Phê duyệt đề án 778,8 tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa
- Cập nhật: Thứ bảy, 11/4/2015 | 6:58:51 AM
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng đại trà từ năm học 2018-2019.
Từ năm học 2018-2019 sẽ triển khai sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu từng cấp học.
|
Vừa tích hợp, vừa phân hóa
Theo Đề án, chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dụng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực, chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống…
Học sinh được xác định là trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh, tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy giáo, cô giáo.
Chương trình, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên.
Cụ thể, ở các lớp dưới thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lý để tạo thành các môn học tích hợp, giảm số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết với học sinh.
Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn bắt buộc chung còn có các môn, chuyên đề cho học sinh tự chọn để thực hiện phân hóa.
Bên cạnh đó, chương trình, sách giáo khoa mới cũng phải góp phần tạo động lực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Bắt đầu học sách giáo khoa mới từ năm học 2018-2019
Lộ trình thực hiện Đề án được chia làm ba giai đoạn.
Giai đoạn một từ tháng 4/2015 đến tháng 6/2016. Đây là giai đoạn chuẩn bị các điều kiện thực hiện với các hoạt động như tổ chức thông tin tuyên truyền, xây dựng và phê duyệt các đề án liên quan, thành lập ban chỉ đạo đổi mới chương trình-sách giáo khoa, tập huấn và bồi dưỡng người tham gia biên soạn, xây dựng cơ chế chính sách liên quan…
Giai đoạn hai từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2018. Nhiệm vụ của giai đoạn này là tổ chức biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành được ít nhất một bộ sách giáo khoa mới của các lớp đầu cấp là lớp 1, lớp 6 và lớp 10.
Cùng với việc biên soạn sách là biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới với các lớp đầu cấp; biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương.
Giai đoạn ba từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2023. Cụ thể, từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Vì thế, trong giai đoạn này sẽ phải biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành sách giáo khoa mới của các lớp còn lại.
Đồng bộ với việc ban hành sách là công tác tập huấn bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới đối với các giáo viên còn lại.
Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa
Một trong những nguyên tắc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới là thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Chương trình mới được xây dựng, thẩm định và ban hành trước làm cơ sở cho việc biên soạn sách.
Chương trình mới được thực hiện thống nhất trong toàn quốc, trong đó quy định những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh sau mỗi cấp học, nội dung và thời lượng giáo dục bắt buộc với tất cả học sinh. Bên cạnh đó vẫn có một phần thích hợp để các cơ sở giáo dục chủ động vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Chương trình phải xác định cụ thể nội dung và yêu cầu cần đạt đối với mỗi môn học, lớp học, cấp học nhưng không quá chi tiết để căn cứ vào chương trình biên soạn được nhiều sách giáo khoa.
Đề án nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học, đảm bảo tiến độ theo lộ trình của đề án.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Sách giáo khoa phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cho phép sử dụng, xuất bản.
Việc lựa chọn sách thuộc thẩm quyền của nhà trường và được thực hiện công khai, minh bạch, có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Kinh phí nhà nước 778,8 tỷ đồng
Đề án được phê duyệt nêu rõ hai nguồn kinh phí để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa là kinh phí nhà nước và kinh phí huy động bên ngoài.
Trong đó, Nhà nước bố trí 778,8 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này phục vụ việc xây dựng, thử nghiệm, thẩm chương trình; biên soạn và thử nghiệm một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện (trong đó có sách giáo khoa song ngữ tiếng Việt – tiếng một số dân tộc ít người đối với một số môn học ở cấp tiểu học).
Ngân sách Nhà nước cũng chi việc tập buấn, bồi dưỡng đội ngũ xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên và cung cấp sách giáo khoa cho các trường miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật.
Bên cạnh chi từ Nhà nước còn có kinh phí huy động của các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân để biên soạn các sách giáo khoa ngoài bộ sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn.
Quyết định phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký là 27/3.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn chức danh nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu đường sắt đô thị.
Ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quyết định số 1122/QĐ-BNN-BVTV về việc công bố thủ tục hành chính thay thế, thủ tục hành chính bị bãi bỏ, hủy bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao (cấp) không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT).