Một khúc ca xuân
- Cập nhật: Thứ hai, 11/3/2013 | 8:58:25 AM
YBĐT - “Vĩ thanh người lính” – Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin năm 2000 và “Nơi dòng sông gặp biển” – tập thơ xuất bản năm 2010 của nhà thơ Ngọc Chấn có nhiều bài viết về mùa xuân với những rung động khác nhau nhưng đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng khó phai.
Xuân Tây Bắc.
|
Bằng cảm quan nghệ thuật tinh tế, nhà thơ Ngọc Chấn đã có những phát hiện vẻ đẹp mùa xuân dưới nhiều góc độ. Ẩn sau vẻ đẹp diệu kỳ của mùa xuân là những chiêm nghiệm về cuộc đời, về nhân tình thế thái khiến người đọc phải suy ngẫm.
Ai đó đã nói mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, khi chu trình một năm cũ đã khép kín, mùa xuân mở ra một không gian, thời gian mới mẻ, sinh động, đẹp diệu kỳ cho đất trời và lòng người. Đây là bài: “Xuân đến” với những điều “hư thực” trong “mắt mùa xuân”:
Lá đỏ vùi mình trong rét buốt
Rút ruột thời gian cây xanh lại con đường
Mầm non ẩn chứa điều hư thực
Mắt mùa xuân vơi đầy nhớ thương.
(Vĩ thanh người lính)
Mùa xuân với nhà thơ đã “hẹn hò”, chờ đợi tự bao giờ, để rồi khi xuân đến mà như thấy:
“Ta nhận trong ta lòng để ngỏ
Như mùa xuân
Mở cửa mặt trời”
(Vĩ thanh người lính)
“Mắt mùa xuân” và “Mở cửa mặt trời” là những sáng tạo nghệ thuật đem lại cho người đọc những rung cảm sâu lắng. Và đây là “Thơ tình của mùa xuân” mà tác giả như một người đi tìm được cái khoảnh khắc “nắng xe chỉ” trên đồi thì thật là độc đáo:
Vẫn biết trong em còn mơ mộng
Bao mùa xuân đi qua… cây đã đâm chồi
Vẫn biết lòng anh đâu còn rộng
Trước mùa xuân nắng xe chỉ trên đồi.
(Vĩ thanh người lính)
Ở bài: “Đợi xuân”, đằng sau những câu tả cảnh lại ẩn chưa một nỗi niềm:
“Bịn rịn đông qua trời ấm lại
Én đã chao nghiêng đợi chút thiền
Biển rộng, trời cao mà sóng lặng
Mây còn đỉnh núi trập trùng sương”.
(Nơi dòng sông gặp biển)
Thật vui khi có cái gì đó để ta mong ngóng, thấp thỏm, đợi chờ mà lại là đợi chờ mùa xuân thì lòng ta đã yêu thương mùa xuân biết bao. Hơi ấm nồng nàn của đất trời lan tỏa, cánh én chao nghiêng lưng trời dệt những ngày xuân trong một không gian vô tận và thời gian tưởng như bất tận… Chỉ thế thôi đã khiến lòng ta xao xuyến vô hạn giữa đất trời quê hương.
Bài “Xuân sớm” là những bâng khuâng nhẹ nhàng trước con đường vắng, trước “cỏ cây nhựa ứ mầm”. Mùa đông còn dùng dằng chưa dứt, mùa xuân đã tới gieo vào lòng thi sĩ một tứ thơ ngọt ngào. Và đây những hạt mưa xuân rắc lên hè phố lớp bụi li ti đẹp đến ngỡ ngàng, hoa lá tươi non, lòng người mở ra với bao buồn vui suy ngẫm về thế thái nhân tình, dù thời gian cứ trôi, dù là tuổi hai mươi hay khi tóc đã pha sương, lòng ta làm sao có thể thờ ơ với mùa xuân.
“Ngày xuân” như một tiếng lòng thảnh thơi của một con người biết sống an nhiên, tự tại dù đời không ai tránh khỏi “bão táp, mưa sa” nhưng đời vẫn đẹp nếu ta biết yêu đời, yêu mùa xuân. Và đây một buổi “Chiều xuân”, nhớ quê, nhớ nhà da diết làm cho những dòng lục bát tuôn trào nhuần nhị không hề lỗi nhịp nào: từ đất trời, “tre xanh”, “mây bay”, “cánh diều”, “nắng mưa”, “gió sương”, “khói đồng”… Tất cả những gì là của quê hương đã lắng đọng, đã hòa quyện, sưởi ấm lòng người xa quê khiến thi sĩ rưng rưng thốt lên:
“Khói đồng kín cả chiều xuân
Nửa đời mới biết người thân vẫn chờ”.
(Nơi dòng sông gặp biển)
Nếu như các bài trên, cảm xúc dồn nén trong bốn câu thì “Một thoáng xuân” lại có bốn khổ, mỗi khổ như một bức tranh xuân được chấm phá bằng những nét xuân rất tinh tế để tạo ra một “bộ tứ bình” xuân có đủ sắc màu, âm thanh, đường nét, hương vị… và tất cả như được vờn vẽ trên lụa mịn màng , âm hưởng thơ dịu dàng đằm lắng biết bao. Đặc biệt là màu xanh mơn mởn của cỏ xuân cùng màu nâu dịu hiền của đất mẹ và nét đẹp của cô thôn nữ gánh mạ ra đồng như một thứ men say khiến người ta lâng lâng mãi khi ngắm bộ tứ bình thơ này.
Ngay cả trong những bài không viết về đề tài mùa xuân như: “Khúc tự tình” và “Dạ khúc thời gian” mùa xuân vẫn cứ hiện hữu:
“Có còn trong ta mùa xuân gõ cửa
Có còn trong em ánh mắt giao thừa”.
(Nơi dòng sông gặp biển)
Đặc biệt, những bài thơ mới viết trước thềm năm mới 2013, nhà thơ Ngọc Chấn đã gửi gắm những thông điệp của tình yêu và cuộc sống qua mỗi ý thơ “Khi mùa xuân đến”:
Khi nhận ra mùa xuân đến sớm
Thì lòng ta thương nhớ cũng qua rồi
Cánh chim én bay ngang mùa lá rụng
Neo nỗi buồn lằng lặng phía trời xa
Xuân đến sao nhà thơ lại “buồn lằng lặng”?
Cứ ngỡ ý thơ bị ghì níu bởi nỗi buồn ấy thì thật bất ngờ, câu cuối lại le lói một mầm xuân như bản tình ca ngân lên từ đất:
“Khi nhận ra mùa xuân đến sớm
Đất nhẹ nhàng mơn mởn dọc bờ đê”
Đặc biệt ở bài “Gió”, không hề dùng một từ “xuân” nào, người đọc trăn trở trước nỗi buồn sâu lắng của nhà thơ:
“Dường như gió đã thay lời/
Cây chưa dạo nhạc đất trời hư vô/ Lơ thơ sóng vẫn vỗ bờ
Trắng phau cát bụi hững hờ ngàn năm”
Thế mà chỉ một nụ đào đã bừng lên sắc thắm của mùa xuân trong mênh mông sâu thẳm của đất trời và lòng người:
“Vẫn còn một chút xa xăm
Đào phai gõ cửa lòng thăm thẳm lòng”
Để đến những câu thơ kết bài, người đọc như được đưa đến một cảm nhận mới về mùa xuân:
“Sương mờ mịt nẻo chờ mong
Lẻ loi mắt biếc đông vừa đi qua/ Dấu xưa chân bỗng nhạt nhòa
Gió thoang thoảng gió đi qua tháng ngày”
Nhà thơ Ngọc Chấn vốn là bộ đội lái xe tăng, anh đã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ những ngày đầu với chiến thắng Phước Long nổi tiếng. Một thời vào sinh ra tử mới hiểu được cái giá của một ngày hòa bình, mới thấm thía hơn ai hết vẻ đẹp của một ngày xuân thanh bình trên quê hương đất nước thân yêu. Điều này thật bình dị nhưng cũng thật đặc biệt. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi xuân về, trái tim anh ngân lên bao cung bậc xuân, cùng bao vui buồn, suy ngẫm nhưng trước hết vẫn là vô số nốt nhạc trong trẻo của khúc ca xuân yêu người, yêu đời tha thiết.
Dương Hiền Nga
Các tin khác
“Anh cả làng hiphop” bỗng dưng thụt lùi về kỹ thuật và ý tưởng cho bài thi ở bán kết 4. Chàng trai khuyết tật Dương Quyết Thắng gây nức lòng với ca khúc “Đứa bé” và nhóm kung fu Lý Á Bằng cống hiến cho khán giả màn phô diễn tài năng đầy kịch tính. Đó là những dấu ấn có được từ bán kết 4 Got Talent.
Tối 9-3, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ khai mạc lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV tại Quảng trường 10-3, TP Buôn Ma Thuột. Tham dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Đại Quang cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, khách mời quốc tế và hàng trăm người dân địa phương, du khách trong nước.
Ở chợ phiên Sì Lở Lầu, bên cạnh những món hàng “khó hiểu”, thứ được trưng nhiều nhất là những nụ cười vui
Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2013 với chủ đề “Vượt qua sợ hãi” (đối với thể loại văn xuôi sáng tác cho độc giả lứa tuổi 10-14 tuổi) và “Lễ hội quê em” (đối với thể loại truyện tranh sáng tác cho độc giả lứa tuổi 3-6 tuổi) đã chính thức được phát động.