Về việc sửa đổi, bổ sung Luật quốc tịch năm 2008
- Cập nhật: Thứ ba, 22/4/2014 | 7:39:26 AM
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 161/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008.
|
Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp trước mắt cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII theo hướng gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thêm 5 năm (đến ngày 1/7/2019) đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, ký văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật quốc tịch Việt Nam vào Chương trình của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII để xem xét, thông qua.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao soạn thảo, trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật quốc tịch Việt Nam tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2014 để Chính phủ xem xét, cho ý kiến; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an khẩn trương soạn thảo, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009, theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và thực hiện các công việc khác có liên quan.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008. Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, trong đó có sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, tôn trọng quyền lựa chọn của người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 được Quốc hội khoá XII tại kỳ họp thứ tư thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, thay thế cho Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 20/5/1998 hiện hành.
Theo Luật quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày Luật có hiệu lực (1/7/2009), phải đăng ký giữ quốc tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (CQĐD) trong thời hạn 5 năm (1/7/2009 - 1/7/2014) để giữ quốc tịch Việt Nam.
Nghị định 78/2009/NĐ-CP quy định, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mà hộ chiếu Việt Nam không còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đăng ký.
(Theo Chinhphu)
Các tin khác
Ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5; Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; các kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông trung học, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng và kỳ nghỉ hè năm 2014.
Ngày 12/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về các giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, trong đó quy định về tiền lương, BHXH, BHYT đối với người giúp việc gia đình. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2014.
YBĐT - Ngày 13/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định quy định một số nội dung mới, cụ thể như sau: