Phân cấp quản lý giữa Chính phủ và UBND cấp tỉnh, thành phố
- Cập nhật: Chủ nhật, 20/3/2016 | 6:41:46 AM
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy tính chủ động, trách nhiệm, tinh thần sáng tạo của chính quyền địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc phân cấp theo nguyên tắc bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ; đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân; tuân thủ nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ; phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành và của chính quyền cấp tỉnh; phân cấp phải rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp; đảm bảo tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Đồng thời, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn, đặc thù của ngành, lĩnh vực, điều kiện và khả năng phát triển của từng khu vực, vùng lãnh thổ, loại hình đô thị, nông thôn; phù hợp khả năng quản lý, điều hành của từng cấp và điều kiện, khả năng cân đối các nguồn lực cần thiết để thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các ngành, lĩnh vực; tăng cường trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn kiểm tra, thanh tra của Bộ, ngành Trung ương đối với việc thực hiện phân cấp và xử lý trách nhiệm; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời phát huy dân chủ rộng rãi để Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.
Theo Nghị quyết, các lĩnh vực cần tập trung phân cấp quản lý nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020 gồm: Quản lý ngân sách nhà nước; Thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Quản lý đầu tư (đối với đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ); Quản lý công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; Quản lý đất đai.
Nghị quyết cũng đưa ra các giải pháp là tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ, hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát và thực hiện sự điều phối cần thiết của Chính phủ, các Bộ, ngành đối với các địa phương sau phân cấp.
Trong đó, sẽ rà soát chức năng, nhiệm vụ hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, loại bỏ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, phù hợp với nội dung đã phân cấp.
Giảm hợp lý các loại giấy phép và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động cấp phép; thường xuyên rà soát, giám sát, đánh giá quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, xử lý nghiêm việc soạn thảo và ban hành trái thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh; rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính và chỉnh sửa quy trình giải quyết công việc với người dân, với doanh nghiệp còn chưa phù hợp...
(Theo VOV)
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định, thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ theo hướng chặt chẽ.
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 33557 /BTC-TCT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý chi hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BCT quy định về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2016.