3 điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp
- Cập nhật: Thứ hai, 23/3/2015 | 8:26:48 AM
Tại Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
|
Theo Dự thảo, tên doanh nghiệp phải viết được bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được và bao gồm 2 thành tố theo thứ tự sau đây:
1- Loại hình doanh nghiệp, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần (CP), công ty hợp danh (HD), doanh nghiệp tư nhân (TN);
2- Tên riêng của doanh nghiệp: Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp chỉ được sử dụng ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề đó hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức đó. Tên tập đoàn kinh tế Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Dự thảo cũng nêu rõ 3 điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp: 1- Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã giải thể; 2- Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; 3- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.
Không đặt tên trùng, gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác
Theo Dự thảo, tên trùng là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
Các trường hợp được coi là gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác được nêu rõ tại dự thảo như sau: Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu "&"; ký hiệu "-" ; chữ "và"; tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp khác đã đăng ký; tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp khác đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi một hoặc một số số tự nhiên, số thứ tự hoặc một hoặc một số chữ cái tiếng Việt (A, B, C,...) ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ "tân" ngay trước, hoặc “mới" ngay sau tên của doanh nghiệp đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi các từ "miền Bắc", "miền Nam", "miền Trung", "miền Tây", "miền Đông" hoặc các từ có ý nghĩa tương tự; trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc trực thuộc Bộ Y tế trên cơ sở Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần tỉnh Phú Thọ.
Chiều 18/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo giới thiệu về Nghị định số 21/2015/NĐ- CP ngày 14/2/2015 (Nghị định 21) của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện số 377/CĐ-TTg về việc đảm bảo an ninh trật tự cho Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132).
Nghị định số 10 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, có hiệu lực từ ngày 15/3.