Đâu rồi áo cưới truyền thống?
- Cập nhật: Thứ tư, 28/3/2012 | 3:23:54 PM
YBĐT - Với bất kỳ một dân tộc nào thì trong hệ thống lễ nghi đời người, lễ cưới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất. Lễ cưới tuy diễn ra trong khuôn khổ hai gia đình nhưng lại có sự tham gia rất lớn của cả cộng đồng.
Cô dâu người Dao Sài Lương Văn Chấn vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc. (Ảnh: Hoàng Đô)
|
Lễ cưới các dân tộc thiểu số chứa đựng nhiều giá trị văn hoá truyền thống nổi bật, nhất là nghi lễ, tập tục hay, lạ, các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, vui chơi và đặc biệt là trang phục, trang sức của cô dâu. Yên Bái có trên 30 dân tộc anh em sinh sống, theo đó cũng có ngần ấy nghi thức cưới hỏi tạo nên sự phong phú đa dạng của đời sống văn hóa. Thế nhưng vài năm gần đây, trong nhiều lễ cưới hỏi của người dân tộc thiểu số xuất hiện những chiếc váy trắng tinh diêm dúa, hiện đại thay thế những trang phục cô dâu truyền thống của dân tộc mình.
Cô dâu (ở giữa) trong trang phục truyền thống của người Khơ Mú.
Từng được tham gia vào một vài lễ cưới của người Thái, Dao, Mường, Khơ Mú ở Yên Bái đã cho tôi ấn tượng sâu đậm về đời sống văn hóa của người dân tộc thiểu số để rồi mong mỏi được tham gia vào những đám cưới khác của đồng bào dân tộc. Trong chuyến công tác vào huyện vùng cao Văn Chấn, được người bạn ở huyện nói sẽ đi Nghĩa Sơn dự đám cưới của người Khơ Mú, thế là tôi vui mừng, khấp khởi trở lại Nghĩa Sơn huy vọng được tham dự vào đám cưới giàu bản sắc văn hóa. Vượt qua con đường ngoằn ngoèo từ thị xã Nghĩa Lộ lên Nghĩa Sơn, băng qua con suối nhỏ là tới gia đình ông Văn. Hôm nay gia đình ông tổ chức cưới vợ cho người con trai út.
Trong tiếng nhạc xập xình, cậu của chú rể nói to vào tai chúng tôi rằng cô dâu không phải người Khơ Mú nhưng gia đình vẫn tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống của người Khơ Mú. Chừng 30 phút sau mấy đứa trẻ con chạy về phía rạp hô to: “Cô dâu về, cô dâu về!”, các cụ lớn tuổi trong nhà sửa soạn khăn áo, chuẩn bị sẵn sàng nghi lễ đón dâu vào nhà thì thấp thoáng bên suối cô dâu với chiếc váy trắng muốt, quét đất, để lộ bờ vai trần cùng hoa cài tóc, giầy cao gót lúng túng không biết làm thế nào qua suối được, cuối cùng chú rể đành phải cõng qua.
Vừa thấy cô dâu ngoài ngõ, mấy cụ lớn tuổi trong nhà hô vọng ra: “Không cho nó vào, không cho nó vào được!” trước sự ngỡ ngàng của khách rồi quay ra quát mấy chị trong đoàn đón dâu: “Sao chúng mày đi đón dâu mà không mang váy áo cho nó à?”. “Chúng cháu có mang nhưng bảo mãi nó không chịu mặc”. “Nếu không mặc thì không được vào nhà” - các cụ trong nhà lại tức giận quát lên.
Một người dì của chú rể liền tiến đến phía cô dâu: “Không mặc trang phục truyền thống của người Khơ Mú sẽ không vào được nhà chồng người Khơ Mú vì ma nhà sẽ không nhận đó là con cháu trong nhà đâu”. Đến lúc này cô dâu mới đồng ý nhưng trớ trêu là nếu không được vào nhà thì không thể thay đồ. Mấy chị em nhà chồng đành chạy vội vào nhà lấy cái chăn ra quây lại cho cô dâu thay đồ ngay giữa rạp, rồi tóc cô dâu đã được xịt keo, cài hoa chặt khiến mọi người lúng túng vì không sao đội khăn cho cô dâu được. Các cụ liền giục: “Thôi không cần khăn, qua giờ tốt bây giờ”. Và cuối cùng cô dâu cũng được đón vào nhà với bộ trang phục truyền thống xộc xệch vì mặc vội.
Bà Si - một nghệ nhân hát Tơm thường được các gia đình người Khơ Mú mời hát khi có việc quan trọng như làm nhà mới, đám cưới cho biết: “Tôi đã tham dự nhiều lễ cưới, phần đa người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình, tuy nhiên bọn trẻ bây giờ muốn theo cái mới. Nhưng có phải cái mới nào cũng phù hợp đâu”.
Cô dâu người Thái mặc váy cưới hiện đại.
Dịp khác, tôi được tham dự vào một lễ cưới của người Cao Lan ở xã Tân Hương (Yên Bình) cũng với mong muốn được tìm hiểu về văn hóa qua các nghi thức cưới hỏi cùng trang phục truyền thống mà đặc biệt là chiếc áo nối dành riêng cho lễ cưới. Nhưng khi nghi thức xin dâu được diễn ra, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi bước vào nhà gái xin dâu là một chàng trai bảnh bao trong bộ comple xanh đen, cà vạt đỏ. Tôi còn ngỡ ngàng hơn khi bước ra từ buồng trong là một cô dâu với chiếc váy trắng tinh hiện đại, khoét cổ sâu, phần lưng trần.
Đâu rồi chiếc áo nối của người Cao Lan? Tôi thấy mơ hồ về sự thay đổi này. Chị Hoa ở thôn Khuôn Giỏ 2 là một trong rất ít người còn giữ được chiếc áo nối dành riêng cho đám cưới, tâm sự: “Tôi giờ giữ lại chiếc áo mặc trong ngày cưới của mình trước kia để làm kỷ niệm thôi chứ không dùng đến. Giờ bọn trẻ không mặc đâu, chúng chê là “cổ”. Chúng yêu nhau rồi rủ nhau đi thử những chiếc áo cưới hiện đại. Giá bây giờ mà có đứa nào chịu mặc áo nối truyền thống trong ngày cưới thì hay biết mấy”.
Những nét văn hóa độc đáo ẩn chứa trong những lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số có lẽ không chỉ thu hút những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian mà cả những du khách muốn khám phá văn hóa truyền thống. Nhưng khi truyền thống đó bị mai một, pha tạp thì sức hút sẽ không còn nữa, hơn cả là văn hóa của cả một tộc người sẽ mai một.
Minh Tư
Các tin khác
Cuối cùng người hâm mộ trên khắp thế giới cũng đã có thể mua được bộ truyện Harry Potter dưới định dạng sách điện tử (ebook) trên website Pottermore.com.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1) đang diễn ra cuộc triển lãm tranh Thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật vàng của họa sĩ Thomas Sarbach, đến từ Thụy Sĩ.
Cùng Phương Anh, Mạnh Hoà là người thứ hai của vòng bán kết 4 được lọt vào vòng chung kết với số phiếu bình chọn cao.
Là chương trình gắn liền với tuổi thơ của nhiều khán giả truyền hình Việt Nam, chương trình “Những bông hoa nhỏ” sẽ trở lại trên sóng của Đài THVN, sau một thời gian dài vắng bóng.