Nhạc sĩ Dương Nhâm: Người đắm say cùng quê núi
- Cập nhật: Thứ hai, 2/1/2012 | 8:35:56 AM
Vốn là lính biên phòng, gắn bó với núi rừng nên các ca khúc của nhạc sĩ Dương Nhâm sáng tác luôn đắm mình vào đề tài miền núi, biên cương, trong đó ông dành phần nhiều tình cảm cho quê hương Yên Bái!
Nhạc sỹ Dương Nhâm
|
Chắc hẳn những người yêu ca hát mãi còn nhớ tới những ca khúc đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Dương Nhâm như: “Bông sen bản Giáy”, “Tình yêu cô gái Dao” hay “Tiếng hát giữa rừng biên cương”… Số lượng bài hát ông sáng tác không thể kể hết.
Với Yên Bái, vùng quê núi rất đỗi thân thương này, ông gửi vào các ca khúc của mình tình yêu sâu nặng. Ông cũng rất đỗi tự hào khi là nhạc sĩ đầu tiên cho ra mắt ca khúc về Yên Bái - ca khúc “Yên Bái quê em” (sáng tác năm 1992) đã đi vào lòng người Yên Bái đến tận bây giờ: “Quê hương em rừng núi yêu thương. Quê hương em tựa đóa hoa thơm. Lên quê em, anh gặp tình em trong ngọt ngào hương quế. Anh gặp xuân sang trên sóng hồ Thác Bà. Quê hương em cánh cửa miền Tây. Cây cầu Âu Lâu bắc qua dòng sông sâu, vĩnh hằng khúc ca ơi… Yên Bái…”.
Lòng say mê nghệ thuật đã giúp ông lao động miệt mài trên miền quê núi thân thương này. Nhạc sĩ Dương Nhâm có mặt trong hầu hết các mùa hội diễn nghệ thuật, khi là tác giả, khi ngồi ghế giám khảo. Dương Nhâm không nề hà sáng tác "ngành ca, địa phương ca" khi được yêu cầu. Ngôn ngữ ca khúc thường giản dị, dễ thuộc, dễ hát. Công an, quân đội, đường sắt, các ngành kinh tế xã hội... đều nhờ ông sáng tác và dàn dựng các ca khúc về ngành mình.
Ông đã có hàng chục ca khúc viết về Yên Bái. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, vừa sáng tác nhạc và lời, vừa phổ nhạc thơ của các tác giả viết về Yên Bái, ông đã cho ra mắt 58 ca khúc. Nhiều ca khúc như: “Cửa ngõ miền Tây”, “Nha trang Yên Bái một tình yêu”, “Người đẹp Mường Lò”, “Bác về một sớm mùa thu”, “Bên cây”… thực sự đã nói giúp người dân Yên Bái những tình cảm tốt đẹp và niềm tự hào về quê hương.
Những ca khúc viết về Yên Bái ấy cũng đã đem lại cho ông nhiều thành công trong sự nghiệp: “Bác về một sớm mùa thu” đã đạt giải A cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; ca khúc “Bên cây” nói về tình cảm của người trồng rừng ở Yên Bình cũng đạt giải người cao tuổi của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Không chỉ thành công khi viết về Yên Bái, nhắc đến Dương Nhâm không thể không kể tới các bài hát viết về miền biên cương với các ca khúc như: “Tiếng hát giữa rừng biên cương”, "Lời ru trong đêm biên cương", "Đồn biên phòng", "Bên bếp lửa làng biên", "Những cô gái trồng rừng với chiến sĩ biên cương", "Cột mốc biên cương", "Những con suối không tên", "Tiếng chim em yêu", "Tình yêu cô gái Dao"...
Những ca khúc ấy đã theo các chiến sĩ văn hóa vang lên khắp các nẻo biên cương vùng núi phía Bắc, làm ấm lòng dân bản và các chiến sĩ canh giữ sự yên lành nơi biên giới. Ca khúc "Tiếng hát giữa rừng biên cương" của ông không chỉ vang lên trong các đơn vị quân đội, mà còn được nghệ sĩ Tuyết Minh cùng tốp ca khúc chính trị “Hoa Phượng Đỏ” biểu diễn tại Tiệp Khắc và Cộng hòa dân chủ Đức.
Cũng chính bài hát này tốp nữ văn công Công an vũ trang hát tại thủ đô LaHabana của Cu Ba. Bài hát đã đoạt Huy chương Vàng toàn quân năm 1974 và Huy chương Vàng toàn quốc năm 1975. Còn ca khúc “Tình yêu cô gái Dao” đã được giải thưởng toàn quốc năm 1984 vào dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô.
Ai từng một lần được nghe ca khúc “Tình yêu cô gái Dao” mới thấy hết cái tài tình của nhạc sĩ Dương Nhâm. Bài hát là câu chuyện kể về tình yêu của cô gái Dao với anh bộ đội người Hà Nội. Đoạn I của bài hát đặt ra câu hỏi day dứt: “Các bạn em nó bảo rằng anh ấy là trai Hà Nội. Ba năm đi bộ đội giờ lại về thành phố. Dân bản có người nhắc em câu hát của người Dao “thân gái như thân cây vầu làm sao xa được rừng”!”
Nhưng ngay sang đầu đoạn II, ông đã trả lời câu hỏi ấy bằng một tình yêu đẹp. Người lính biên phòng thực sự thêm gắn bó với người Dao, với biên giới của Tổ quốc: “Nay bạn em nó bảo rằng con bé làm dâu Hà Nội. Anh chiến sĩ quân đội giờ là người của núi. Đêm ngày giữ gìn biên cương, giữ gìn tình thương. Hai đứa như bông lúa vàng trên nương ruộng bậc thang”.
Bằng những ngôn từ mộc mạc được chắt lọc từ tinh hoa, bản sắc dân tộc, tác giả đã kết nối tình cảm, gắn bó máu thịt giữa thủ đô với đồng bào Dao trên mảnh đất biên cương.
Trò chuyện với nhạc sĩ Dương Nhâm tại gia đình ở thị trấn Yên Bình (Yên Bình) vào một ngày cuối năm 2011, ông say sưa cất tiếng hát một ca khúc vừa công bố: “Về Yên Bái đi anh, đây một vùng quê ngọt lành… Về Yên Bái đi anh, đây một miền quê hiền hòa, bên ánh lửa ngà ngà lúng liếng điệu xòe hoa…”.
Mang âm hưởng của núi rừng Tây Bắc, bài hát “Về Yên Bái đi anh” là mời gọi, điểm nhắc các danh thắng, sản vật quê mình của cô gái đôi mươi với chàng trai xứ khác: “Về Yên Bái, anh ơi về Yên Bái! Đến Thủy Tiên, đi trong huyền thoại Thác Bà; lên Tú Lệ ăn xôi ngũ sắc; về Mường Lò tắm nước ngòi Thia; chè Suối Giàng đậm đà khắc tình quê… Tiếng khèn đón mời về Yên Bái đi anh!”...
Nặng lòng với quê hương, nhạc sĩ Dương Nhâm lại tiếp tục hành trình sáng tác, phổ nhạc thơ của các tác giả Yên Bái như “Mùa mây thiên di” của Ngọc Bái, “Thế là đã mùa thu” của Hoàng Hạnh… Người yêu nhạc hy vọng, chờ đón ở Dương Nhâm những ca khúc mới chứa chan tình yêu thương và khát vọng trên miền quê núi Yên Bái yêu thương!
Minh Đức
Các tin khác
Người đẹp Trần Thị Thanh Thức (sn 1992, đến từ An Giang, số đo 3 vòng: 82 – 60 - 90) đã vượt qua 18 thí sinh trong vòng chung kết, đoạt giải Nữ hoàng trang sức lần 5.
Trang web chuyên về sắc đẹp Globalbeauties vừa công bố bảng xếp hạng mức độ thành công của các quốc gia qua những cuộc thi sắc đẹp trong năm 2011. Việt Nam vinh dự lọp top 5.
Được đánh giá là cặp vận động viên khiêu vũ thể thao sáng giá hiện nay của làng Khiêu vũ thể thao Việt Nam, Minh Đức và Vân Diễm vừa quyết định chia tay sau 5 năm gắn bó để đi tìm bạn nhảy mới.
YBĐT - Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình vừa đề xuất và được Hội đồng khoa học công nghệ huyện Yên Bình cho phép triển khai Đề tài khoa học cấp tỉnh ủy quyền cho cấp huyện quản lý năm 2011: Sưu tầm và truyền dạy các làn điệu múa hát Sình ca của dân tộc Cao Lan, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình.