Thử giải mã một số hiện vật ở Châu Quế Hạ

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/8/2012 | 9:44:48 AM

Vừa qua, anh Nguyễn Văn Đẫy người Tày ở thôn Nhược, xã Châu Quế Hạ (Văn Yên) khi hút bùn ở một khu trũng lầy làm ao thả cá đã phát hiện 2 thanh kiếm, 1 nồi đồng và 1 hũ sành ở cùng một vị trí.

Các hiện vật tìm được ở thôn Nhược.
Các hiện vật tìm được ở thôn Nhược.

Kích cỡ chiếc nồi đồng khá to, dày dặn, lành lặn ngoại trừ một lỗ thủng nhỏ ở đáy có thể do ngoại lực mạnh làm thủng. Phía ngoài gần đáy nồi có hoa văn hình con thằn lằn dài khoảng 15cm và bên trong vành miệng nồi có 3 chữ Hán đúc nổi Giáp Thân niên.

Nhìn kiểu dáng nồi đồng dạng muộn và 3 chữ “Giáp Thân niên” có thể suy đoán là năm 1884. Riêng đôi kiếm, tuy rỉ sét nhưng kích thước lưỡi kiếm vẫn còn nguyên với bề ngang chừng 2cm và một lưỡi dài trên 60cm, lưỡi kia trên 50cm. Phần lưỡi kiếm ở vị trí sát chuôi một bên có hai chữ Hán là “bản, mệnh”, mặt bên kia có chữ “bằng” với nghĩa là tựa, nương tựa và một chữ khá mờ nhưng rất giống chữ “hạng” (trong nghĩa cùng hàng, hạng). Chuôi kiếm được chế tác khá tinh xảo về kiểu cách, chất liệu, hoa văn.

Khi chúng tôi đang xem những hiện vật này, anh Triệu Xuân Khắp, người Dao, năm nay đã ngoài 50 tuổi nói rằng, dòng họ anh vẫn lưu truyền câu chuyện cụ Triệu Đội Nhất là tổ 5 đời của anh khi về đây mở đất tại thôn Nhược đã có cuộc giao tranh của người Dao đánh trả giặc Tàu cướp phá, người Dao đã giết được rất nhiều địch, không thể chôn hết, đành phải khiêng xác ném ra khu vực vũng lầy mà anh Đẫy đang hút bùn.

Đối chiếu cách tính thời gian giữa các đời, nếu sự kiện trên là có thật thì việc ông Triệu Đội Nhất về đây mở đất và đụng độ với giặc Tàu có thể tương ứng với thời điểm nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Quốc nổ ra năm 1851, tan rã năm 1864 rồi tàn quân của cuộc khởi nghĩa này dạt về phương Nam cướp bóc. Hoặc, người Dao ở đây đã phải đối mặt với giặc Cờ Đen là tàn quân của các tộc người vùng Vân Nam Trung Quốc chống lại nhà Thanh cũng bị dẹp tan rồi dạt về phía nam. Nhưng nếu cho là các đồ vật kia được ném xuống cùng xác chết giặc Tàu thì e rằng không có nhiều cơ sở.

Bởi vì, việc hút bùn đã tiến hành trên diện rộng mà mới chỉ phát hiện được hai thanh kiếm. Hơn nữa, hoa văn, cách chế tác kiếm khá tinh xảo, kích cỡ của 2 thanh kiếm khiêm tốn như vậy, liệu có phù hợp với loại kiếm trận? Trong khi kiếm trận thường to bản, dày, dài để bảo đảm khoảng cách phù hợp với đối thủ khi tác chiến cũng như bảo đảm các tính năng tác dụng là đâm, chặt, chém và thường chế tác thực dụng chứ không thể làm tinh xảo với số lượng lớn… Do đó, chúng tôi không nghiêng nhiều về khả năng đây là binh khí do người Dao ném xuống cùng xác giặc.

