Chỉ thị nêu rõ, thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các cấp, các ngành đã có cố gắng trong công tác quản lý ngân sách nhà nước và đạt được những kết quả quan trọng; kỷ luật, kỷ cương ngân sách được tăng cường; nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách đã được phát hiện và xử lý kịp thời; các cơ chế, chính sách về quản lý thu, chi ngân sách được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách nói chung và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước nói riêng.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và kiểm tra, kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước cho thấy tình hình vi phạm chế độ, chính sách quản lý thu, chi ngân sách còn xảy ra ở một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị; tình trạng đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, trong tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, đi công tác nước ngoài,… vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính - ngân sách nhà nước.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương: Tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước theo quy định; khẩn trương xử lý theo chế độ quy định các khoản tạm thu, tạm giữ, các khoản thuế đã kê khai nhưng chậm nộp và các khoản thuế ẩn lậu được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị thu vào ngân sách nhà nước.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, tập trung vào những doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm có độ rủi ro cao, nâng tỷ lệ doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra thuế; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế, chuyển giá; đẩy mạnh công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu và kiểm soát chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước, nhất là các khoản thu theo hình thức khoán; kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế hải quan.
Quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, triệt để tiết kiệm
Chỉ thị nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương: Thực hiện phân bổ, giao dự toán chi ngân sách nhà nước đúng thời hạn, nội dung, đối tượng, lĩnh vực theo quy định; đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ/dự án quan trọng, cấp bách và chủ động bố trí kinh phí để hoàn trả kinh phí đã ứng trước, xử lý nợ đọng theo quy định.
Điều hành, quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định, hạn chế việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước, giảm số chi chuyển nguồn sang năm sau. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để xảy ra tình trạng nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản.
Nghiêm cấm thực hiện các khoản chi ngoài dự toán, các khoản chi trái quy định của pháp luật, sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng đối với những việc, nội dung sai chế độ quy định.
Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm soát chặt chẽ các khoản vay; hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Các địa phương thực hiện huy động để bù đắp bội chi ngân sách địa phương trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; bố trí chi trả nợ lãi trong chi cân đối ngân sách địa phương; chi trả nợ gốc ngoài chi cân đối ngân sách địa phương được bố trí từ nguồn vay, bội thu ngân sách cấp tỉnh, kết dư ngân sách cấp tỉnh và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định.
Cùng với đó tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh việc xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng để tạo nguồn tài chính bổ sung ngân sách nhà nước phục vụ cho mục tiêu đầu tư phát triển và các nhu cầu khác theo quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí thất thoát tài sản công.
Xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm
Theo Chỉ thị, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhiệm vụ tổ chức thực hiện kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công; chậm thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra, kiến nghị của cơ quan kiểm toán đối với các vi phạm xảy ra trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm được giao quản lý. Việc báo cáo kết quả xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 33/2008/CT-TTg. Định kỳ cuối năm, tổng hợp kết quả xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân, gửi Bộ Nội vụ để theo dõi, tổng hợp việc thực hiện xử lý kỷ luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không chấp hành chế độ báo cáo kết quả xử lý các kết luận của cơ quan thanh tra, kiến nghị của cơ quan kiểm toán quy định tại Chỉ thị này hoặc tiến độ xử lý các sai phạm chậm, Bộ Tài chính tạm dừng cấp kinh phí theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
(Theo chinhphu.vn)