Bãi bỏ quy định mất quốc tịch nếu không đăng ký

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/7/2014 | 2:05:53 PM

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký Lệnh số 10/2014/L-CTN ngày 26/6/2014 công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, theo đó bãi bỏ khoản 3 Điều 26 của Luật hiện hành...

Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương.
Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương.

Theo Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực ngay từ ngày 26/6/2014, Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành sẽ được sửa đổi bổ sung như sau: Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.

Luật sửa đổi cũng quy định, người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam nộp tờ khai và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của Bộ Ngoại giao.

Trường hợp người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam có giấy tờ chứng minh người đó có quốc tịch Việt Nam thì cơ quan đại diện Việt Nam ghi vào Sổ đăng ký giữ quốc tịch là người đó có quốc tịch Việt Nam và hướng dẫn làm thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam không có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh không rõ thì cơ quan đại diện Việt Nam báo cáo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp tiến hành xác minh và kết quả xác minh được ghi vào Sổ đăng ký giữ quốc tịch. Người được xác minh là có quốc tịch Việt Nam thì được cơ quan đại diện Việt Nam hướng dẫn thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Luật sửa đổi bãi bỏ khoản 3 Điều 26 của Luật hiện hành, đó là điều khoản quy định về việc một người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và thời hạn cuối cùng phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam là ngày 1/7/2014.

Trước đó, thảo luận về điều khoản này, cơ bản các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên. Trong thảo luận, có ý kiến đề nghị kéo dài thời hạn đăng ký giữ quốc tịch thêm 5 đến 10 năm nữa hoặc giao Bộ Tư pháp quy định cụ thể thời hạn đăng ký giữ quốc tịch để tạo sự linh hoạt.

 Tuy nhiên, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định về việc đăng ký quốc tịch Việt Nam bởi có quốc tịch là một quyền dân sự, quyền nhân thân cơ bản của người dân đã được pháp luật ghi nhận, do đó, không nên quy định một người mặc nhiên bị mất quốc tịch nếu không thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch như quy định của Luật hiện hành.

“Việc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà đối với một bộ phận công dân Việt Nam, không phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng như chủ trương đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay.” – Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến và đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 13 của Luật quốc tịch Việt Nam như đã trình bày ở trên.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định như vậy nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được quy định tại Điều 18 của Hiến pháp và Điều 7 của Luật quốc tịch Việt Nam, đồng thời xác định đây là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 như trên sẽ kết nối với quy định hiện có về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, không tạo ra thêm các loại giấy tờ hay thủ tục mới.

(Theo VnMedia)

Các tin khác

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt nếu đội các loại MBH dỏm.

Xử phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm; siết chặt quản lý kinh doanh đa cấp; cấm nghệ sĩ hút thuốc trên sân khấu; hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài khi xuất cảnh… là những quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 và ban hành thiết kế mẫu áp dụng đối với Đề án phát triển giao thông nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1049/QĐ-TTg ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục