Điện ảnh Yên Bái: 60 năm một chặng đường
- Cập nhật: Thứ tư, 13/3/2013 | 8:57:22 AM
YBĐT - Phát huy những kết quả đã đạt được qua 60 năm, trong thời gian tới, những người làm công tác điện ảnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chiếu phim ở cơ sở, đặc biệt tăng các buổi chiếu ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái...
Chuẩn bị chiếu phim tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy tại thôn Sân Bay, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.
|
Ngày 15 tháng 3 năm 1953, tại khu đồi cọ Việt Bắc - căn cứ địa Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam nhằm tôn vinh và ghi nhận công lao đóng góp của những người làm công việc sáng tác, phổ biến tác phẩm điện ảnh cách mạng đến với đông đảo công chúng. Đến tháng 7/2009, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cho phép lấy ngày 15-3 là ngày “Điện ảnh Việt Nam”.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, 60 năm qua, Điện ảnh Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và phát triển. Đã có không ít những cán bộ từ đạo diễn, quay phim đến phát hành phim, thuyết minh phim, công nhân máy chiếu, máy nổ và các cán bộ phục vụ trong ngành luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng, không quản ngại hy sinh thân mình để có được những thước phim hay và trở thành di sản tư liệu quý giá cho dân tộc.
Đến nay, Điện ảnh Việt Nam đã có hàng trăm tác phẩm điện ảnh với đủ các thể loại: phim truyện, phim thời sự tài liệu, phóng sự, ghi nhanh, phim hoạt hình, phim thiếu nhi… nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế. Mỗi tác phẩm điện ảnh đều ghi lại dấu ấn lịch sử, chặng đường đấu tranh phát triển của đất nước.
Đối với điện ảnh Yên Bái, được ra đời và phát triển bắt đầu từ Phòng Chiếu bóng thuộc Ty Văn hóa tỉnh Yên Bái. Phòng là cơ quan quản lý và tổ chức các hoạt động cho 2 đoàn chiếu bóng do Trung ương cử về chiếu phim phục vụ ở địa phương. Trước yêu cầu phục vụ công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ ở miền Bắc và nhu cầu phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc, các đội chiếu bóng lưu động tiếp tục được thành lập.
Năm 1965, Yên Bái có 12 đội chiếu bóng phục vụ lưu động trên địa bàn các huyện, thị trong tỉnh. Bình quân mỗi đơn vị thực hiện từ 150 - 180 buổi một năm, thu hút hàng vạn lượt người xem. Từ năm 1976- 1991 (thời kỳ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn), mạng lưới chiếu bóng của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh, mỗi huyện, thị có từ 1 đến 2 đơn vị chiếu bóng. Toàn tỉnh có có 6 rạp, 10 bãi chiếu phim cố định, 27 đội chiếu phim lưu động. Có thể nói đây là thời kỳ hoàng kim nhất của hoạt động phát hành phim và chiếu bóng với số đội chiếu bóng tăng nhanh, số buổi chiếu phim đạt đến 3.000 buổi/năm. Mức hưởng thụ xem phim của nhân dân các dân tộc bình quân đạt đến trên 4 lượt người/năm.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống xã hội được nâng cao thì cũng là lúc ngành điện ảnh Việt Nam nói chung và điện ảnh Yên Bái nói riêng phải đối mặt với những thử thách và khó khăn mới. Đó là việc hoạt động nghệ thuật vui chơi giải trí phát triển, truyền hình đa dạng với các chương trình được phủ sóng 24/24 giờ.
Tuy nhiên, có một thực tế là tại các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế và giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, chưa có sóng truyền hình thì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và xem phim của quần chúng nhân dân lao động vẫn không giảm mà tăng, do vậy đã phần nào động viên, khích lệ những người làm công tác điện ảnh.
Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch), năm 1992, Công ty Điện ảnh và Băng hình tỉnh Yên Bái đã chuyển thành Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng. Bước chuyển cơ chế đã góp phần hồi sinh các đơn vị chiếu bóng của các huyện và tỉnh. 15 đơn vị chiếu phim được trang bị đầy đủ máy video, máy nổ và cấp kinh phí hoạt động, bình quân mỗi đội chiếu từ 170 - 190 buổi/năm ở cả vùng thấp lẫn vùng cao.
Từ năm 1993, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa – Thông tin, Cục Điện ảnh, Sở Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng được đầu tư hệ thống thiết bị lồng tiếng dân tộc và chương trình băng đĩa hình miền núi – dân tộc. Bình quân mỗi năm, Trung tâm đã biên tập, lồng tiếng, in sao 12 chương trình đĩa hình miền núi – dân tộc với khoảng 200 đĩa hình cấp cơ sở.
Thực hiện Nghị quyết 87/CP của Chính phủ, Trung tâm đã góp phần “xây” để “chống” bằng việc phát hành nhiều chương trình băng đĩa hình phim truyện phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân. Trong mô hình hoạt động mới, điện ảnh Yên Bái vẫn có những nỗ lực hết sức to lớn, vượt qua những thách thức, tận dụng thời cơ thuận lợi, đột phá sáng tạo, nhất là trong công tác phát hành phim, chiếu phim phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nhằm đưa những giá trị nhân văn của “nghệ thuật thứ 7” đến với đông đảo quảng đại quần chúng.
Các đội chiếu bóng lưu động đã tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới vùng đồng bào các dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa thông qua những thước phim đã lồng tiếng dân tộc với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nhân dân và được chính quyền sở tại đánh giá cao.
Một buổi chiếu phim 3D.
Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ loại hình chiếu phim chất lượng cao 3D, 4D ở các vùng đô thị thành phố và các thị trấn trong tỉnh, đến nay, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng cũng đã và đang từng bước đổi mới công nghệ chiếu phim, mua sắm máy chiếu phim 3D lưu động, các máy chiếu có độ nét cao 300 inch màn ảnh rộng thay thế dần máy chiếu phim 100 inch ở các đội chiếu bóng lưu động. Kết quả bước đầu đã được nhân dân đón nhận, ủng hộ, nhất là các bạn thanh thiếu niên.
Với chỉ tiêu kế hoạch giao hàng năm là 850 buổi chiếu, trong đó có 320 buổi chiếu tại vùng cao, Trung tâm năm nào cũng đạt và vượt chỉ tiêu. Do vậy nên đã nhiều năm liên tục Trung tâm được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Cục Điện ảnh, UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Điển hình như: Huân chương Lao động hạng II năm 1956, Huân chương Lao động hạng III do Chủ tịch nước tặng thưởng năm 1958; bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các năm 2005, 2007, 2009, 2010, giấy khen của Cục Điện ảnh tặng năm 1997.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, những người làm công tác điện ảnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chiếu phim ở cơ sở, đặc biệt tăng các buổi chiếu ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; nâng cao số lượng, chất lượng đĩa hình các chương trình dân tộc miền núi chuyển về cơ sở cho các nhà văn hóa thôn bản; củng cố, đổi mới tổ chức các đội chiếu bóng của tỉnh theo phương thức gọn nhẹ; tăng đội chiếu bóng, đổi mới chất lượng tuyên truyền trước buổi chiếu nhằm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân.
Nguyễn Thị Thủy -Phó giám đốc Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh Yên Bái
Các tin khác
Tối qua (12/3), Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 năm 2013 đã khép lại với một chương trình bế mạc đầy màu sắc, mang chủ đề “Hương sắc cao nguyên".
Không nằm ngoài dự đoán, Dương Quyết Thắng đã tiến thẳng vào vòng chung kết Got Talent với số phiếu bình chọn cao nhất.
YBĐT - Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng vệ sinh khu vực nông nghiệp, nông thôn thị xã Nghĩa Lộ giai đoạn 2009 - 2012”, qua 4 năm triển khai, thị xã Nghĩa Lộ đã đạt được những kết quả nhất định.
Sắp tới, các ca khúc trước năm 1975 ở miền Nam và của nhạc sỹ Việt ở nước ngoài sẽ được thu thập, xét duyệt và phổ biến.