Ngược lại, cũng tại khu bãi lầy này có một sự việc liên quan trực tiếp đến câu chuyện bi tình mà cả người Dao, Tày ở đây ai cũng biết.

Chuyện kể rằng, một người Dao ở thôn Nhược sang làng bên lấy vợ, khi rước dâu về, người Dao có tục cô dâu trùm kín khăn và có người dắt đi. Lúc nghỉ ngang đường ăn cơm do thấy có điều gì không ổn, nhà trai đã mở khăn che mặt cô dâu. Không ngờ cô dâu thật đã được tráo đổi bằng người chị gái mù. Bực tức với sự tráo trở của nhà gái, người Dao thôn Nhược không trả lại dâu mà đem quẳng vào khu vũng lầy này cho đến chết.

Câu chuyện nghe có vẻ nhẫn tâm nhưng biết đâu nó lại là một sự thật đau lòng từng xảy ra trong quá khứ? Câu chuyện này khiến chúng tôi liên tưởng đến sự xuất hiện của hai thanh kiếm cùng một số hiện vật trên có thể liên quan đến cuộc hôn nhân bi thảm kể trên. Từ đó, tra cứu tài liệu đã cho thấy ở Việt Nam cũng có một số tộc người khi tổ chức hôn lễ phải kèm theo cây kiếm.

Chẳng hạn như người Khùa ở Quảng Bình khi rước dâu nhà trai phải mang theo cây kiếm và trước khi xin dâu, nhà trai kéo thanh kiếm hơi lùi ra khỏi vỏ, chuôi kiếm quay ra cửa. Khi đồng ý trao dâu, nhà gái sẽ tự đút thanh kiếm sâu vào vỏ. Người Brâu Vân Kiều ở Quảng Trị, khi rước dâu nhà trai mang theo thanh kiếm, chiếc nồi đồng.

Trước khi trao dâu, mẹ cô dâu bắc chiếc nồi đồng lên bếp đổ nước vào rồi lấy thanh kiếm đâm xuống đáy nồi coi như mọi việc đã được định đoạt. Một số tộc người ở các quốc gia Đông Nam Á cũng có nghi lễ kết hôn gắn với đồ vật là cây kiếm hoặc đôi kiếm đặt trước mặt cô dâu, chú rể trước khi làm lễ đính hôn.

Trở lại với người Dao ở thôn Nhược, không biết phong tục ngày xưa có dùng những cây kiếm trong nghi lễ kết hôn hay không? nhưng nếu nhìn vào các chi tiết cụ thể trên đồ vật thì nó có rất nhiều thông tin liên quan đến nghi thức hôn lễ.

Trước hết, trên miếng đồng bầu dục làm ốp che tay (miếng đồng ở đoạn liên kết giữa lưỡi và chuôi kiếm) có hình đôi dơi đối đầu với nhau qua lưỡi kiếm và hai con dơi móc cánh vào nhau. Con dơi trong tiếng Trung Quốc được phát âm giống chữ “Phúc” nên được coi là điềm lành, do đó trong trang trí nội, ngoại thất nhà cửa của người Trung Quốc, Việt Nam xưa kia đều trang trí nhiều hình con dơi.

Trong đồ trang sức cũng có các dạng như khánh đồng hình con dơi ôm chữ “thọ” hay hình 5 con dơi dang cánh ôm chữ “phúc” để cầu mong đạt được ngũ phúc. Còn trường hợp 2 con dơi khấu đầu móc cánh vào nhau là biểu trưng của chữ song hỷ… Phần nạm đồng ở trên thân lưỡi kiếm ngắn (đoạn sát với ốp che tay) chỉ  trổ duy nhất một hình trái tim nhưng phần trổ của thanh kiếm dài lại trổ cả hình trái tim và hình con dơi cách điệu như muốn thể hiện sự giao hoà của điềm lành.

 

Phần nạm đồng trên 2 lưỡi kiếm, một lưỡi chỉ có hình một trái tim, còn lưỡi kia có cả hình trái tim và hình con dơi cách điệu.

Hoa văn ở chiếc khâu đồng nạm giữa chuôi 2 thanh kiếm có khác nhau đôi chút nhưng cùng có hoa văn cúc dây là loại hoa văn biểu trưng cho sự trường tồn trong tư tưởng mỹ thuật của đạo Giáo. Đặc biệt, các chữ Hán (bản - mệnh - bằng - hạng) trên 2 thanh kiếm như chứa đựng thông điệp cầu mong cho hai con người có bản mệnh phải nương tựa song hành cùng nhau sau khi kết hôn.

Ba chữ “Giáp Thân niên” trên chiếc nồi đồng cũng cho thấy niên đại này rất phù hợp với đời thứ nhất của họ Triệu người Dao về đây mở đất tại thôn Nhược. Tuy nhiên, nếu đúng những hiện vật tại thôn Nhược có liên quan đến câu chuyện bi tình kia thì nó có thể gắn với hai khả năng sau đây.

Một là, 2 cây kiếm này dành cho cô dâu chú rể cầm trên tay trong lúc rước dâu. Vì đi đường dài, rừng rậm sợ điềm dữ sẽ xảy ra nên cây kiếm sẽ là sức mạnh vô hình để xua đuổi tà ma, quỷ dữ mang lại điềm lành. Nhưng đến khi phát hiện ra sự tráo đổi cô dâu thì đoàn nhà trai quá bức xúc đẩy cô gái mù xuống vũng lầy và quẳng theo cả hai thanh kiếm bản mệnh cũng như đồ đựng thức ăn xuống đây để đoạn tuyệt nỗi thất tín của nhà gái.

Hai là, người Dao có truyền tụng rằng, sau khi cô dâu mù chết ở vũng lầy thì khu này rất thiêng không ai dám đến. Cũng có thể trong tâm thức người Dao cho rằng, vì chết oan nên oan hồn của cô dâu mù sẽ quay lại làm hại. Cho nên, những hiện vật kia có thể được tạo nên để làm lễ tế tạ, giải oan cho vong hồn và cầu lấy điềm lành. Hoặc là, những hiện vật này dùng để trấn yểm theo nghi lễ đạo Giáo khiến cho oan hồn không thể làm hại dân làng.

Dẫu vậy, những nhận định trên chỉ mang tính giả thuyết. Do đó, mong rằng sẽ có thêm nhiều ý kiến khác cùng những nghiên cứu sâu hơn từ các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu khoa học để đưa ra những kiến giải hợp lý hơn về khoa học nhân văn đối với những hiện vật này.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Bộ tem và phong bì kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công.

Ngày 7-8, Bộ TT-TT phối hợp với VietnamPost phát hành bộ tem bưu chính kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Mẫu tem do họa sĩ Vũ Kim Liên thiết kế, gồm 1 mẫu tem khuôn khổ 31mm x 46mm, với giá 2.000 đồng.

Như nhận xét của Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Đông Tây, ký sự về nước Nga của TS ngữ văn, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng giống như almanach về cuộc sống của người Việt tại Nga trong suốt một phần ba thế kỷ. Một bức tranh đa sắc, chân thực khiến người đọc ngoảnh nhìn quá khứ, có thêm động lực bước tới tương lai…

Từ Hàn Quốc, Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông tin về cho biết, trong khuôn khổ EXPO 2012 tại thành phố Yeosu, Hàn Quốc sáng 6-8, đã diễn ra hoạt động Ngày Quốc gia Việt Nam tại trung tâm Triển lãm thế giới Yeosu 2012.

Cuộc thi sáng tác ảnh Canon Photomarathon – một trong những sự kiện lớn nhất hàng năm của Canon sẽ chính thức trở lại cùng giới hâm mộ nhiếp ảnh Việt Nam vào ngày 8/9 tại thành phố Hồ Chí Minh và ngày 15/9 tại Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục