, ngói mũi lá… Với những gì đã xuất lộ, chúng ta có thể khẳng định, niên đại cho di tích này là cuối Trần, đầu Lê.
Nhưng đây là di tích kiến trúc gì? Vì chưa hề tìm thấy những hiện vật của loại di tích tâm linh như đình, chùa, đền, tháp, miếu… nên chúng tôi cho rằng, trong quần thể di tích, hiện mới chỉ làm phát lộ một trung tâm hành chính, một sở quận cai trị thời xa xưa ở một vùng biên viễn. Những cán bộ bảo tàng, những người làm công tác khảo cổ học chắc chắn còn phải dày công điều tra, tìm kiếm, khai quật, thăm dò để xác định giá trị thực và tính chất của cụm di tích có một không hai này.
Như chúng tôi đã biết, thời Trần, Phật giáo là quốc giáo và chùa chiền được xây dựng khắp mọi nơi, mọi chỗ. Bất kỳ ở một khu vực nào hễ có cư dân đông đúc, đặc biệt là những trung tâm chính trị, hành chính đều được xây dựng chùa, tháp. Ngay trên đất Yên Bái như ở Lục Yên, Yên Bình… là những ví dụ rất điển hình. Vậy thì quanh khu vực Văn Chấn, chùa, tháp sẽ được xây dựng ở đâu? Chắc chắn sẽ chỉ quanh khu vực được coi là trung tâm chính trị, hành chính mà chúng ta đã phát lộ. Dấu ấn đầu tiên là chúng ta cũng đã tìm ra ngói mũi hài, bệ cánh sen lật, chuông đồng… quanh di tích.
Lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch tỉnh, huyện Văn Chấn và các chuyên gia khảo cổ tỉnh Yên Bái tới thăm quan, nghiên cứu khu di tích.
Được biết, ý nguyện của nhân dân và các cấp chính quyền địa phương rất muốn xây dựng một ngôi chùa ở đây. Điều này lại khá trùng hợp với diễn trình của lịch sử vùng đất này. Có điều là nên xây dựng chùa ở vị trí nào, kiểu dáng chùa ra sao, tất cả còn phải trông chờ vào những người làm công tác bảo tàng và các nhà khảo cổ học. Vì chưa có điều kiện trực tiếp điều tra khai quật nên thay mặt Hội Khảo cổ học, chúng tôi xin mạo muội có mấy ý kiến đóng góp cụ thể sau đây:
- Thứ nhất: Phải tiến hành điều tra và khai quật cụm di tích Văn Chấn trong nhiều năm để làm rõ hơn diện mạo và tính chất của di tích.
- Thứ hai: Nên lập hồ sơ xin phép xếp hạng quần thể di tích này.
- Thứ ba: Đồng ý cho địa phương xây dựng một ngôi chùa mới, liền kề với khu di tích đã khai quật. Như vậy, chúng ta sẽ vừa bảo vệ được khu di tích kiến trúc cổ vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân lại cũng phù hợp với quy luật lịch sử, nhất là lịch sử thời Trần.
Phạm Như Hồ - (Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Khảo cổ học lịch sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam)
Các tin khác
Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 17 sẽ diễn ra từ 14 đến 17-12 tại Phú Yên. Những người làm điện ảnh và khán giả hy vọng về một sự đổi mới đúng nghĩa và một LHP tôn vinh những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất. Phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Phương Lan, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức LHP xung quanh LHP lần này.
Tối 15/11, lễ bế mạc Liên hoan trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011 đã được tổ chức tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) sau 7 ngày diễn ra với gần 20 hoạt động phong phú, sôi nổi và hấp dẫn.
NSND Trung Kiên là một trong những giọng opera hàng đầu của Việt Nam. Ông để lại dấu ấn trên sân khấu Hà Nội khi đóng một số vai trong các vở opera của Việt Nam và nước ngoài. Hiện công việc chuyên tâm của ông là giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông bày tỏ trăn trở với việc phát triển dòng ca hát chính thống, chuyên nghiệp của nước nhà.
YBĐT - Huyện Yên Bình vừa ra mắt CLB Văn hóa - Nghệ thuật. CLB chịu sự quản lý nhà nước của Phòng Văn hóa và Thông tin, có sự giúp đỡ chuyên môn của Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao.