Những hạt nhân gìn giữ dân ca
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/12/2011 | 3:09:52 PM
YBĐT - Những người truyền dạy như ông Nừng, ông Nhạn, ông Lai, ông Kim, bà Xiêng vì thế mà càng thêm phần tâm huyết và cùng chung một tâm sự rằng họ sẽ còn tiếp tục mở các lớp truyền dạy hát dân ca cho lớp trẻ đến khi nào họ còn sức lực.
Phụ nữ dân tộc Thái xã Sơn A (Văn Chấn) biểu diễn hát, múa dân ca.
|
Yên Bái là miền quê có nhiều dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có những làn điệu dân ca của riêng mình. Đó chính là một tài sản quý báu trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Dẫu vậy, người hát dân ca trong các tộc người đang thưa vắng dần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và nó đã thực sự gióng lên cảnh báo rằng nếu không có thái độ nghiêm túc trong bảo tồn, phát triển thì nhiều tài sản quý trong kho tàng dân ca sẽ đứng trước nguy cơ bị mất mát.
Từ thực trạng trên, hàng chục năm về trước, nhất là khi có Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đưa rất nhiều giải pháp nhằm bảo tồn văn hóa dân gian, trong đó dân ca được xếp vào nhóm lĩnh vực được đặc biệt quan tâm. Nhiều hội diễn dân ca từ cấp xã, huyện, tỉnh, khu vực đến cấp toàn quốc đã được triển khai định kì hàng năm tạo nên sự tôn vinh văn hóa, khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng tự hào trong bảo tồn hát dân ca của công chúng các dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà chuyên môn đều nhận định rằng, vai trò quản lí nhà nước ở lĩnh vực này cơ bản chỉ mang yếu tố định hướng các giải pháp cũng như đầu tư cơ sở vật chất, các hoạt động chuyên môn. Yếu tố quyết định để dân ca các dân tộc được bảo tồn bền vững trước hết phải thuộc về cơ sở, về chủ nhân văn hóa các tộc người. Bởi vì, dân ca được sản sinh ra từ các làng quê, người dân mới là đối tượng phổ biến, lưu truyền và hưởng thụ dân ca trong đời sống thường nhật.
Từ nhận thức đó, nhiều năm qua, việc xây dựng các hạt nhân bảo tồn hát dân ca trong cộng đồng các dân tộc ở Yên Bái đã thực sự mang lại những tín hiệu khả quan. Còn nhớ hơn chục năm về trước, mỗi khi tỉnh tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, các huyện, thị đều đưa về không ít những nghệ nhân hát dân ca đã 70 đến 80 tuổi bởi vì có những thể loại dân ca chỉ có họ mới biết và hát được.
Cũng chỉ cách đây vài năm thôi, ông Hoàng Tương Lai, ông Đặng Vũ Kim ở xã Xuân Lai (huyện Yên Bình) còn thốt lên những trăn trở vì lớp trẻ bây giờ không nhiệt tình hát và giữ những giai điệu dân ca của ông bà, tổ tiên để lại từ ngàn xưa nhưng cách đây mấy tháng họ đã khoe mở được một lớp truyền dạy hát dân ca cho hơn chục cô gái Tày tuổi đời mới mười tám đôi mươi. Các ông càng vui hơn vì con em mình lại hát khắp, hát coọi, hát then rất hay và bắt đầu ham thích hát dân ca.
Xã Mường Lai (huyện Lục Yên) vốn là một xã có truyền thống về văn nghệ nhưng cũng không tránh được tình trạng mai một phong trào hát dân ca nhưng ở đây may mắn lại có những người như ông Hoàng Quang Nhạn cùng một số người khác đã mở nhiều đợt truyền dạy múa hát dân ca cho con cháu.
Ngoài thị trấn Yên Thế có ông Hoàng Nừng người Nùng, tuy đã gần tuổi 80 nhưng nhiều năm nay ông vẫn miệt mài dạy cho lớp trẻ từ nhi đồng đến thanh niên biết sử dựng các loại nhạc cụ Tày, Nùng, dạy hát then chơi đàn tính. Ông còn phân tích cho lớp trẻ cái hay, cái đẹp, cái đáng quý ở dân ca. Bởi vậy, ông luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp biểu dương thành tích trong bảo tồn văn hóa. Nhà của Hoàng Nừng đã trở thành địa chỉ cho bao người cha, người mẹ yêu thích dân ca gửi con mình đến học.
Mới đây, bà Điêu Thị Xiêng là người Thái ở xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vì đã có công sưu tầm, truyền dạy, phổ biến văn hóa dân gian. Bà là hạt nhân khơi dậy và duy trì phong trào bảo tồn văn hóa dân gian, trong đó hát dân ca Thái đã có đóng góp quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ.
Con cháu được truyền dạy hát dân ca biểu diễn tại cộng đồng luôn được mọi người cổ vũ. Khi mang những làn điệu dân ca của dân tộc mình đi biểu diễn ở khắp nơi lại được mọi người yêu thích, tôn vinh nên lớp trẻ càng thêm phần hào hứng, thu hút thêm sự nhập cuộc của nhiều người. Những người truyền dạy như ông Nừng, ông Nhạn, ông Lai, ông Kim, bà Xiêng vì thế mà càng thêm phần tâm huyết và cùng chung một tâm sự rằng họ sẽ còn tiếp tục mở các lớp truyền dạy hát dân ca cho lớp trẻ đến khi nào họ còn sức lực.
Bên cạnh họ cũng còn rất nhiều người khác tuy không mở lớp truyền dạy nhưng sau giờ lao động, trong lúc hội hè cũng vẫn miệt mài truyền cho con cháu những tinh hoa của hát dân ca. Những con người ấy chính là hạt nhân vô cùng quan trọng tạo ra sức mạnh cộng đồng trong gìn giữ dân ca đúng như bản chất văn hóa của nó là thứ sản phẩm sinh ra từ cơ sở thì phải được bảo tồn phát triển từ cơ sở
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Theo thông tin qua điện thoại từ chồng của người đẹp Thu Hương hiện đang có mặt tại đêm chung kết Hoa hậu quý bà thế giới 2011, đại diện của Việt Nam đã xuất sắc lọt vào top 5. Sau phần thi ứng xử, Thu Hương đã đoạt giải Á hậu 1 cuộc thi năm nay.
Rạng sáng nay, 16-12 (giờ VN) Hiệp hội Báo chí nước ngoài Hollywood (HFPA) đã công bố danh sách đề cử giải Quả cầu Vàng lần thứ 69 năm 2012, theo đó, phim "The Artist" (Nghệ sĩ) dẫn đầu với 6 đề cử.
Tối 15/12, Nhà hát Sao Mai, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã đón đông đảo khách mời là các nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh dự lễ khai mạc Liên hoan phim Việt Nam (LHP) lần thứ 17.
Những ca khúc “thảm họa” của nhóm HKT, Phi Thanh Vân, Phương My, Saka Trương Tuyền vừa bị tuyên bố loại khỏi giải thưởng của cộng đồng âm nhạc trực tuyến Zing Music Awards dù lượt nghe, lượt xem cao chót vót trên trang nhạc Zing Mp3.