Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 16 ngành, lĩnh vực

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/6/2014 | 8:11:45 AM

Quy định tại Quyết định ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước nhằm đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.

Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại doanh nghiệp truyền tảii điện.
Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại doanh nghiệp truyền tảii điện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định 37/2014/QĐ-TTg ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở để phân loại và đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước hiện có.

Quyết định quy định đối tượng phân loại bao gồm các công ty TNHH MTV do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước quyết định thành lập;

Các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần, vốn góp.

Tại danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, Quyết định nêu cụ thể 16 ngành, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm: 1. Doanh nghiệp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ. 2. Doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp; 3. Sản xuất, cung ứng hóa chất độc;
4. Doanh nghiệp truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia; thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; 5. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô thị; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đô thị.

6. Doanh nghiệp quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay có vai trò, vị trí quan trọng đối với quốc phòng, an ninh; dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; 7. Bảo đảm hàng hải; 8. Cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; 9. Xổ số kiến thiết; 10. Xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm).

11. Doanh nghiệp in, đúc tiền; 12. Đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh; 13. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè đá lấn biển; 14. Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; 15. Tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

16. Những doanh nghiệp thành viên có vai trò chủ yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, nắm giữ các bí quyết kinh doanh, công nghệ mà tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thiết phải nắm giữ 100% vốn để thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính được giao.

Nhà nước cũng sẽ nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên đối với 7 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa gồm: 1. Doanh nghiệp quản lý, khai thác, bảo trì cảng hàng không, sân bay (trừ các cảng hàng không, sân bay thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ); 2. Doanh nghiệp quản lý, khai thác cảng biển tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế; 3. Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; 4. Bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; 5. Cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông; 6. Khai thác khoáng sản quy mô lớn; 7. Khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên.

8 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% đến dưới 75% tổng số cổ phần gồm: 1. Chế biến dầu mỏ và khí tự nhiên; 2. Sản xuất thuốc lá điếu; 3. Những doanh nghiệp đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

4. Doanh nghiệp trồng và chế biến cao su, cà phê, trồng và quản lý rừng trồng tại các địa bàn chiến lược, miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh; 5. Những doanh nghiệp có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau: Bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; bán buôn lương thực; bán buôn xăng dầu.

6. Doanh nghiệp tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính); 7. Vận chuyển hàng không; 8. Phân phối điện.

Có 9 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần: 1. Doanh nghiệp thoát nước đô thị; 2. Vệ sinh môi trường; 3. Chiếu sáng đô thị; 4. Khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch đô thị; 5. Điều tra cơ bản về địa chất, khí tượng thủy văn; khảo sát, thăm dò, điều tra về tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các loại tài nguyên thiên nhiên.

6. Doanh nghiệp sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi và tinh đông; sản xuất vắcxin sinh phẩm y tế, vắcxin thú y; 7. Sản xuất hóa chất cơ bản, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; 8. Trồng và chế biến cao su, cà phê, trồng và quản lý rừng trồng tại các địa bàn không thuộc diện doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% đến dưới 75% tổng số cổ phần; 9. Vận tải đường biển quốc tế; vận tải đường sắt.

Quyết định này của Thủ tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2014, thay thế Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

(Theo VOV)

Các tin khác

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 994/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Tập đoàn Cao su Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên được nông dân góp vốn để thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La - ảnh minh họa

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có Quyết định về việc thí điểm cho hộ nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp có thời hạn để hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục