Công điện về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/7/2017 | 8:01:38 AM

YênBái - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa có công điện yêu cầu các địa phương chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

Đường đi của áp thấp nhiệt đới.
Đường đi của áp thấp nhiệt đới.

Nội dung Công điện nêu rõ: Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều 14/7, vùng áp thấp sau khi di chuyển vào phía Nam khu vực quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 13h ngày 14/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc, 112,8 độ Kinh Đông; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km; đến 13h ngày 15/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc, 111,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 110 km về phía Đông Nam; sức gió mạnh nhất ở vùng tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đây là cơn áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên biển Đông, khu vực có nhiều tàu thuyền hoạt động. Để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ có thể xảy ra, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các Bộ, ngành cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, các địa phương cần tổ chức kiểm đếm, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Khu vực nguy hiểm được xác định trong 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 15 đến 19 độ vĩ Bắc và phía Tây kinh tuyến 115 độ kinh Đông (khu vực nguy hiểm sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới). Các đơn vị chức năng ở các địa phương, bộ ngành cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

Các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với lũ quét, sạt lở đất và phương án đảm bảo an toàn hạ du trong trường hợp các hồ chứa xả lũ; theo dõi diễn biến mưa, lũ, chủ động các biện pháp tiêu nước, chống úng cho sản xuất nông nghiệp và ngập lụt các khu đô thị; thực hiện nghiêm Công điện số 997, ngày 11/7 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản số 63, 64 ngày 11/7 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân chủ động ứng phó; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Ngay 14/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai họp khẩn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương và các công ty thủy điện phía Bắc, các đơn vị tư vấn tính toán về công tác điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai nêu rõ, chất lượng dự báo, tư vấn tính toán điều hành hồ chứa thủy điện còn nhiều hạn chế nguyên nhân do hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn thượng lưu sông Hồng còn thưa và chưa đồng bộ, do đó còn thiếu thông tin về mưa, dòng chảy cũng như xả lũ của các hồ chứa thủy điện từ phía thượng nguồn phía Trung Quốc; mô hình tính toán không được cập nhật thường xuyên do thiếu các dữ liệu về địa hình. Vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cùng chính quyền các địa phương cần thực hiện nghiêm công điện của Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai trong công tác ứng phó mưa lũ khu vực miền núi phía Bắc; bám sát diễn biến mưa lũ, thông báo kịp thời đến người dân vùng hạ du để có phương án chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Từ giữa tháng 6/2017 đến nay, các tỉnh miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng mưa lũ kéo dài. Một số khu vực có mưa rất lớn cục bộ. Mặc dù chưa đến thời kỳ lũ chính vụ nhưng mực nước hiện nay tại các hồ chứa thủy điện đã ở mức cao hơn nhiều so với mức trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt là hồ Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình có thể phải tiến hành xả lũ trong những ngày tới.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai nhận định, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay diễn biến mưa lũ đã diễn biến phức tạp. Nhiều nơi lượng mưa đo được trong vòng 1 tháng lên đến 2.000 mm, bằng tổng lượng mưa cả năm. Việc xả lũ các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất vùng hạ du và an toàn của hệ thống đê bảo vệ đồng bằng sông Hồng. Điều này đòi hỏi công tác điều hành liên hồ chứa và việc xả lũ thượng nguồn phải được tính toán hết sức cẩn thận, tránh ảnh hưởng đến khu vực hạ du.

(Theo VTV)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục