Nghe hát Sình ca
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/12/2011 | 10:11:40 AM
YBĐT - Làng Đá Trắng thuộc xã Vũ Linh, huyện Yên Bình (Yên Bái) nơi có 100% đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống. Tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng vùng quê này có đời sống văn hóa phong phú với nhiều phong tục, tập quán đặc sắc mà làn điệu Sình ca là một điển hình.
Nghệ nhân La Thị Tý dạy cho con cháu hát Sình ca.
|
Theo nghệ nhân La Thị Tý - người đã dày công sưu tầm và lưu giữ nhiều tài liệu về làn điệu Sình ca của làng Đá Trắng thì Sình ca được hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng được hát nhiều là khi mùa xuân về (hay còn gọi hát tháng Giêng), gắn với các nội dung cầu lộc, cầu tài. Theo phong tục của người Cao Lan nơi đây, khi mùa xuân về, nhà nhà, người người đều dán giấy xanh, đỏ trong và ngoài nhà, các vật dụng và cây cối xung quanh, rồi hát vang những câu hát: “Cụ nìn cụ lín, săm nìn lài/ Táo sự chau mùn, pênh chí sài/ Táo sự chau mùn, pênh chí dip/ Phông sui chí dip lênh ai ai” (Năm cũ qua đi năm mới đến, nhà nhà dán giấy màu xung quanh, tập tục Cao Lan đâu cũng vậy, gió đưa lủng liểng sáng long lanh).
Rồi từ ngày mồng một tết, mồng hai tết trở đi, lại được đắm mình trong những làn điệu Sình ca về thờ tổ tiên, về giao duyên trai gái: “Chinh nhit su dắt, hới săn nìn /Ca ca, pơi tặng, chênh ca sin/ Ca sin tắc kịn, quay dăm khâu/ Páo dủ nhì sụn, su mẳ nìn”. (Tháng giêng mùng một năm mới đến, nhà nhà bày cỗ thờ tổ tiên, tổ tiên nhìn thấy bên âm phủ, phù hộ con cháu sống vạn niên).
Những ngày làng mở hội xuân, nam nữ tìm đến và hát giao duyên với nhau. Giọng hát của người con trai đầm ấm, bay bổng thổi vào gió, hòa vào hơi ấm của mùa xuân với những lời yêu thương nồng nàn làm xao động biết bao cô gái trẻ. Còn những thiếu nữ Cao Lan lại dịu dàng trong bộ váy chàm truyền thống, đôi má ửng hồng, đẹp như những bông hoa rừng tỏa ngát hương thơm làm bao chàng trai mê hồn.
Người con trai cất lời hát: “Moc sứt vúng /Moc sứt hới láng săn lưi phàn/ Cỏng nùng cao sềnh sốc dắt sỉ/ Thin cung nình hơi tỉu làng tan” (Người yêu chưa có đâu em, hôm qua hò hát cả đêm với nàng, mối tình lưu luyến với em, làm sao trời sáng anh về được em).
Người con gái đáp lại, bằng cả trái tim và tấm lòng chân thành: “Mỏi phông làn/ Công nung cao sềnh mấy tắc than/ Dắt săm công làng cao kít ơi/ Pạ tưi ma váng mỏi sàu” (Gặp anh em thấy rất vui, yêu anh nhưng sợ anh còn yêu chơi, em quyết tâm cùng anh xây dựng hạnh phúc, còn anh đừng để em sầu nhé anh).
Sự thẳng thắn của chàng trai như một tín hiệu nói với cô gái rằng anh đã có tình cảm với em. Và rồi người con gái cũng nhẹ nhàng đáp lại tình tứ mà nên thơ, để mong muốn đi đến một lâu đài hạnh phúc. Qua làn điệu Sình ca mới thấu hiểu tình yêu đôi lứa của người dân tộc Cao Lan giản dị mà sâu lắng.
Sình ca của dân tộc Cao Lan có nhiều nội dung tiêu biểu như: hát năm mới, hát giao duyên, hát đám cưới, hát đố, hát vè, hát dạo đầu, hát thề thốt... với nhiều nội dung phong phú, đa dạng xoay quanh cuộc sống lao động và đời sống tinh thần, những điều gần gũi như ngày tháng trong năm, các nông cụ, thiên nhiên, đến những vấn đề xa xôi như vũ trụ, công chúa, hoàng tử, các vị thánh thần... nhưng nổi bật và hấp dẫn hơn cả là hát về tình yêu đôi lứa với những cung bậc tình cảm mượt mà, đằm thắm, hát về khát vọng được cùng nhau tâm tình, xây đắp hạnh phúc gia đình khi mỗi độ xuân về.
Tuy nhiên, hiện nay, làn điệu Sình ca ở Vũ Linh ngày càng mai một. Để làn điệu Sình ca không những là nét đẹp văn hóa mà còn là món ăn tinh thần không thể thiếu của dân tộc Cao Lan rất cần sự vào cuộc của chính quyền và các nghệ nhân nơi đây.
Văn Tuấn
Các tin khác
Ngôi sao "Boys over Flowers" thắng lớn tại lễ trao giải Yahoo Asia Buzz Awards 2011 với số phiếu bầu cao nhất.
Sau 4 ngày hoạt động (từ 18 đến 21-12), Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, truyền hình trực tiếp trên VTV1 đã chính thức bế mạc.
UNESCO CACE sẽ đưa ra dự báo xu hướng thời trang Việt Nam trong tương lai, chắt lọc những nét tinh túy nhất từ bản sắc văn hóa thời trang dân tộc.