Đám cưới rộn vang tiếng nhạc xòe
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/12/2011 | 2:50:44 PM
YBĐT - Xòe trong đám cưới người Mường ở thôn Ao Luông I, xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) thường kéo dài từ quãng 9 giờ tối đến 11 giờ đêm. Ở đó tập trung hàng trăm bạn trẻ và khi tiếng nhạc xòe nổi lên, các chàng trai cô gái đều bị hút vào vòng xòe. Tiếng nhạc xòe giờ cũng phong phú, mới, lạ. >>Điệu dân vũ nồng say
Cùng vui cuộc xoè tại đám cưới.
|
Tôi đã dự không ít đám cưới ở vùng Mường Lò, trong đó có nhiều đám cưới của bà con người dân tộc nhưng chỉ dự chóng vánh trong thời gian ăn cỗ rồi chia tay. Lần này, đám cưới của một gia đình thân quen là người Mường ở thôn Ao Luông I xã Sơn A (Văn Chấn) được tổ chức vào ngày nghỉ cuối tuần, sẵn ý định tìm hiểu nghi lễ đám cưới của đồng bào dân tộc nên chúng tôi có mặt ngay từ đêm hôm trước.
Nghi lễ đám cưới của người Mường vẫn giữ được trình tự các bước như ngày xưa nhưng cách thực hiện đã giản lược đi nhiều. Điều ấn tượng nhất là nếp sống văn minh trong việc cưới đã thực sự đi vào sống của mọi người dân kể từ già đến trẻ. Cả thôn có 106 hộ và ở san sát nhau khiến nhiều nhà không có được khoảng sân rộng để làm rạp cưới nên đã thành lệ, không ít đám phải lấy sân nhà văn hóa làm địa điểm tổ chức. Cũng bởi tổ chức tại sân nhà văn hóa nên không gian của đám cưới từ lâu trở thành nơi tụ họp của trai gái trong các thôn bản.
Anh Lương Nhật Thiết - một người dân trong thôn Ao Luông I, cho biết: "Riêng 3 thôn Ao Luông ở đây hầu như mọi nhà đều biết nhau cả và các thôn khác liền kề cũng tương tự như vậy nên có đám cưới là đêm hôm bắc rạp trai gái các nơi về chơi rất đông. Thanh niên là như thế đấy! Họ đến đây cùng vui chơi và không ít bạn trẻ đã tìm hiểu nhau kết duyên bạn tình".
Tôi để ý đêm hôm ấy đám đông có lẽ tới gần trăm bạn trẻ. Họ đứng ngồi túm tụm từng tốp chuyện trò ở ngoài đường, trong rạp đám cưới và lúc thì hát nhạc trẻ lúc lại khiêu vũ hiện đại. Thế nhưng, sôi nổi và lôi cuốn hơn cả đó là khi tiếng nhạc xòe được nổi lên, các chàng trai cô gái hầu hết đều bị hút vào vòng xòe. Tiếng nhạc xòe giờ cũng phong phú, mới, lạ.
Bên cạnh những bản nhạc, tiếng trống, tiếng cồng truyền thống thì nhạc xòe bây giờ còn được biến tấu từ nhạc múa Lăm Vông của Lào, của bài hát "Inh lả ơi" hay bài hát "Đêm Mường Lò"... nghe thật náo nức, mê say. Người già ở quanh đó nghe tiếng nhạc cũng kéo đến xem. Tôi nhận thấy trong ánh mắt, nụ cười tươi vui của người già, những điệu xòe tựa như đang dẫn họ về với quá khứ của một thời xuân trẻ.
Xòe trong đám cưới thường kéo dài từ quãng 9 giờ tối đến 11 giờ đêm và đó cũng là giờ mà thôn quy định phải dừng mọi hoạt động ồn ào. Thanh niên nam nữ lục tục ra về. Tôi để ý trong đám đông vui nhộn ấy có không ít người giúp việc đám cưới đã uống rượu bữa chiều hoặc có người hình như đã uống rượu ở một cuộc vui nào đó nên cảm thấy không an lòng bởi nhiều nơi thanh niên cứ gặp nhau trong đám cưới đến lúc ra về thường xảy ra những chuyện phức tạp.
Tôi hỏi anh Thuyên là một cán bộ công an xã, nhà liền kề với sân nhà văn hóa rằng có bao giờ thanh niên tụ tập ở đám cưới rồi sinh ra chuyện gây gổ, anh bảo: "Nhiều năm nay mỗi khi có đám cưới được tổ chức tại đây vẫn luôn thu hút trai gái các thôn, thậm chí có cả xã khác về chơi nhưng tôi thấy chưa khi nào xảy ra chuyện xích mích hay xô xát”.
Ngày hôm sau trong bữa cỗ chính, tôi lại vô cùng ấn tượng với những điều trông thấy. Chủ nhà vốn là một cựu chiến binh về công tác tại xã nên mối quan hệ khá rộng. Anh em nội ngoại cũng đều ở Mường Lò, các con anh đều đi công tác trên huyện nên khách mời cũng khá đông. Tất cả cùng ăn cỗ một loạt lúc 10 rưỡi sáng và giờ này cũng phù hợp với đặc thù lao động ở nông thôn. Trước khi ăn cỗ có màn văn nghệ chào mừng lễ thành hôn. Không khí của tiệc cưới thật rôm rả vui vầy. Đông người như thế và lại đủ các thành phần già trẻ, gái trai nhưng tuyệt nhiên không thấy ai say rượu.
Tiệc cưới ăn trong khoảng một tiếng đồng hồ rồi tan. Những người ở xa hoặc bận công việc thì ra về. Những người ở gần thì nán lại rồi tay lại cầm tay kết nối vòng xòe. Men rượu lúc này đã lâng lâng khiến cho vòng xòe vừa nhịp nhàng uyển chuyển nhưng cũng vừa rực lửa tình người giữa trời đất Mường Lò.
Tôi cũng hòa mình trong vòng xòe ấy cho đến khi cuộc vui tan dần lúc kim đồng hồ chỉ gần quá Ngọ. Phải chăng chính cái chất nồng ấm mê say của xòe đã cho con người ở đây một lối sống thân thiện và cũng đầy tự tin hòa mình vào nhịp sống văn minh.
Sơn Nam - Ngọc Đồng
Các tin khác
Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Dân tộc Việt Nam 2011 Đoàn Thị Kim Hồng khẳng định trong buổi họp báo chiều ngày 8/12, chiếc vương miện Hoa hậu Dân tộc năm nay sẽ được trao luân lưu. Theo đó, đương kim Hoa hậu năm nay sẽ đựoc giữ vương miện trong 2 năm rồi trao lại cho tân hoa hậu Dân tộc năm 2013.
Vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký đã từng đạt các danh hiệu Hoa Khôi, cô gái đến từ Lâm Đồng Lê Thu An đã đăng quang ngôi vị Miss Parkson vừa được diễn ra tối qua (8/12) tại Tp. Hồ Chí Minh.
Vượt qua rất nhiều những tài năng âm nhạc nhí từ mọi miền đất nước, giọng ca 8 tuổi đến từ Yên Bái, Đỗ Trí Dũng đã xuất sắc trở thành quán quân Đồ Rê Mí 2011 để giành được giải thưởng giá trị, một chuyến giao lưu âm nhạc tại câu lạc bộ Hello Music Land thành phố Melbourne nước Úc.
Hơn 96 đơn vị đã đăng ký tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 31 tổ chức tại Đà Nẵng. Tác phẩm của các đơn vị tư nhân cũng tăng lên từng ngày mặc dù hơn một tuần nữa Liên hoan mới khai mạc.