Công bố 5 Luật và 3 Nghị quyết mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/12/2014 | 8:04:41 AM

Sáng 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 5 Luật và 3 Nghị quyết mới đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Trong số 5 luật và 3 Nghị quyết, bao gồm có: Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật của hàng không dân dụng Việt Nam; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Không hạ hàm Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố đã được phong cấp tướng

Giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Công an nhân dân, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho biết: Để bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương quan giữa CAND và Quân đội nhân dân, đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm của CAND trong giai đoạn mới, Luật quy định chặt chẽ, cụ thể các vị trí, chức vụ của sĩ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng. Ở địa phương, Luật quy định chức vụ Giám đốc Công an TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại có cấp bậc cao nhất là Đại tá.

Đồng thời, Luật bổ sung quy định thời hạn thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng và trong mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm.
 
Trước băn khoăn của báo chí về việc hiện nay Giám đốc Công an nhiều địa phương đang mang quân hàm cấp tướng, vậy khi Luật này có hiệu lực phải giải quyết thế nào? Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu cho hay: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ điều động, luân chuyển để bố trí Giám đốc Công an tại các địa phương. Các đồng chí đã được phong cấp tướng rồi thì phải giữ nguyên cho đến khi nghỉ. Không có lý do và luật lệ nào để tước quân hàm cấp tướng. Nếu xứng đáng làm giám đốc thì vẫn phải bố trí làm giám đốc. Quan điểm của Đảng ủy Công an Trung ương là phải thực hiện nghiêm Luật đã được Quốc hội thông qua”.

Luật Công an nhân dân (CAND) gồm 7 Chương, 45 Điều quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với CAND, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Các quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này được công bố.

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân

Luật Căn cước công dân gồm 6 chương 39 điều quy định về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, sử dụng thẻ Căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho hay: Về độ tuổi, Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân để bảo đảm tính ổn định của các thông tin về nhân dạng của công dân đã quy định trong Luật.

Điều 20 Luật khẳng định rõ giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân. Theo đó, thẻ có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ. `

Điểm mới đáng lưu ý là Luật quy định công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu; đổi thẻ khi đến tuổi đổi thẻ theo quy định của Luật.

Trần quân hàm của Tư lệnh TP.Hồ Chí Minh là Trung tướng

Đề cập đến các nội dung mới của Luật sửa đổi một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Mai Quang Phấn, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng cho biết: So với quy định của pháp luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung có điều chỉnh quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đối với một số chức vụ của sĩ quan, đồng thời quy định cụ thể số lượng cấp phó có quân hàm là cấp tướng.
 
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung, trần quân hàm của Tư lệnh TP.Hồ Chí Minh là Trung tướng cao hơn trần quân hàm Phó Tư lệnh Quân khu 7 là Thiếu tướng. Một số ý kiến cho rằng quy định mới này dẫn tới khó làm việc vì cấp hàm của cấp dưới cao hơn cấp hàm của lãnh đạo. Về vấn đề này, Trung tướng Mai Quang Phấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng cho biết: “Việc này cũng rất bình thường trong thực tiễn, đồng chí nào có cấp vụ cao hơn đồng chí đó lãnh đạo, chỉ huy. Luật đã quy định thì phải tuân thủ nghiêm”.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Các quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này được công bố..

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa phiếu “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức

Ngày 28/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông, Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Theo đó, “Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ”.

Về mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu lấy tín nhiệm, nghị quyết tiếp tục quy định bỏ phiếu kín với các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Đáng chú ý, Điều 10 Nghị quyết quy định: Người được lấy phiếu tín nhiệm có có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Luật Tổ chức Quốc hội gồm 7 chương 102 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội… Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Luật đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại 16 điều Luật tương ứng với 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội đã được ghi nhận tại Điều 69 và 70 của Hiến pháp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam có hiêu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Để khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Luật bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, nghĩa vụ duy trì các điều kiện và chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển; bổ sung trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được thông báo trước.

Ngày 28/11/2014, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 84/2014/QH13 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật gồm 50 điều. Việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm hiện nay là rất quan trọng, thể hiện sự tôn trọng cam kết, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền, tăng vị thế chính trị và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu: Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn là sự kiện chính trị pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ nhân quyền và thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, góp phần thiết thực thực thi Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013. Đồng thời, khẳng định chính sách nhất quán của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại và trao đổi với các nước và tổ chức quốc tế về nhân quyền.


 (Theo HNMO)

Các tin khác
Rừng tự nhiên ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020 nhằm quản lý chặt chẽ khai thác gỗ rừng tự nhiên, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Điều lệ trường đại học vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Điều lệ này quy định về nhiệm vụ và quyền hạn; tổ chức và quản lý trường đại học; hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế; giảng viên và người học; tài chính và tài sản; quan hệ giữa trường đại học, gia đình và xã hội; tổ chức thực hiện Điều lệ trường đại học.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về Y tế xã, phường, thị trấn. Nghị định có hiệu lực từ ngày 31/1/2015.

Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải vừa có Công điện 108/CĐ-BGTVT về việc chuẩn bị phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Ất Mùi năm 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục