Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – Lý Sơn – Quảng Ngãi:

Nghi lễ khẳng định chủ quyền

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/4/2013 | 8:32:06 AM

Năm nay, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được các tộc họ trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Chuẩn bị thả thuyền câu mang theo hình nhân thế mạng.
Chuẩn bị thả thuyền câu mang theo hình nhân thế mạng.

Nghi lễ độc đáo này cũng đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay gắn liền với Tuần lễ Văn hóa biển đảo năm 2013 tại Quảng Ngãi

Lực hút của lễ

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Tuần lễ Văn hóa biển đảo năm 2013 tại Quảng Ngãi kéo dài từ ngày 25 – 29.4. Tuy nhiên, các hoạt động chính của lễ hội diễn ra trong hai ngày 27 và 28.4. Chọn dịp này để tổ chức Lễ khao lề thế lính cũng chỉ là ước lệ, chứ rất khó biết chính xác ngày nào đội binh phu Hoàng Sa được thành lập.

Chỉ biết rằng, từ khi trấn nhậm phương Nam, Chúa Nguyễn đã tuyển mộ “đội quân” này đưa ra Hoàng Sa đo đạc hải trình, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật. Do vậy, hằng năm, cứ vào cữ tháng 2, tháng 3 âm lịch, khi những đợt gió mùa ngừng thổi trên biển Đông, các ngư dân được chọn lại giong buồm trực chỉ Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, hải trình trên dặm dài sóng nước, họ luôn đối mặt với muôn vàn hiểm nguy nên người ở lại mới nghĩ ra cách dùng hình nhân thế mạng, đặt trên các con thuyền thả trôi ra biển để người ra đi an tâm.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – GĐ Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi - Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ có ở Lý Sơn mà đây là lễ thức dân gian, tín ngưỡng của ngư dân ở khắp các miệt biển tỉnh Quảng Ngãi. Bởi vậy, nơi nào có ngư dân đi Hoàng Sa năm xưa thì hằng năm bà con đều tổ chức nghi lễ để tưởng vọng, tri ân tiền nhân và cũng để khẳng định một chân lý: Hoàng Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Theo dự báo của Ban tổ chức, lượng khách đến đảo Lý Sơn và TP.Quảng Ngãi trong dịp này khoảng 2.000 người. Với con số “khủng” này, từ nhiều tháng trước, 6 nhà hàng, khách sạn trên đảo, có sức chứa khoảng 350 người đã được đặt kín chỗ. Số còn lại phải tá túc nhà dân hoặc tính toán phương án đi về trong ngày. Huyện Lý Sơn cũng vận động chủ nhân các ngôi nhà cổ trên đảo cho phép khách du lịch vào lưu trú theo hình thức  homestay, nhằm giúp du khách có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về “đội hùng binh Hoàng Sa” năm xưa. Bởi, hệ thống nhà cổ trên đất đảo chính là nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật, bằng chứng liên quan đến các đội “hùng binh” can trường ngày ấy. Ông Phạm Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn - cho biết, địa phương đang hoàn tất những khâu cuối cùng để chương trình lễ hội diễn ra đúng dự kiến. "Đây là cơ hội để huyện Lý Sơn thu hút du khách, phát triển tiềm năng du lịch vốn bị khuất lấp lâu nay” - ông Linh chia sẻ.

Dấu ấn Lý Sơn

“Người Quảng Ngãi làm đẹp cho Quảng Ngãi” - đó là slogan được TP.Quảng Ngãi lựa chọn để làm hài lòng du khách đến với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Tuần lễ Văn hóa biển đảo năm 2013 ở miền đất này. Bởi, cùng với phần chính là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, thì hàng loạt hoạt động mang đậm dấu ấn biển đảo sẽ đồng thời diễn ra tại Lý Sơn và TP.Quảng Ngãi.

Nhận định đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh quê hương, con người đất Quảng với bạn bè gần xa, ông Nguyễn Tăng Bính – Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi - đã tổ chức cuộc họp “bất thường” với các doanh nghiệp, tiểu thương, yêu cầu tuyệt đối không tăng giá các dịch vụ ăn uống, lưu trú, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, thành lập các tổ xe ôm, đội ngũ tình nguyện viên phục vụ đưa đón khách tham quan, du lịch. Một lo ngại khác đối với du khách là phương tiện ra vào đảo đã được Sở GTVT tỉnh này trấn an bằng việc huy động tàu cao tốc và các phương tiện khác phát huy hết công suất, không tăng giá vé để phục vụ, đưa đón du khách ra vào đảo Lý Sơn trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – GĐ Sở VHTTDL Quảng Ngãi, Phó thường trực Ban tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Tuần lễ Văn hóa biển đảo năm 2013: Các hoạt động của lễ hội đều xoay quanh “trục” chính là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, với mục đích làm nổi bật hồn cốt của nghi lễ độc đáo này, do vậy, BTC không “hành chính hóa” mà để cho dân Lý Sơn tự tổ chức lễ như đã từng làm từ hàng mấy trăm năm trước đây.    

(Theo LĐO)

Các tin khác

Việc đưa hát Then vào môi trường sư phạm như tại trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn là một cách bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật dân tộc độc đáo.

Dù ca hát không chiếm số lượng áp đảo, nhưng vẫn là tiết mục chiếm thế thượng phong tại chung kết và tại đêm gala chung kết. Hotboy ảo thuật Mạnh Phương và phù thủy ảo thuật Hồng Minh bất ngờ bị rớt khỏi đêm Gala. Và đặc biệt là bất ngờ sự lên ngôi quán quân của Trần Hữu Kiên.

Bản đặc biệt cuốn tiểu thuyết Khoảng Trống (The Casual vacancy) có chữ ký của nhà văn J. K. Rowling vừa bán với giá 10 triệu đồng tại phiên đấu giá do NXB Trẻ cùng Thư viện Khoa học Tổng hợp phối hợp tổ chức sáng 23-4.

DJ SlimV góp mặt trong một chương trình Rhapsody Philharmornic

Chương trình hòa nhạc "Những người khốn khổ" hay còn có tên Rhapsody Philharmonic nằm trong chuỗi hoạt động âm nhạc Tôi mơ một giấc mơ (I dreamed a dream) sẽ diễn ra từ tối ngày 27- 28/4 tại rạp Công Nhân, Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục