Thủ tướng chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Mers-Cov
- Cập nhật: Thứ năm, 4/6/2015 | 8:02:03 AM
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc phòng, chống dịch bệnh gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung đông do vi rút Corona (Mers-Cov).
Ảnh minh họa
|
Công điện nêu rõ, dịch bệnh gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona gây ra (gọi tắt là Mers-Cov) đang bùng phát tại 9 quốc gia vùng Trung Đông và đã lan đến nhiều quốc gia khác, trong đó đáng chú ý có những quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines.
Tính đến ngày 3/6 thế giới đã ghi nhận 1179 trường hợp mắc bệnh Mers-Cov trong đó có 442 trường hợp tử vong. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiếp xúc gần hoặc nước bọt.
Nhằm chủ động kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức y tế thế giới, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh Mers-Cov để thông báo kịp thời về tính nguy hiểm, nguyên nhân lây bệnh, cách thức lan truyền và phương pháp phòng, chống dịch cho nhân dân biết để nhân dân chủ động phòng, chống dịch Mers-Cov; đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam để chủ động lên kế hoạch phòng, chống.
Các Bộ: Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Mers-Cov của Bộ Y tế, có kế hoạch triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh Mers-Cov lây nhiễm vào Việt Nam.
Bộ Y tế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh Mers-Cov tại các cửa khẩu cũng như hướng dẫn, tập huấn, diễn tập việc theo dõi, cách ly y tế, chăm sóc y tế đối với các trường hợp mắc bệnh dịch Mers-Cov tại các cửa khẩu cũng như tại địa phương nhằm chủ động chống dịch, ngăn chặn lan rộng ra cộng đồng và chạn chế thấp nhất tử vong và số người mắc bệnh trong trường hợp có dịch nhiễm vào Việt Nam.
Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khuyến nghị người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch bệnh Mers-Cov; cũng như những trường hợp đang ở vùng dịch có nhu cầu đến, hoặc trở về Việt Nam.
Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch của ngành y tế.
Việt Nam chuẩn bị ứng phó khẩn cấp với MERS-CoV
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch MERS-CoV khi ngày 3/6, số nhiễm MERS-CoV ở Hàn Quốc đã tăng lên 30 người, nhiều hơn 5 người so với một ngày trước đó, ngày 3/6, tại Hà Nội, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về công tác phòng chống và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (MERS-CoV) nhằm đối phó với tình huống dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập vào Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS, TS) Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, các bệnh dịch nguy hiểm (như dịch SARS, cúm A/H5N1…) xâm nhập vào Việt Nam thường được phát hiện từ bệnh viện. Bệnh dịch MERS-CoV có đặc điểm thời gian ủ bệnh lâu (14 ngày), các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn, khó phân biệt với một số bệnh cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, do đó, công tác khai thác thông tin, các yếu tố dịch tễ của người bệnh từ vùng có dịch, công tác khám chữa bệnh, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh trong bệnh viện đóng vai trò quan trọng và rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm từ WHO.
Theo các chuyên gia của WHO tại Việt Nam, từ dịch SARS cho thấy, kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý ca bệnh rất quan trọng. Các cán bộ y tế, người chăm sóc là những người có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh nên cần tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên khi tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng sốt, ho… Các khoa Khám bệnh cần có những hình ảnh tuyên truyền về những triệu chứng của bệnh MERS-CoV để nhiều người biết và chủ động khai báo thông tin với cán bộ y tế. Đặc biệt, các bệnh viện cần tăng cường năng lực quản lý lâm sàng các ca bệnh truyền nhiễm và có danh sách những bệnh viện có đủ năng lực quản lý ca bệnh để tập trung điều trị người bị nhiễm MERS-CoV.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, ngày 4/6, Bộ Y tế sẽ đi kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Đoàn sẽ kiểm công tác chuyên môn, công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, vấn đề mai táng, vệ sinh… trong bệnh viện.
Cục sẽ chỉ đạo các bệnh viện tổ chức các lớp tập huấn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị MERS-CoV và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ phối hợp chặt với Cục Y tế dự phòng để cập nhật tình hình dịch bệnh cũng như người có nguy cơ từ vùng dịch về để quản lý và điều trị kịp thời.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 53/2015/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 750/QĐ-TTg về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Hiện nay, tình trạng nắng nóng, khô hạn gay gắt dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao tại nhiều địa phương.
Phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ 2 triệu đồng; vi phạm về chi trả dịch vụ môi trường rừng bị phạt tới 50 triệu đồng; miễn, giảm tiền sử dụng đất địa bàn đặc biệt khó khăn;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2015.