Kết quả thám sát di tích đồng Gio Ngòi

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/12/2012 | 10:06:38 AM

YBĐT - Ở thôn Gio Ngòi, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, có một di tích chưa rõ là ngôi đền, đình hay miếu. Trải qua thời gian, thật khó có thể hình dung được diện mạo, quy mô của di tích và xác định được là thờ ai.

Phát hiện mới nền lát gạch đất nung di tích Đồng Gio Ngòi.
(Ảnh: Trung Hiếu)
Phát hiện mới nền lát gạch đất nung di tích Đồng Gio Ngòi. (Ảnh: Trung Hiếu)

Các ghi chép của sử sách, sắc phong, thần phả thông điệp về di tích  không còn lưu lại, các truyền thuyết dân gian thì khá huyền khuyết. Nhưng nhiều thập kỷ qua trong quá trình sản xuất ở mảnh đất này có chuyện thu hoạch không mấy hiệu quả, con người lại gặp rủi ro, do đó mọi người cứ truyền miệng nhau rằng đây là “đất thiêng”. Không biết có “thiêng” thật hay không nhưng việc bỏ hoang đất sản xuất là có thật.

Vừa qua, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với phòng Văn hóa - Thông tin và chính quyền xã Vĩnh Kiên tiến hành nghiên cứu và thám sát nhằm tìm hiểu tính chất, vết tích kiến trúc, quá trình tồn tại, tín ngưỡng thờ cúng cũng như các vấn đề có liên quan đến câu chuyện “đất thiêng” mà người dân vẫn truyền miệng.

Ba hố thám sát, tổng diện tích khoảng trên 7m2, tập trung chủ yếu ở “trục đạo – phong thuỷ” gò đồi - điểm được gọi là “đất thiêng” có gò đất cao so với xung quanh là đồng ruộng giật cấp đã được thực hiện. Các hố đào ở độ sâu nguyên thổ là 1,10m, ở trên mặt ruộng sát đó là 0,45m thì tìm thấy dấu tích các lớp kiến trúc – văn hóa từ thời Lê. Qua đó nhiều vấn đề được làm sáng tỏ, song nhiều vấn đề mới chỉ là giả thiết (vì đào thám sát thăm dò chưa được mở rộng hố đào mà chỉ đủ để xác định có di tích hay không theo qui định khảo cổ).

Qua diễn biến địa tầng, di vật trong các hố thám sát thăm dò có thể nhận thấy có di tích và di tích nằm ở vùng đất này đã có lịch sử lâu đời. Với vị trí cao ráo (có đồi gò) lại gần nguồn nước (khe Ba Luồng và Phụ Lưu) dấu hiệu di tích được thể hiện khá rõ trong các hố đào, đặc biệt là tìm thấy các di vật (vật linh) bằng đất nung đỏ như: đầu rồng, lưỡng long chầu nguyệt, vật dụng sinh hoạt bước đầu tìm thấy như: bình tỳ bà, sành, lon, vại…

Ở trong địa tầng các hố đào cho thấy khá đậm đặc các loại hình vật liệu kiến trúc, nhất là số lượng các ngói lợp là ngói mũi hài, ngói âm dương, chân tảng kê cột, đá phiến lát đường đi… đặc biệt là phát hiện được nền lát gạch ở độ sâu 1m (gạch lát nền di tích hay sân trong tổng thể kiến trúc chưa rõ) vẫn còn  nguyên trạng trong lòng đất, gạch đất nung có kích cỡ số đo là: 37,5 x 37,5cm, dầy 4,5cm, hình vuông và loại hình chữ nhật là 37,5 x 18,5cm, dầy 4,5cm , là loại gạch phổ biến ở di tích này. Qua đó đã có thể chứng minh được sự hiện diện một công trình kiến trúc của một di tích ở đây.

Theo chúng tôi, cơ sở để định hướng nghiên cứu là thông qua giám định niên đại các hiện vật đã được phát lộ, hiện vật này có niên đại từ các thế kỷ XV, XVI, XVI , trùng khớp cùng thời với giai đoạn lịch sử cát cứ thời Vũ Văn Mật.

Xin trích một đoạn lược sử của dòng họ Vũ để cùng tham khảo: “…Dòng họ Vũ (Võ) nước ta hiển hách nhất trong lịch sử phải kể tới chi họ Vũ ở xã Ba Đông, tổng Tông Đức, huyện Gia Lộc, phủ Hải Dương. Đó là một hảo hán tên là Vũ Văn Uyên cùng em là Vũ Văn Mật đã giết kẻ cường hào áp bức ở quê nhà rồi rời quê quán đi lên vùng Đại Đồng, Tuyên Quang chiêu binh mãi mã, lập ra một căn cứ, chống nhà Mạc ngay từ năm 1530, xây thành bầu quy mô làm chiến khu và giang sơn một cõi, anh hùng nhất khoảnh, định chia 3 thiên hạ giống như đời Tam Quốc bên Tàu (thế kỉ III) cùng nhà Mạc, nhà Trịnh. Nhưng sau thế yếu, Vũ Văn Mật phải hợp tác với quân lực Lê Trung Hưng để đánh bại nhà Mạc. Dòng họ Vũ này được phong tước Quốc Công, An Tây Vương rất hùng mạnh, khoảng giữa thế kỷ XVI chiếm toàn bộ vùng Tây Bắc và Bắc châu thổ sông Hồng rồi uy danh làm miền Nam Trung Quốc cũng phải nể sợ, làm họ Mạc, họ Trịnh đều ngại ngùng. Vũ Văn Mật cùng anh được nhân dân vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang tôn là Đức Chúa Bầu. Dân chúng tụ họp làm ăn kinh tế, thương mại suốt 35 năm (1545 - 1580) khá phồn thịnh và thanh bình… và dòng họ Vũ ở Thành Nhà Bầu này kế tiếp làm chúa một cõi suốt hai đời Quận Công, ba đời Quốc Công, hai đời Tước Vương… từ khoảng các năm từ 1530 – 1710 mới chấm dứt làm lãnh chúa… Sự nghiệp chính chỉ có gần 200 năm lịch sử và chỉ có uy danh ở miền núi Tây Bắc mà thôi…”. Đoạn sử liệu có thể là cơ sở định hướng để nghiên cứu theo hướng này.

Địa tầng các hố đào phát lộ cùng thời lịch sử cát cứ trên là khá đậm đặc, các loại hình vật liệu kiến trúc thời Lê được tạo bởi đất nung, có phần khá cầu kỳ về trang trí (vật linh). Tuy nhiên, chỉ với hơn 7m2 và số các di vật ít ỏi thì chưa thể biết được diện mạo, quy mô của di tích này. Bảo Tàng còn muốn lưu ý hệ thống xung quanh (mộ vò điển hình thời Lê thế kỷ 15, 16, 17) và đã được lựa chọn di chuyển về bảo tàng từ thám sát khảo cổ học di tích.

Đồng Gio Ngòi, theo chúng tôi sơ bộ đánh giá bước đầu là xác định được địa điểm, phạm vi phân bố của di tích, lý giải tích chất và niên đại các lớp kiến trúc – văn hóa, quá trình tồn tại cũng như các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng ở đây. Tuy nhiên rất cần cuộc thám sát khai quật quy mô dài hạn khoảng 200m2 thì mới giải mã được toàn bộ mọi nỗi huyền khuyết của nhân dân sở tại.

 Nếu xác định rõ diện mạo, quy mô, tín ngưỡng của địa điểm này và được tôn tạo thì cùng với Đền Chùa Tháp Tân Lĩnh, Đền Thác Bà sẽ tạo nên hình tam giác di tích, mang lại giá trị lớn trong chiến lược phát huy giá trị lịch sử và danh thắng cấp quốc gia hồ Thác Bà.

Trước mắt đề nghị tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tạo điều để Bảo tàng tỉnh khai quật qui mô để làm rõ, ngoài việc giải tỏa được nỗi nghi ngờ “đất thiêng” còn tích cực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa đang tồn tại (tất nhiên cần một cuộc hội thảo khoa học sau kết quả  khai quật có quy mô). Đồng thời kiến nghị tỉnh và ngành tài nguyên môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét khoanh vùng bảo vệ di tích này.   

Lý Kim Khoa (Bảo tàng Yên Bái)

Các tin khác
Nhà báo Nguyễn Công Thắng (Thời báo Kinh tế Sài Gòn) phát biểu về quy định chính tả của một số tờ báo.

Mong muốn một văn bản mang tính pháp quy về ngôn ngữ và chữ viết để có sự thống nhất trong tiếng Việt là tinh thần chính trong cuộc hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng” diễn ra ngày 21.12.

Theo các chuyên gia, đàn đá Tuy An là bộ đàn đá hoàn chỉnh nhất về mặt kết cấu, thang âm.

Triển lãm Ảnh nghệ thuật thu hút nhiều người xem.

Trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32 tại thành phố Vinh, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Một số hình ảnh của người làm truyền hình Việt Nam” và Triển lãm công nghệ - kỹ thuật truyền hình đã được khai mạc ngày 19-12

Giây phút đăng quang của Olivia Culpo.

Vượt qua 88 người đẹp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đại diện nước chủ nhà Mỹ Olivia Culpo đã trở thành chủ nhân của ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ 2012.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục