Sử dụng kinh phí bảo vệ và phát triển rừng
- Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2016 | 3:12:26 PM
Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2020.
Theo đó, về hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, đối tượng được nhận hỗ trợ gồm: hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được nhận khoán bảo vệ rừng; cộng đồng dân cư thôn tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được nhận khoán bảo vệ rừng.
Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm. Hạn mức diện tích rừng nhận khoán được hỗ trợ tối đa 30 ha một hộ gia đình.
Quy định về hỗ trợ bảo vệ rừng; khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, Thông tư nêu rõ đối tượng được hỗ trợ khi hỗ trợ bảo vệ rừng gồm hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn thực hiện bảo vệ diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao.
Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung: hộ gia đình thực hiện khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung trên diện tích đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao.
Mức hỗ trợ bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm. Đối với khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung: theo thiết kế, dự toán, tối đa không quá 1,6 triệu đồng đồng/ha/năm trong 03 năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho 03 năm tiếp theo. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy
Thông tư nêu rõ đối tượng được trợ cấp là hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch UBND cấp tỉnh xác định cụ thể đối tượng hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực. Mức trợ cấp là 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp (theo giá công bố của địa phương). Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức trợ cấp cụ thể theo diện tích, số khẩu phù hợp với thực tế của địa phương và thời gian trợ cấp, nhưng tối đa không quá 7 năm.
Loại gạo trợ cấp là gạo tẻ thường, độ ẩm không quá 14%; không bị sâu mọt, nấm, mốc. UBND cấp tỉnh xem xét ưu tiên giải quyết loại gạo phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc được sản xuất ở địa phương.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2016.
Các chế độ quy định tại Thông tư liên tịch này được thực hiện từ ngày 02/11/2015.
B.T
Các tin khác
YBĐT - Ngày 14/6/2016, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 893/QĐ-UBND, ngày 24/6/2011 về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Yên Bái.
Vào lúc 10 giờ ngày 26/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ vĩ Bắc; 112,6 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150km về phía Bắc, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1461/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Từ 1/8, Nghị định 46 bắt đầu có hiệu lực với 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ tăng mức phạt so với quy định tại Nghị định 171, 107. Nhóm vi phạm hiệu lệnh tín hiệu đèn, nồng độ, vi phạm tốc độ được thay đổi nhiều nhất.