Quản lý chặt vắc xin tiêm chủng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 5/4/2014 | 9:06:23 AM

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 12/2014/TT-BYT hướng dẫn việc quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng.

Theo Thông tư, chỉ các cơ sở y tế đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng mới được phép thực hiện hoạt động tiêm chủng (cơ sở tiêm chủng).

Trước khi tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng phải tư vấn cho gia đình, người được tiêm chủng về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng. Đồng thời, phải khám sàng lọc cho người được tiêm chủng theo quy định; chỉ định tiêm chủng hoặc loại trừ các trường hợp có chống chỉ định hoặc trì hoãn tiêm chủng; cung cấp thông tin về loại vắc xin, liều sử dụng, hạn dùng cho người được tiêm chủng hoặc cha mẹ, người giám hộ của trẻ.

Trong khi tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng phải kiểm tra nhiệt độ bảo quản, hạn dùng, đối chiếu với chỉ định sử dụng vắc xin; thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định đối với từng loại vắc xin và các quy định về tiêm an toàn; thực hiện theo đúng quy định về các bước trước và trong khi tiêm chủng.

Theo dõi 30 phút sau tiêm tại cơ sở y tế

Sau khi tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng yêu cầu người được tiêm chủng phải ở lại cơ sở tiêm chủng tối thiểu 30 phút để theo dõi; đồng thời, phải hướng dẫn và phối hợp với gia đình hoặc người được tiêm chủng cách theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm.
 
Thông tin về từng trường hợp tiêm vắc xin phải được ghi đầy đủ vào sổ tiêm chủng (lưu tại cơ sở tiêm chủng) và phiếu tiêm chủng hoặc sổ tiêm chủng cá nhân trả lại cho gia đình hoặc người được tiêm chủng.

Thông tư nêu rõ, các lọ vắc xin đã mở quá thời gian quy định thì không được phép sử dụng tiếp. Vắc xin, bơm kim tiêm chưa sử dụng còn lại sau buổi tiêm phải được bảo quản theo quy định.

Giám sát phản ứng sau tiêm chủng

Tại cơ sở tiêm chủng, khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, người đứng đầu cơ sở tiêm chủng phải chỉ đạo dừng ngay buổi tiêm chủng; xử trí cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng; trường hợp vượt quá khả năng thì phải chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng đến bệnh viện gần nhất.

Bên cạnh đó, phải ghi chép đầy đủ thông tin về người được tiêm (bố mẹ - nếu là trẻ em); ngày, giờ tiêm chủng; loại vắc xin, tên vắc xin, số lô, hạn dùng, nhà sản xuất, đơn vị cung cấp vắc xin, số đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu. Ghi rõ ngày, giờ xuất hiện tai biến nặng sau tiêm chủng; các triệu chứng chính; kết quả điều trị; kết luận nguyên nhân (nếu có).

Bên cạnh đó, cơ sở tiêm chủng phải thống kê toàn bộ số lượng vắc xin đã sử dụng trong buổi tiêm chủng; số người đã được sử dụng theo loại vắc xin; tên vắc xin, số lô, hạn dùng của vắc xin; tình trạng sức khỏe của những người đã được tiêm chủng. Thống kê toàn bộ số vỏ lọ vắc xin, bơm kim tiêm đã sử dụng trong buổi tiêm chủng. Báo cáo tuyến trên theo quy định.

Tại nơi tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, người đứng đầu nơi tiếp nhận phải chỉ đạo tiến hành cấp cứu, xử trí và điều trị, báo cáo tuyến trên theo quy định.

Theo Thông tư, trong 24 giờ kể từ khi xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá nguyên nhân. Trường hợp nguyên nhân dẫn đến tai biến nặng nghi nhờ do chất lượng vắc xin, Giám đốc Sở Y tế quyết định tạm dừng sử dụng trên địa bàn quản lý lô vắc xin liên quan đến tai biến nặng sau tiêm chủng trên cơ sở ý kiến đồng ý của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế. Khi có kết luận không liên quan đến chất lượng vắc xin, Giám đốc Sở Y tế quyết định việc cho phép sử dụng lại lô vắc xin đó và thông báo tới Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế.

(Theo Chinhphu)

Các tin khác
Ảnh minh họa

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; chuẩn hóa giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; mức phí bán đấu giá cổ phần và các loại chứng khoán;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2014.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 31/2014/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Các địa phương cần kiểm tra các công trình thủy lợi trước khi mùa mưa lũ đến

Bộ trưởng Bộ NNPTNT vừa có công điện đề nghị các địa phương chủ động ứng phó và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ có thể gây ra trong thời gian tới.

YBĐT - Ngày Khí tượng thế giới năm 2014 (23 tháng 3) có chủ đề “Thời tiết và Khí hậu: Giới trẻ cùng hành động” với mục đích nâng cao nhận thức về khí hậu, thời tiết và biến đổi khí hậu của cộng đồng; qua đó kêu gọi sự tham gia của giới trẻ vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách liên quan. Đây cũng là dịp để khẳng định vai trò quan trọng, tích cực của giới trẻ trong việc giám sát, hiểu biết và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục