Quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị
- Cập nhật: Thứ tư, 16/12/2015 | 8:16:47 AM
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 77/2015/TT-BGTVT quy định về việc vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị.
Ảnh minh họa
|
Không vận chuyển trẻ dưới 6 tuổi không có người lớn đi kèm
Thông tư quy định, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị có quyền yêu cầu hành khách đi tàu phải có vé hợp lệ; kiểm tra hành lý trước khi mang vào trong ga và lên tàu. Trong trường hợp có nghi ngờ về tính an toàn, có quyền yêu cầu hành khách mở hành lý mang theo để kiểm tra.
Đồng thời, được quyền từ chối vận chuyển hành khách trong các trường hợp sau: a- Mang các hành lý vượt quá số lượng, trọng lượng, kích thước và các hành lý không được mang theo người vào ga, lên tàu theo quy định; b- Trẻ em từ 6 tuổi trở xuống, trường hợp không xác định được tuổi thì có chiều cao dưới 1,15 m mà không có người lớn đi kèm; c- Người say rượu, người mất trí; người có bệnh truyền nhiễm; người có bệnh tật mà bác sĩ chỉ định không di chuyển hoặc xét thấy có thể nguy hiểm đến bản thân người đó khi đi tàu (trừ trường hợp có người đi cùng trông nom và người có bệnh truyền nhiễm đã được cách ly an toàn); d- Hành khách có hành vi làm mất trật tự công cộng, cản trở công việc của doanh nghiệp, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của các hành khách khác hoặc có những hành vi không bảo đảm an toàn trong hành trình.
Doanh nghiệp còn có nghĩa vụ thiết lập và công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của hành khách về chất lượng phục vụ của doanh nghiệp; phục vụ hành khách văn minh, lịch sự và hỗ trợ hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai vào ga, lên tàu, xuống tàu, ra ga thuận lợi…
7 loại hành lý không được mang vào ga
Hành lý không được mang theo người vào ga, lên tàu là: Hàng nguy hiểm; vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép sử dụng hợp lệ; những chất gây mất vệ sinh, làm bẩn toa xe; thi hài, hài cốt; hàng hóa cấm lưu thông; vật cồng kềnh làm trở ngại việc đi lại trên tàu, làm hư hỏng trang thiết bị toa xe; doanh nghiệp quy định cụ thể các loại động vật sống không được mang theo người và các quy định khác có liên quan đến việc vận tải động vật sống.
Thông tư nêu rõ, vé hợp lệ là vé do doanh nghiệp phát hành, còn đủ các thông tin phù hợp với quy định của từng loại vé. Các loại vé và giá vé do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đô thị quy định. Vé được bán tại các địa điểm bán vé.
Hành khách đã mua vé nhưng không có nhu cầu đi tàu thì có quyền trả lại vé. Doanh nghiệp quy định cụ thể việc trả lại vé của hành khách. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện việc miễn giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội khi đi tàu theo quy định của pháp luật và theo quy định của doanh nghiệp (nếu có).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/2/2016.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo công tác triển khai nộp thuế điện tử.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước đồng thời đảm bảo không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 48/2015/TT-BYT quy định về hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm (TP) trong sản xuất, kinh doanh TP.