Chính sách mới đối với lao động dôi dư

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/7/2015 | 2:09:12 PM

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, thay thế Nghị định số 91/2010/NĐ-CP, trong đó mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, đồng thời, bổ sung một số chính sách đối với lao động dôi dư.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 20/8/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2010/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu. Qua 5 năm thực hiện cho thấy chính sách lao động dôi dư theo Nghị định số 91/2010/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sắp xếp lại lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; người lao động ổn định cuộc sống khi thôi việc và được tạo điều kiện nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề để tìm việc làm mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại như không quy định trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; công ty nhà nước chưa chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; người được công ty thực hiện sắp xếp lại cử làm người đại diện phần vốn của công ty tại công ty khác khi hết nhiệm kỳ hoặc thôi việc; cách tính chế độ trợ cấp, hỗ trợ tính theo từng giai đoạn điều chỉnh lương tối thiểu phức tạp, mức thấp hơn so với quy định của Bộ luật Lao động về trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc. Cùng với đó, Bộ Luật lao động năm 2012 có hiệu lực từ 1/5/2013 cũng có những thay đổi cơ bản về tiền lương...
Từ những lý do trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới quy định chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thay thế Nghị định số 91/2010/NĐ-CP.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Nghị định mới cơ bản kế thừa một số quy định của Nghị định số 91/2010/NĐ-CP như đối tượng giải quyết lao động dôi dư; chế độ về hưu trước tuổi; chế độ trợ cấp, hỗ trợ thêm theo số năm làm việc trong khu vực nhà nước, tuy nhiên cũng sửa đổi, bổ sung một số điểm cho phù hợp với thực tế và theo quy định của pháp luật về lao động.

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, ngoài các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại theo các hình thức cổ phần hóa, bán, chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, giải thể, phá sản, Nghị định mới đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.

Về đối tượng áp dụng, Nghị định bổ sung đối tượng là người lao động được tuyển dụng lần cuối cùng sau ngày 21/4/1998 hoặc 26/4/2002 (đối với trường hợp giải thể, phá sản) chấm dứt hợp đồng lao động; người đại diện phần vốn của công ty thực hiện sắp xếp lại theo quy định, tại thời điểm sắp xếp lại, hết thời hạn ủy quyền mà công ty thực hiện sắp xếp lại đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm; đồng thời, bỏ đối tượng áp dụng là người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

Bổ sung một số chính sách đối với lao động dôi dư

Nghị định mới cũng sửa đổi, bổ sung về các chính sách lao động dôi dư. Cụ thể, đối với người lao động được nghỉ hưu trước tuổi thì chỉ thay thế mức hỗ trợ một khoản tiền theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương bình quân 5 năm cuối bằng mức hỗ trợ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội 1 tháng lương cơ sở.

Đối với người lao động được tuyển dụng trước ngày 21/4/1998 khi công ty thực hiện cổ phần hoá, bán hoặc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, đơn vị sự nghiệp thì thay thế trợ cấp một tháng lương bằng trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động và hỗ trợ một khoản tiền cho mỗi năm làm việc tại công ty thực hiện sắp xếp như: hỗ trợ 1,5 tháng lương cơ sở đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 20 năm; 0,5 tháng lương cơ sở đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 20 năm đến dưới 25 năm; 0,2 tháng lương cơ sở đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 25 năm trở lên.

Đối với người lao động được tuyển dụng trước ngày 26/4/2002 khi công ty bị giải thể, phá sản thì được trợ cấp thôi việc theo quy định Điều 48 của Bộ luật Lao động và hỗ trợ một khoản tiền thay vì trợ cấp một tháng lương như quy định trước.

Người đại diện vốn được hưởng trợ cấp thôi việc

Nghị định mới cũng bổ sung chính sách đối với lao động dôi dư là người đại diện phần vốn của công ty. Cụ thể, người đại diện phần vốn của công ty được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21/4/1998 hoặc từ ngày 26/4/2002 trở về sau được trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động đối với người lao động dôi dư trong công ty thực hiện cổ phần hoá, bán, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động đối với người lao động dôi dư trong công ty thực hiện giải thể, phá sản.

Bên cạnh đó, người đại diện phần vốn của công ty được hưởng trợ cấp thôi việc do doanh nghiệp có vốn đầu tư của công ty thực hiện sắp xếp lại chi trả đối với thời gian người đại diện phần vốn của công ty làm việc thực tại doanh nghiệp đó...

(Theo Dangcongsan.vn)

Các tin khác
Người dân đi khám bệnh vào ngày nghỉ cũng được tính BHYT.

Liên Bộ Y tế - Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC, sửa đổi khoản 5, điều 13 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT).

Ảnh minh họa

Liên Bộ Nội vụ - Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư liên tịch 02/2015/TTLT-BNV-BVHTTDL hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Dự án Cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn miền Trung được điều chỉnh mức cho vay (hỗ trợ hộ gia đình cải thiện công trình vệ sinh) từ mức 4 triệu đồng/hộ lên mức 6 triệu đồng/hộ thông qua khoản vay của Quỹ quay vòng do Hội phụ nữ các tỉnh tham gia thực hiện dự án quản lý.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trong buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Sáng 17/7/2015, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 13 luật, pháp lệnh và nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục