Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/2/2017 | 6:39:51 AM

YBĐT - Để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Diện tích rừng và độ che phủ rừng liên tục tăng; việc sắp xếp lại ba loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn; công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật.

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được hoàn thiện, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã giúp người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích rừng phòng hộ liên tục giảm qua các năm. Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Việc chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ; ranh giới ba loại rừng, ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng vẫn chưa được xác định trên bản đồ và thực địa. Các vụ việc chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng tiếp tục diễn ra gay gắt với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Nhiều diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, khoán sử dụng không đúng mục đích. Tình trạng dân di cư tự do chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn nhiều bất cập; diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, sạt lở đất rừng tăng cao. Công tác phát triển rừng, trồng rừng thay thế chậm tiến độ; xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế. Độ che phủ rừng tăng nhưng khó có thể đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức, ý thức và trách nhiệm của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, vì lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững.

Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm, còn buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương. Tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước thiếu đồng bộ; sự phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ của lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn yếu, tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm còn xảy ra. Đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa được quan tâm đúng mức; chưa thật sự khuyến khích được người dân, cộng đồng, các thành phần kinh tế tham gia. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao, còn có những kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi; việc xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa nghiêm, thiếu triệt để, không đủ sức răn đe.

Để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

2- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ trung ương tới cơ sở về lâm nghiệp; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi; thực hiện các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, nhất là cho người dân làm nghề rừng. Đẩy mạnh xã hội hóa, có cơ chế, khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tăng cường sự phối họp hiệu quả giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động, nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống cháy, chữa cháy và sạt lở đất rừng để hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng. Quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do tại cả nơi đi và nơi đến.

3- Khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch... Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên; dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp.
Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư.

4- Đẩy nhanh tiến độ điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa đến đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn; ranh giới lâm phận quốc gia và ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng. Khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng vào năm 2018. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI.

5- Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông, rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng. Bảo vệ và quản lý nghiêm, kết hợp với tăng cường các biện pháp trồng mới, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu sang rừng sản xuất, tránh để lợi dụng nhằm trục lợi; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định); dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước; nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với rừng sản xuất; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng suy thoái rừng.

6- Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác song phương với các nước có chung đường biên giới nhằm tăng cường trao đổi thông tin, bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản hiệu quả, chặt chẽ. Tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ nước ngoài (vốn ODA, vay ưu đãi và hỗ trợ quốc tế...) cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

7- Tổ chức thực hiện

- Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghiêm Chỉ thị này; bổ sung kịp thời các nội dung nêu trong Chỉ thị vào kế hoạch, nội dung công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm.

- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý ngành Lâm nghiệp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện và giám sát; sớm ban hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

- Ban cán sự Đảng Chính phủ tập trung chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân, các hội, hiệp hội đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và giám sát việc thực hiện Chỉ thị. Triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng" và phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác" hàng năm.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi cá nhân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt đến chi bộ Đảng.

                                                                                      K.T
 

Các tin khác
Hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú (Ảnh minh họa)

Kỳ họp thứ 3 – HĐND tỉnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, hỗ trợ kinh phí phục vụ thuê khoán lao động nấu ăn cho học sinh bán trú ngoài quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2017-2020.

Ảnh minh họa.

Từ ngày 15/2/2017, việc cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san được thực hiện theo quy định tại Thông tư 48/2016/TT-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 331/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 256/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục